Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tập đoàn và con đường phía trước (1)

picture

Đứng trước yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế trong thời kỳ hậu suy thoái, liệu các tập đoàn kinh tế có giữ được vai trò cốt lõi như kỳ vọng?

Nội dung cuộc giao lưu trực tuyến trên VnEconomy với sự tham dự của các chuyên gia và lãnh đạo một số tập đoàn, chiều 6/11

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã thông qua dự thảo nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ khi thí điểm thành lập (năm 2005) đến nay, nhìn về tổng thể, đa số tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động ổn định, tăng trưởng cao, đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người tiêu dùng, xuất khẩu, phát huy được sức mạnh tổng thể, đặc biệt đã góp phần quan trọng vào bình ổn giá cả, chống lạm phát và ổn định kinh tế xã hội…

Tuy nhiên, nội tại các tập đoàn vẫn tồn tại những hạn chế như một số lĩnh vực còn mang tính độc quyền, chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh thị trường; mở rộng ra đa ngành, đa nghề không phải sở trường (sang các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản); một số vẫn hoạt động nặng tính hình thức của công ty nhà nước... Bản thân các tập đoàn cũng phải đối mặt với một số đánh giá, nhận định chưa khách quan từ dư luận xã hội.

Đứng trước yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế trong thời kỳ hậu suy thoái, liệu các tập đoàn kinh tế có giữ được vai trò cốt lõi như kỳ vọng?

Về nội dung này, từ 14h-17h hôm nay (thứ Sáu, ngày 6/11), VnEconomy đã tổ chức một cuộc giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, chuyên gia, nhà quản lý cùng bạn đọc trong và ngoài nước với chủ đề: “Tập đoàn và con đường phía trước”, với sự tham dự của các vị khách mời:

- Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ)

- Ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

- Ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

- Ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam)

- Ông Phạm Khắc Dũng, Giám đốc Hoạt động, Tập đoàn Bảo Việt

Sau đây, chúng tôi xin những giới thiệu nội dung của cuộc giao lưu trực tuyến này.

Phạm Hưng Hùng - Nam 40 tuổi - Nghiên cứu sinh Đại học Birmingham:

Tôi rất ủng hộ việc duy trì và thành lập các tập đoàn và tổng công ty lớn trong các lĩnh vực kinh tế then chốt. Các nước công nghiệp hóa muộn như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã rất thành công với mô hình này (với các Keiretsu ở Nhật và Chaebol ở Hàn Quốc). Tuy nhiên, trong quá khứ, các nước này có điều kiện thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ rất mạnh, đặc biệt là khi các tập đoàn của họ còn non trẻ, sức cạnh tranh còn yếu. Do các biện pháp này hiện nay không còn được phép áp dụng khi nước ta đã tham gia WTO và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nên tôi rất băn khoăn chúng ta sẽ có giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ các tập đoàn của chúng ta trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các công ty nước ngoài trên thị trường quốc tế cũng như nội địa?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Cảm ơn bạn đã quan tâm. Vấn đề bạn nêu ra đúng là thách thức đối với các mô hình, tập đoàn tổng công ty của các nước thuộc nhóm đang phát triển hiện nay.

Do từ năm 2006, chúng ta là thành viên của WTO nên mọi hỗ trợ của Nhà nước đều bị hạn chế. Theo quan điểm của tôi, nếu chỉ để các thành phần kinh tế khác phát triển và xây dựng tập đoàn thì sẽ không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy Nhà nước phải trực tiếp đầu tư, tức là thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu của mình chứ không phải là trách nhiệm quản lý Nhà nước để phát triển kinh tế.

Khi các tập đoàn phát triển ổn định thì tiến hành xã hội hóa (cổ phần hóa). Như vậy các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác đỡ gặp rủi ro khi tham gia vào thị trường.

Lê Vân Ly - Nữ 35 tuổi - Giảng viên:

Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, trong bài trả lời phỏng vấn cùng chủ đề này trên VnEconomy, ông cho rằng, thời gian qua có nhiều cái nhìn sai lệch ở cả đại biểu quốc hội và dư luận xã hội khi đánh giá về tập đoàn. Ông khá lạc quan với nhận định các tập đoàn kinh tế có 60% thành công và 40% khuyết điểm. Và ông cũng cho rằng, hiệu quả hoạt động của tập đoàn thấp chứng tỏ đã phát triển đúng hướng do phải làm nhiệm vụ đi trước, mở đường, chịu rủi ro. Vậy theo ông, nhiệm vụ đi trước, mở đường và đạt hiệu quả thấp của các tập đoàn sẽ kéo dài đến bao giờ? Và như thế, ai là người chịu trách nhiệm khi các tập đoàn mở đường nhầm, sang lĩnh vực không phải thế mạnh, như việc đầu tư tài chính kém hiệu quả thời gian qua?

Ông đưa ra vấn đề hạn chế những khoản vay không cần thiết của Tập đoàn Vinashin như một trong những hành động bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến về cách xử lý vấn đề tại Vinashin, ví dụ việc cho phép Vinashin thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt. Thưa ông, nếu chúng ta tái cấu trúc kinh tế theo cách xử lý hậu quả (và nhiều ý kiến cho rằng phi kinh tế) như vậy, liệu rằng có phù hợp quy luật và công bằng với các thành phần kinh tế khác hay không? Thay vì chúng ta chịu nhìn nhận và xử lý tận gốc vấn đề là Chính phủ thiếu cơ chế chính sách tài chính phù hợp để quản lý các tập đoàn kinh tế, từ đó có cách xử lý chiến lược hơn.

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Xin chào bạn, cảm ơn đã đặt những câu hỏi khó.

Khi chủ sở hữu quyết định phương án đầu tư có tính rủi ro cao thì trong quyết định đó đã bao hàm yếu tố nếu rủi ro cao bao gồm cả yếu tố thất bại nên nếu thất bại thì chủ sở hữu phải chịu.

Tránh trường hợp một mình chủ sở hữu phải chịu, người ta xây dựng quỹ đầu tư rủi ro. Các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư trong các lĩnh vực rủi ro thì có thể mua bảo hiểm của quỹ này.

Le Ha - Nữ 36 tuổi - Chuyên viên phân tích:

Xin hỏi ông Kiên, theo ông, hệ thống chính sách pháp luật hiện hành đã đủ để tập đoàn hoạt động và phát triển? nếu có bất cập thì nằm ở khâu nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn, cuộc sống luôn luôn thay đổi, vì vậy hệ thống luật pháp cũng phải thường xuyên thay đổi để phù hợp với tình hình. Ở các nước có nền kinh tế phát triển, việc xây dựng chính sách, luật pháp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội.

Ở nước ta do đang hình thành một mô hình kinh tế mới nên nhìn chung hệ thống văn bản pháp quy chỉ tạm gọi là xây dựng được hành lang cho các doanh nghiệp hoạt động. Còn nhiều vấn đề chi tiết cần tiếp tục được luật hóa để tránh việc cùng một quy định có nhiều cách hiểu khác nhau.

Bất cập nhất, theo tôi là chưa quy định rõ việc gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể với các chủ thể đại diện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp.

Phạm Hưng Hùng - Nam 40 tuổi - Nghiên cứu sinh Đại học Birmingham:

Xin hỏi ông Nguyễn Đức Kiên: Ông đã có một bài viết rất hay về “Một cách nhìn khác về tập đoàn kinh tế”. Ngoài sự ủng hộ về cơ chế, chính sách của nhà nước, sự chỉ đạo đổi mới trong công tác điều hành của tập đoàn kinh tế để dần tối ưu hóa mô hình hoạt động, theo ông chúng ta có nên kêu gọi nhân dân tích cực ủng hộ các tập đoàn hay không? Và nếu có thì làm bằng cách nào? Bởi chính những đánh giá phê bình một cách mạnh mẽ về các tập đoàn (ở góc độ phát triển thì những ý kiến phê bình là rất tốt, để các tập đoàn dần hoàn thiện mình hơn) cũng tạo ra một sự ác cảm của người dân với các tập đoàn.

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Câu hỏi này của bạn hơi thiên về vấn đề tâm lý của người quản lý và vấn đề PR của doanh nghiệp.

Đúng như phát hiện của bạn, nếu chỉ đưa một chiều ý kiến phê bình mà không nêu các thành quả, đóng góp của các tập đoàn sẽ tạo ra tâm lý không tin tưởng doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng, với cương vị của bạn hiện nay, bạn có thể góp phần to lớn vào việc thực hiện đề xuất của bạn. Làm cho mọi người có cái nhìn đa chiều, đúng mực về tập đoàn, theo tôi cũng là trách nhiệm chung của các nhà báo và các nhà kinh tế.

Nguyễn Chiến Thắng - Nam 34 tuổi - Phóng viên:

Thưa ông Sự, trước đây, Tổng giám đốc Petro Vietnam có nói, Petro Vietnam đầu tư ngoài ngành nhiều là do lợi nhuận thu được khá lớn nên phải mang tiền đi kinh doanh. Vậy, điều đó hiện nay có còn diễn ra ở Petro Vietnam nữa không? Lĩnh vực mà các ông nhắm tới là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Sự:


Petro Vietnam là một tập đoàn kinh tế lớn nhất của Việt Nam, với định hướng chiến lược phát triển đa sở hữu, đa ngành nghề và đa sản phẩm, đồng thời đảm bảo giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, tập đoàn đã mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình sang những lĩnh vực có thể đầu tư nhằm hai mục tiêu chính là mục tiêu lợi nhuận và là một công cụ phục vụ điều tiếtnền kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động dobiếnđộng củakinh tế thế giới vầ trong nước, tập đoàn đang cơ cấu lại tất cả các đơn vị của mình và chúng tôi tậptrung vào một số lĩnh vực chính, gồm tìm kiếm thăm dò khai thác chế biến phân phối dầu khí, sản xuất cung cấp phân bón cho đất nước, sản xuất điện...

Tập đoàn đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư sang nước ngoài để khai thác nguồn dầu khi của các nước khác manng nguồn lợi về cho đất nước.

Le Hoang Giang - Nam 33 tuổi:

Xin hỏi ông Nguyễn Đức Kiên: Thưa ông, một trong những điều nhiều vị đại biểu hay than phiền trên diễn đàn Quốc hội là sự đầu tư dàn trải, nhất là đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Quan điểm cá nhân ông về điều này thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn, về câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau.

Tính đến cuối năm 2008 tổng số vốn đầu tư vào các lĩnh vực tài chính của các tập đoàn, tổng công ty là 21.164 tỷ đồng trên tổng số 485.644 tỷ đồng. Theo bạn thế là ít hay nhiều?

Nguyễn Minh Hóa - Nam 33 tuổi - Nhân viên kinh doanh:

Theo các ông, tập đoàn kinh tế nào hiện nay được coi là mạnh nhất tại Việt Nam hiện nay? Một tập đoàn kinh tế như thế nào được coi là mạnh?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Tùy theo việc xây dựng tiêu chí đánh giá mà chúng ta có thể phân loại được tập đoàn mạnh. Nếu xét về mặt sử dụng lao động thì Tập đoàn Dệt may hiện nay là tập đoàn lớn nhất.

Nếu xét về đóng góp cho ngân sách Nhà nước thì Tập đoàn Dầu khí là mạnh nhất. Xét về mặt quan hệ quốc tế thì Tập đoàn Bưu chính Viễn thông là có nhiều mối quan hệ nhất...

Một tập đoàn kinh tế mạnh khi hoàn thành nhiệm vụ của chủ sỡ hữu giao, có khả năng liên kết với các doanh nghiệp khác trong ngành để thực hiện nhiệm vụ chính trị và xã hội và có lợi nhuận hợp lý.

Vu Van Quan - Nam 45 tuổi - Bạn đọc:

Xin chào lãnh đạo Petro Vietnam. Cá nhân tôi nhận thấy Petro Vietnam đang nắm một lợi thế, đúng hơn là uy thế, khi hoạt động "độc quyền" trong một lĩnh vực tối quan trọng của nền kinh tế. Điều này cũng tạo thế mạnh cho Tập đoàn, nhưng đến khi nào thì Petro có thể hoàn toàn tự chủ 100% công nghệ, nhân lực... để không chuyển nguồn lợi ra bên ngoài (qua liên doanh) như hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Petro Vietnam  là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí. Đây là một lĩnh vực mang tính độc quyền cao, tập đoàn được Chính phủ giao đảm nhiệm hai vai trò, một là thay mặt cho nước chủ nhà quản lý tham gia các hoạt động dầu khí, hai là tham gia với tư cách một nhà đầu tư.

Đặc thù của hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là hoạt động có nhu cầu đầu tư rất lớn đồng thời rủi ro trong kinh doanh cũng rất cao. Trên thế giới tất cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí đều theo hướng chia sẻ rủi ro với các nước khác. Vì vậy thông thường người ta phải thực hiện theo hướng hợp tác với nhiều đối tác khác nhau để cùng hoạt động. Mặt khác cũng qua hoạt động hợp tác đó sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trong quá trình hợp tác với các công ty nước ngoài, Petro Vietnam triển khai rất tích cực đào tào cán bộ, tiếp quản các công nghệ mới thông qua các hợp đồng hợp tác với nước ngoài. Cho đến nay đội ngũ cán bộ của Petro Vietnam đã đạt được trình độ khá cao và cũng đã tự mình đầu tư vào một số mỏ trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên để có thể thúc đẩy được tiến trình này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vốn và công nghệ, con người.
 
Trong chiến lược phát triển, chúng tôi đang cố gắng phấn đấu để phát triển Petro Vietnam thành một tập đoàn dầu khí có tầm cỡ tương đương với các tập đoàn dầu khí lớn trên khu vực.

Hoàng Lan - Nữ 28 tuổi:

Chủ đề buổi giao lưu nói về "con đường phía trước". Vậy xin hỏi các đại biểu là phía trước của mô hình tập đoàn kinh tế, của các tập đoàn cụ thể là gì, kỳ vọng, khó khăn, thuận lợi và cả những cam kết nữa? Trân trọng cảm ơn.

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề của cuộc giao lưu này. Như bạn đã nêu ở câu hỏi, "con đường phía trước" là kỳ vọng của không chỉ riêng các phóng viên và nhóm diễn giả đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc, mà còn là cả nhiệm vụ đất nước giao cho các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đảm bảo nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong quá trình xây dựng và hoạt động, chúng ta có những bỡ ngỡ nhất định, vì vậy những bước đi trong thời gian vừa qua luôn thận trọng để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt  hại có thể xảy ra.

Các cơ quan lập pháp và hoạch định chính sách vĩ mô sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về quản lý tập đoàn và tổng công ty trong lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ chính trị và hiệu quả kinh doanh.

Lê Văn Thái - Nam 42 tuổi:

Xin hỏi các diễn giả và thực tế từ đại diện các tập đoàn tham gia giao lưu: Giữa mô hình tập đoàn và tổng công ty có những gì khác biệt? Lợi ích khi đi theo mô hình tập đoàn là gì? Đâu là những điều kiện để áp dụng và đi theo mô hình này? Xin cám ơn.

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Trên thế giới có nhiều mô hình tập đoàn khác nhau. Nhưng hiện nay chúng ta đang thí điểm xây dựng 8 tập đoàn theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Lợi thế của mô hình này là thể hiện quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con theo trách nhiệm về vốn mà không phải trách nhiệm hành chính.

Nâng cao trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu, đại diện vốn tại các công ty con, thực hiện mô  hình công ty hóa các doanh nghiệp Nhà nước (tức là chuyển doanh nghiệp Nhà nước hạch toán theo nền kinh tế thị trường, giá trị hóa các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ chính trị và xã hội do chủ sở hữu giao).

Một ưu điểm khác là rút ngắn thời gian ra quyết định ở các công ty con, phù hợp với diễn biến của thị trường, làm cho các công ty ứng phó nhanh hơn, không mất thời gian trong việc xin ý kiến. Điều kiện để áp dụng mô hình là khi doanh nghiệp hoạt động trên nhiều ngành, nhiều địa phương khác nhau cần phải nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả đầu tư.

Bảo Anh - Nữ 31 tuổi - Kế toán:

Quý vị nhìn nhận thế nào về vai trò của tập đoàn kinh tế. Có thực sự là những “anh cả” trong phát triển kinh tế của đất nước và họ đã đảm bảo được vai trò "anh cả" trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế phát triển chưa?

Ông Vũ Đức Giang:

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói, tôi khẳng định rằng Tập đoàn là đơn vị chủ đạo của ngành dệt may ở Việt Nam. Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã đạt được 4 mục tiêu chủ đạo:

Thứ nhất, Tập đoàn Dệt may đã đầu tư vào những lĩnh vực cốt lõi như vải, nguyên phụ liệu, đào tạo nguồn lực, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Trong đó nhiều lĩnh vực khu vực tư nhân không có đủ tiềm lực để đầu tư được.

Thứ hai, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi của ngành dệt may Việt Nam.

Thứ ba, chúng tôi khẳng định là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc sản xuất kinh doanh có tính bền vững và hiệu quả.

Thứ tư, chúng tôi giải quyết lao động ổn định trong ngành công nghiệp dệt may. Hiện nay Tập đoàn đã có 116.000 lao động với tổng mức lương hàng năm lên tới trên 3.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 2,2 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập để lưu thông vào đời sống và xã hội.

Trong khi đó, hiện nay toàn ngành dệt may có trên 2 triệu lao động với thu nhập bình quân đạt 2 triệu đồng/tháng, tổng quỹ tiền lương đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/năm.

Hoàng Lan - Nữ 28 tuổi:

Chủ đề buổi giao lưu nói về "con đường phía trước". Vậy xin hỏi các đại biểu là phía trước của mô hình tập đoàn kinh tế, của các tập đoạn cụ thể là gì, kỳ vọng, khó khăn, thuận lợi và cả những cam kết nữa? Trân trọng cảm ơn.

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Các tập đoàn kinh tế của Việt Nam cũng chỉ là mới được thành lập, quy mô và phạm vi hoạt động còn hạn chế, kể cả về thị trường, vốn, con người, công nghệ, sản phẩm và khả năng quản lý điều hành.

Với quy mô của các tập đoàn kinh tế hiện nay so với các tập đoàn kinh tế trên thế giới còn rất nhỏ bé. Các tập đoàn kinh tế của Việt Nam hiện tại đang gặp một số khó khăn nhất định như khó khăn khi thiếu các quy định cụ thể về cơ chế cho tập đoàn hoạt động, khó khăn về vốn, khó khăn về thị trường dẫn đến sức cạnh tranh của các tập đoàn chưa cao.

Trong quá trình phát triển, tập đoàn dầu khí luôn kỳ vọng phát triển trở thành một tập đoàn kinh tế lớn của khu vực, hoạt động không chỉ trong nước mà còn có sức cạnh tranh ra nước ngoài.

Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm có những biện pháp tháo gỡ khó khăn và đưa ra một cơ chế quản lý điều hành phù hợp thông thoáng để tạo điều kiện cho các tập đoàn phát triển. Chúng tôi cũng cam kết luôn luôn phấn đấu giữ vững vị trí là một trong những tập đoàn chủ đạo của nền kinh tế và phấn đấu đến 2015 có những mặt hoạt động ngang tầm với những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực.

Nguyen Dang Truyen - Nam 41 tuổi - EVN:

Xin hỏi ông Kiên, trong một bài trả lời phỏng báo chí vấn gần đây, ông có nhận định khuyến điểm lớn nhất của tập đoàn kinh tế là định hướng phát triển không giữ được như ban đầu, do chủ sở hữu thực hiện không hết vai trò của mình. Ông có thể nói rõ hơn điều này?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn, khi thành lập doanh nghiệp thì bao giờ chủ sở hữu cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể về sử dụng nhân lực, vốn đầu tư, định hướng kinh doanh (gồm cả thị trường và sản phẩm)... Bên cạnh đó chủ đầu tư cũng phải có cơ chế kiểm soát nhất định để giữ vững mục tiêu đề ra của mình.

Trong thời gian vừa qua, khi thị trường xuất hiện nhiều yếu tố đầu cơ với tỷ suất lợi nhuận rất cao thì một số tập đoàn đã chuyển một phần nhỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này để nâng cao lợi nhuận. Trước sự việc đó chủ sở hữu đó đã không kịp thời kiểm soát việc chuyển vốn và bố trí một lực lượng nhân lực phù hợp với hình thức đầu tư mới này.

Chính vì vậy, khi thị trường có biến động thì hiệu quả đầu tư không cao như dự kiến ban đầu, tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến thương hiệu của nhiều doanh nghiệp đã mất rất nhiều công sức và tiền của xây dựng từ hàng chục năm nay.

Nguyễn Viết Bình - Nam 35 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin chào lãnh đạo Tập đoàn Petro Vietnam. Hiện nay, Petro Vietnam đang là đầu mối cung hàng cho thị trường chứng khoán, toàn những doanh nghiệp lớn mà chúng tôi quen gọi là "họ PV". Xin hỏi, sắp tới định hướng tạo hàng cho thị trường niêm yết của Tập đoàn như thế nào, bao giờ thì cổ phần hóa hoàn toàn? Trân trọng cám ơn.

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác đổi mới doanh nghiệp, Petro Vietnam đang là một doanh nghiệp dẫn đầu trong cổ phần hóa các đơn vị thành viên của  mình.

Tính đến nay Petro Vietnam đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp đã được giao. Các doanh nghiệp của dầu khí thường có vốn lớn, do đó khối lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường lớn hơn nhiều các doanh nghiệp khác.

Tùy thuộc theo kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ phát sinh các yêu cầu phải huy động thêm vốn, do vậy chúng tôi sẽ xem xét việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường, riêng đối với công ty mẹ Petro Vietnam, vì là một doanh  nghiệp chủ đạo trong nền kinh tế và hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên của đất nước, do đó Chính phủ chưa có chủ trương cổ phần hóa Petro Vietnam.

Nam Anh - Nam 58 tuổi - Nghiên cứu:

Việc thành lập tập đoàn là tất yếu, các quốc gia hùng mạnh khi sở hữu những tập đoàn hùng mạnh và đó chính là mục tiêu của chúng ta, là sứ mệnh của tập đoàn. Các tập đoàn hùng mạnh ở các nước đã có cả một quá trình bề dày để trưởng thành, còn các tập đoàn của chúng ta có thể nói còn đang "chập chững". Theo tôi, hoạt động đa ngành không phải là sai, có điều là đến ngưỡng nào thì mở rộng phát triển thành "đa ngành", ý kiến các diễn giả ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Khi xây dựng phát triển các tập đoàn kinh tế theo hướng đa dạng ngành nghề là tất yếu. Tuy nhiên, cần phải hiểu và xác định tiêu chuẩn như thế nào để xứng đáng với tên gọi tập đoàn kinh tế.

Hiện nay các tập đoàn kinh tế của Việt Nam có quy mô hoạt động nhỏ và vốn cũng nhỏ, do đó cũng chỉ đủ đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh chính của mình. Nếu hoạt động đa ngành nghề trong điều kiện như vậy thì sẽ gặp nhiều rủi ro, vì vậy quan điểm cá nhân tôi cho rằng cần phải có tiêu chí xác định như thế nào mới gọi là tập đoàn kinh tế, các tiêu chí đó phải liên quan đến quy mô hoạt động, đội ngũ cán bộ, độ lớn của vốn kinh doanh, thương hiệu và cả khả năng quản lý điều hành.

Vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, khi có tiêu chí đánh giá đó thì cũng nên để các tập đoàn chủ động tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Phạm Tuấn Anh:


Một trong những đặc điểm của tập đoàn kinh tế là kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Các tổng công ty nhà nước trước đây chủ yếu thực hiện kinh doanh trong những chuyên ngành hẹp, có kinh doanh ngành nghề khác nhưng không đáng kể.

Khi chuyển sang mô hình tập đoàn kinh tế, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, hầu hết các tập đoàn đều mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác với mong muốn trở thành các tập đoàn kinh tế công nghiệp - thương mại - tài chính - dịch vụ.

Việc mở rộng kinh doanh đa ngành giúp cho các tập đoàn khai thác tối đa các nguồn lực, thế mạnh hiện có để có thể tối đa hóa lợi nhuận sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo ra cơ chế san sẻ rủi ro qua nhiều lĩnh vực hoạt động.

Tuy nhiên, nếu không có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở lợi thế và điều kiện của mình, các tập đoàn dễ bị phân tán nguồn lực, không tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển dài hạn ở những lĩnh vực chính mà lại đầu tư vào những lĩnh vực không có kinh nghiệm, sở trường dẫn đến không hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Trong thực tế đã có những khoản đầu từ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thậm chí lỗ vốn từ những hoạt động kinh doanh vào những lĩnh vực không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính ở một vài tập đoàn kinh tế.

Để đảm bảo các tập đoàn kinh tế nhà nước tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính đã được nhà nước  giao, Chính phủ đã quy định công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước và các doanh nghiệp thành viên được đăng ký những ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng phải tập trung đầu tư và hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan đến ngành nghề chính và chịu sự giám sát của nhà nước về việc đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư và hiệu quả vốn đầu tư vào ngành, nghề kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan đến ngành nghề chính và ngành nghề không liên quan đến ngành nghề chính.

Trường hợp công ty mẹ trực tiếp hoặc thông qua công ty con kinh doanh các ngành, nghề không liên quan đến ngành nghề chính thì phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh chính, phải sử dụng hoạt động và kết quả kinh doanh của các ngành nghề này để hỗ trợ, phát triển các ngành, nghề kinh doanh chính.

(Theo Vneconomy)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • TS.Phan Minh Ngọc: Bàn về khủng hoảng và thất nghiệp
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Phân định kẻ thắng người thua
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa(2): Thiệt vì những kẽ hở
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa (1)
  • Quản trị doanh nghiệp trong thời khủng hoảng kinh tế
  • Nghĩ lại sự tôn sùng GDP
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com