Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tập đoàn và con đường phía trước (3)

Do Van Tung - Nam 39 tuổi - Chuyên viên:

Dư luận mỗi khi nhắc đến tập đoàn kinh tế là thường gắn liền với cụm từ “đầu tư dàn trải”. Các ông có thừa nhận điều đó không và sẽ phản biện như thế nào?

Ông Vũ Đức Giang:


Xin cảm ơn câu hỏi của bạn,

Tập đoàn Dệt may chúng tôi chủ yếu tập trung đầu tư và lĩnh vực cốt lõi. Trong lĩnh vực phát triển, chúng tôi tập trung đầu tư vào sản xuất phát triển cây nguyên liệu như các cây bông, cây có sơ để phục vụ cho ngành dệt.

Tập đoàn Dệt may và Tập đoàn Dầu khí đã đầu tư xây dựng nhà máy sợi polyte. Chúng tôi đầu tư phát triển các khu công nghiệp và đầu tư các nhà máy xử lý nước thải để di dời các nhà máy của Tập đoàn ở các thành phố lớn ra các khu công nghiệp này. Đồng thời kêu gọi đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực dệt may vào các khu công nghiệp này.

Chúng tôi tập trung phát triển nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm, phụ liệu may, đào tạo nguồn lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn lực cán bộ quản lý, đào tạo kỹ sư ngành sợi, dệt, nhuộm . Đào tạo cán bộ kỹ thuật, đào tạo đội ngũ thiết kế thời trang cho các doanh nghiệp dệt may. Chúng tôi nghiên cứu về các chủng loại dệt cao cấp, Viện Fardin phát triển về thời trang, thương hiệu…

Xin khẳng định rằng, về đầu tư ra ngoài ngành, chúng tôi chỉ đầu tư ra ngoài 7,81% tổng nguồn vốn của Tập đoàn.

Chúng tôi thấy rằng ngành dệt may đang có lợi thế cạnh tranh tốt, đang giải quyết được hai vấn đề cốt lõi của xã hội như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động lớn nhất toàn ngành công nghiệp ở Việt Nam. Tiếp theo, ngành dệt may từ năm 2009 trở đi sẽ đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu trong các ngành.

Ngành dệt may không đạt tỷ suất lợi nhuận cao như tài chính, ngân hàng, nhưng lại mang lại hiệu quả bền vững.

Nguyễn Thành Trung - Nam 39 tuổi - Viên chức:

Có nhiều mô hình tập đoàn kinh tế, theo thuật ngữ tiếng Anh, một số tập đoàn sử dụng từ "Group" một số khác thì sử dụng từ "Holding" . Vậy sự khác nhau như thế nào về mô hình tập đoàn kinh tế khi có sự phân biệt giữa hai từ này ?

Ông Phạm Khắc Dũng:

Theo tôi, từ Group được hiểu là một nhóm các công ty có những chức năng tương đối đồng nhất, có tư cách pháp nhân, liên kết lại với nhau để trở thành một Tập đoàn.

Còn từ Holdings được hiểu đây là công ty mẹ, với chức năng chính là đầu tư và thành lập các công ty thành viên (công ty con) để hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh theo đính hướng, chiến lược của công ty mẹ.

Do đó đổi khi từ Group và Holdings được sử dụng một cách riêng rẽ, đôi khi được sử dụng chung. Việc sử dụng này tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Vũ Thu Hương - Nữ 29 tuổi - Nhân viên văn phòng:

Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế vừa qua, các tập đoàn kinh tế đã thể hiện vai trò của mình như thế nào trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế? đã vượt qua những khó khăn của chính mình như thế nào? hiện đã hết khó khăn chưa?

Ông Vũ Đức Giang:

Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Dệt may đã tập trung vào một số các giải pháp để vượt qua khó khăn.

Thứ nhất, Tập đoàn đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tập trung vào phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu mới.

Thứ hai, triển khai phát triển những mặt hàng mới, thị trường mới, ví dụ trong 10 tháng năm 2009, Tập đoàn đã xuất khẩu vào Trung Đông các sản phẩm sợi, vải, khăn bông, các loại phụ liệu…

Thứ ba, như tôi nói ở trên, chúng tôi tập trung đầu tư phát triển công nghệ, đầu tư vào mô hình quản lý Lean nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.

Thứ tư, phát triển thị trường trong nước thông qua các giải pháp phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng và phát triển, quảng bá các chương trình hội chợ trong và ngoài nước.

Với những nỗi lực của toàn tập đoàn, 10 tháng vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ổn định, mang tính bền vững và vượt qua được khó khăn trước suy giảm kinh tế trong nước và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Minh Đức - Nam 30 tuổi:

Tôi đọc báo thấy có rất nhiều tin các ngân hàng tài trợ vốn hàng nghìn tỷ đồng, liên tục và thường xuyên, cho các tập đoàn kinh tế. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi tìm vốn rất khó khăn. Tất nhiên là còn tùy thuộc vào uy tín, hiệu quả dự án..., nhưng có sự ưu ái rất rõ trong việc này. Xin các diễn giả cho biết quan điểm về sự ưu ái đó.

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn, vấn đề bạn nêu trong quá trình giám sát tại các địa phương và doanh nghiệp chúng tôi cũng đã được phản ánh. Trong quá trình điều hành nền kinh tế của năm 2009, tại các quyết định 131,443, 497 của Thủ tướng Chính phủ những vấn đề này cũng đã được đặt ra để xử lý thông qua việc quy định cụ thể các đối tượng, hạn mức, thời gian được vay...

Tất nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng các ngân hàng thương mại cổ phần cũng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt kinh doanh tiền tệ nên cũng có trách nhiệm bảo toàn vốn của người vay, người cho vay. Vì vậy, các ngân hàng đều phải quy định các vấn đề thế chấp bằng dự án, bằng hàng hóa hoặc bằng tài sản của doanh nghiệp đối với các khoản vay.

Các công ty con nằm trong hệ thống tập đoàn, tổng công ty có thể dễ dàng vay tiền ở ngân hàng so với các công ty khác là do có tập đoàn hoặc tổng công ty đứng ra bảo lãnh khoản vay. điều này cũng lý giải tại sao có xu hướng rất nhiều doanh nghiệp của các địa phương làm đơn xin vào làm thành viên của tập đoàn, tổng công ty.

Theo tôi, ngân hàng cũng không có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các tập đoàn, tổng công ty. Bạn hãy yên tâm xây dựng phương án kinh doanh có hiệu quả gửi đến một ngân hàng mà bạn đặt niềm tin để vay vốn phát triển sản xuất. Nếu có khó khăn gì trong việc đòi hỏi tỷ lệ phần trăm mới được vay vốn, xin bạn gửi thông tin về địa chỉ: Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 37 Hùng Vương, Hà Nội.

Tôi hy vọng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có thể giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề này.

Phạm Hưng Hùng - Nam 40 tuổi - Nghiên cứu sinh Đại học Birmingham:

Tôi rất ủng hộ việc duy trì và thành lập các tập đoàn và tổng công ty lớn trong các lĩnh vực kinh tế then chốt. Các nước công nghiệp hóa muộn như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã rất thành công với mô hình này (với các Keiretsu ở Nhật và Chaebol ở Hàn Quốc). Tuy nhiên, trong quá khứ, các nước này có điều kiện thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ rất mạnh, đặc biệt là khi các tập đoàn của họ còn non trẻ, sức cạnh tranh còn yếu. Do các biện pháp này hiện nay không còn được phép áp dụng khi nước ta đã tham gia WTO và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nên tôi rất băn khoăn chúng ta sẽ có giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ các tập đoàn của chúng ta trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các công ty nước ngoài trên thị trường quốc tế cũng như nội địa?

Ông Phạm Khắc Dũng:

Cám ơn bạn đã có một câu hỏi rất có chiều sâu và thể hiện việc bạn rất quan tâm đến các mô hình tập đoàn của các nước trên thế giới.

Quả đúng vậy ở một số nước, khi mới thành lập các tập đoàn, Chính phủ đã có những hỗ trợ và bảo hộ mạnh.

Đối với các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, xuất phát điểm để hình thành các tập đoàn, cũng như môi trường kinh tế, xã hội của Việt Nam khác với các nước. Do đó trong thời gian qua, Chính phủ cũng có rất nhiều những giải pháp mang tính vĩ mô, tuy không trực tiếp, nhưng gián tiếp để các tập đoàn khi mới thành lập dần dần ổn định, tạo một vị thế mới để phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Hiện nay các tập đoàn kinh tế Việt Nam đang có quy mô nhỏ so với các tập đoàn kinh tế nước ngoài, do quy mô về vốn nhỏ, hoạt động phạm vi hẹp và phần lớn mới chuyển từ mô hình tổng công ty Nhà nước sang, phần nào vẫn mang dáng dấp của các tổng công ty hơn là tập đoàn, do đó sức cạnh tranh chưa mạnh.

Để tạo điều kiện cho các tập đoàn này vươn lên thì tôi nghĩ rằng Chính phủ phải có những chính sách rất cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này đẩy nhanh quá trình phát triển cũng như đổi mới cơ chế điều hành của mình theo đúng mô hình tập đoàn.

Những chính sách đó bao gồm các vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý của Nhà nước, tăng quy mô về vốn, xây dựng những chính sách ưu đãi hỗ trợ các tập đoàn non trẻ này làm tốt vai trò của mình.

Bên cạnh đó thì bản thân các tập đoàn cũng phải hết sức cố gắng trong việc đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành và quản lý của mình, tích cực đổi mới công nghệ và đào tạo cán bộ, sử dụng vốn an toàn và hiệu quả và đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm của mình.

Doan Chi Cong - Nam 51 tuổi - Cán bộ nhà nước:

Hiện nay, cơ chế, hành lang pháp lý cho tập đoàn kinh tế vẫn chưa rõ ràng, còn thiếu. vậy có ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị hay không? Bao giờ thì mới hoàn thiện? Mà tôi thấy ở Việt Nam mình, chính sách vẫn cứ mải chạy theo thực tế, quá chậm với thực tế.

Ông Phạm Tuấn Anh:

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm hình thành 7 tập đoàn kinh tế nhà nước trên cơ sở tổ chức lại 7 tổng công ty 91. Để có hành lang pháp lý cho các tập đoàn hoạt động trong khi chưa ban hành quy định pháp luật chung cho mô hình tập đoàn kinh tế, đối với mỗi tập đoàn kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản sau đây:

- Quyết định phê duyệt đề án thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế.

- Quyết định thành lập công ty mẹ của tập đoàn kinh tế.

- Quyết định phê duyệt điều lệ hoạt động của công ty mẹ tập đoàn kinh tế.

- Quyết định bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị công ty mẹ tập đoàn kinh tế.

Bộ Tài chính ban hành quy chế quản lý tài chính hoặc thỏa thuận để hội đồng quản trị công ty mẹ tập đoàn ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ.

Ngày hôm qua (5/11/2009), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định của Chính phủ số 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Cách đây một tuần, khi làm việc với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân.

Hoàng Kim Xuyến - Nữ 41 tuổi - Nhân viên văn phòng:

Tôi là một nhân viên thuộc một tập đoàn kinh tế nhà nước. Sau hai năm lên tập đoàn, cá nhân tôi thấy tự hào như đứng ở một tầm cao mới, nhưng thực tế môi trường làm việc và thu nhập không mấy cải thiện. Xin hỏi các diễn giả, sau hai năm chúng ta thì điểm thì đã đạt được những kết quả gì từ mô hình này, hay vẫn là những bài học kinh nghiệm. Xin cảm ơn.

Ông Phạm Khắc Dũng:

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động với mục đích là nhằm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh, cải thiện mọi mặt của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên quá trình này cần có thời gian, vì sau sự chuyển đổi là quá trình triển khai thực hiện. Sau hai năm thực hiện thí điểm, đa phần các tập đoàn đã hình thành và từng bước cải tiến, nâng cao họat động kinh doanh. Các kết quả đạt được thể hiện trên các mặt về phạm vi hoạt động, khă năng tài chính, môi trường làm việc được chú trọng…

Thực tế có thể nói, đây là những kết quả và thành công trên phương diện tổng thể. Mặc dù vậy, đương nhiên sẽ còn tồn tại một số vấn đề, đòi hỏi các Tập đoàn phải tiếp tục hoàn thiện.

Minh Br - Nam 43 tuổi - Nhà đầu tư:

Nói đến các tập đoàn kinh tế của nhà nước người ta thường nghĩ về những tổ chức sở hữu những nguồn vốn lớn, cồng kềnh, sở hữu nhiều bất động sản trọng yếu và có nhiều đặc quyền trong kinh doanh. Xin hỏi các diễn giả điều đó có đúng không?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn, phát hiện của bạn rất đúng. Như Tập đoàn Đường sắt Pháp cũng là tập đoàn Nhà nước hiện Chính phủ Pháp đang quản lý. Tập đoàn này có khối lượng tài sản rất lớn bao gồm diện tích đất chiếm dụng làm đường, hệ thống các nhà ga và quảng trường rất rộng và lực lượng lao động tới hàng trăm nghìn người.

Ở nước ta cũng có những quy định tương đối rõ ràng về việc các tập đoàn quản lý tài sản Nhà nước. Trong thời gian vừa qua tại Hà Nội có những tổng công ty Nhà nước mạnh dự định phá nhà cũ để xây dựng trung tâm thương mại nhưng không được thành phố chấp nhận do đất vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, doanh nghiệp chỉ thuê lại.

Đưa ví dụ này ra để muốn trao đổi với bạn là nhận định các doanh nghiệp Nhà nước chiếm dụng đất của Nhà nước cũng là chưa chính xác lắm. Tất nhiên cũng có những doanh nghiệp ở giai đoạn đầu của thời kỳ cổ phần hóa (1998 -2003) đã tính giá trị sử dụng đất vào tài sản doanh nghiệp thì họ được quyền sử dụng vốn và tài sản đó phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà không vi phạm pháp luật.

Võ Minh Tâm:

Xin chào ông Sự. Ông có nói Petro Vietnam hiện là tập đoàn kinh tế lớn nhất của VN. Vậy vị thế đó đi cùng với trách nhiệm và áp lực như thế nào? Vì các chỉ số tài chính cơ bản không công bố cụ thể nên rất khó để đánh giá hiệu quả của Petro trên thực tế, cũng như để so sánh với các tập đoàn, tổng công ty khác. Ông có thể cho biết một số thông tin cơ bản về những chỉ số này không? Thứ hai, theo quan điểm của ông, vị thế của Petro Vietnam trong tương lai nên tiếp tục được củng cố thuộc về Nhà nước, hay nên mở rộng để có sự tham gia của các tổ chức khác trong và ngoài nước, thậm chí là các tập đoàn tư nhân? Ông có xem đó là một sự “chia sẻ” không? Trân trọng cảm ơn.

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Petro Vietnam là một trong những doanh nghiệp lớn của nền kinh tế. Chúng tôi luôn hiểu và làm tốt trách nhiệm của mình, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, vai trò trách nhiệm này không chỉ là một áp lực đối với một tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Mà chúng tôi còn hiểu rằng đó là trách nhiệm quyền lợi của Petro Vietnam. Vì vậy Petro Vietnam luôn luôn phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đã được chính phủ thông qua.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2009, Petro Vietnam đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2009, tổng doanh thu 10 tháng đạt 214 ngàn tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch 10 tháng và 101% kế hoạch cả năm 2009, nộp ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 72 ngàn tỷ, bằng 129% kế hoạch 10 tháng và đạt 118% kế hoạch cả năm 2009. Các dự án đầu tư đều đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả…

Với những chỉ tiêu cơ bản như vậy thì có thể đánh giá một cách tổng quát rằng hoạt động kinh doanh và đầu tư của Petro Vietnam là có hiệu quả.

Với vai trò vị thế của Petro Vietnam đối với nền kinh tế như tôi đã trình bày ở trên, thì trong những năm tới đây Chính phủ nên duy trì việc quản lý điều hành Petro Vietnam như hiện tại mà chưa nên thực hiện cổ phần hóa mời đối tác nước ngoài để cổ phần hóa công ty mẹ.

Thúy Liên - Nữ 26 tuổi - Nhân viên văn phòng:

Sự hấp dẫn của lợi nhuận chính là yếu tố hút các tập đoàn. Vây nếu trong một lĩnh vực không còn sức hấp dẫn của lợi nhuận mà lại thuộc ngành nghề chính của mình thì yếu tố gì sẽ ràng buộc các tập đoàn?

Ông Phạm Khắc Dũng:

Sự hấp dẫn của lợi nhuận không chỉ là sự quan tâm riêng của các Tập đoàn, mà là của tất cả các doanh nghiệp khi hình thành và phát triển.

Khi doanh nghiệp hình thành, bản thân doanh nghiệp đó đã tự xác định chiến lược, và hướng đi của mình. Có thể việc kinh doanh sẽ có những năm không thuận lợi, do rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng với một chiến lược có chiều sâu thì các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đi theo định hướng của mình. Không có lẽ chỉ vì một năm khi lợi nhuận chưa đảm bảo, mà doanh nghiệp đã từ bỏ chiến lược của mình đã đặt ra.

Từ đó có thể thấy yếu tố ràng buộc doanh nghiệp chính là định hướng và chiến lược của mình. Các doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng chiến lược kinh doanh, xác định ngành nghề chính, có tính đến những biến động của thị trường.

Nguyễn Hoàng Thu Uyên - Nữ 36 tuổi - Kiểm toán:

Những năm gần đây, một phong trào nở rộ là rất rất nhiều công ty bé tẹo, hoặc có tiếng một chút đều rất tự tin đưa hai chữ "Tập đoàn" vào tên gọi. Theo các diễn giả, như thế có lạm phát không? Nên hiểu thế nào và cần như thế nào để phù hợp với tên gọi đó?

Ông Phạm Tuấn Anh:

Một trong các kỳ vọng khi đặt tên doanh nghiệp của mình là “tập đoàn”, những người chủ doanh nghiệp mong muốn qua đó khuếch trương, nâng cao vị thế, thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm trên thương trường. Tuy nhiên, vị thế, thương hiệu đó có được thị trường và người tiêu dùng công nhận như kỳ vọng đó hay không thì phải phụ thuộc vào năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh thực tế của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không thực sự mạnh như tên “tập đoàn” mà nó mang tên thì việc đặt tên “tập đoàn” sẽ mang lại hiệu quả ngược với kỳ vọng nêu trên.

Dr Minh - Nam 36 tuổi - Viên chức:

Theo tôi thấy các tập đoàn kinh tế hiện nay đang nắm giữ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, và có nhiều lợi thế và ưu đãi, độc quyền (như điện, dầu khí, than...). Trong tương lai, những lợi thế đó có chia sẻ cho các thành phần tư nhân, nước ngoài hay không?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn. Tôi xin trao đổi lại một chút về nhận định của bạn nhé. Về điện thì EVN hiện nay mới chỉ nắm chưa đến 50% nguồn phát, còn lại là do Petro Vietnam, TKV, Nomura, Hiệp Phước và nhiều nhà máy thủy điện thuộc các công ty cổ phần phát lên lưới.

Về dầu khí thì theo tôi biết ngoài Petro Vietnam còn có BP (của Anh), Vietsopetro (liên doanh với Nga) cung cấp dầu và khí. Trong kế hoạch phát triển điện đến 2015 chúng ta còn dự kiến mua khí và dẫn về nước từ Malaysia.

Nếu có thời gian sẽ cung cấp thêm cho bạn một số thông tin nữa mà bạn quan tâm.

Bảo Anh - Nữ 31 tuổi - Kế toán:

Xin hỏi ông Kiên: Là người "ngoài cuộc", nhưng nếu có thể tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế, theo ông nên bắt đầu từ đâu? Đặt vị trí mình là người lãnh đạo cao nhất của một tập đoàn phải hứng chịu nhiều “búa rìu” dư luận nhất ông sẽ làm gì?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn, bạn dùng dấu "..." làm tôi rất khó trả lời. Trong thâm tâm tôi luôn tự nghĩ mình đồng hành cùng doanh nghiệp, trong khi bạn lại coi tôi là người "ngoài cuộc".

Tôi không rõ bạn đề cập đến tập đoàn kinh tế Nhà nước hay của các tập đoàn thuộc các thành phần kinh tế khác. Nếu là của các thành phần kinh tế khác thì tôi sẽ thành lập hợp tác xã vì mô hình hợp tác xã có nhiều lợi thế khi áp dụng ở Việt Nam do phù hợp với trình độ của người nông dân, khả năng huy động vốn và khả năng quản lý.

Tất nhiên, nếu là doanh nghiệp Nhà nước thì lại phải đi từ những vấn đề lớn mà các tập đoàn hiện nay đang làm. Như Tổng công ty Hàng không Việt Nam mở tuyến bay quốc tế, còn tuyến nội địa với các loại máy bay không yêu cầu cao nhường cho các doanh nghiệp mới. Nhưng tiếc rằng nhiều doanh nghiệp mới mở lại hăng hái mở đường bay quốc tế với những yêu cầu rất cao nên tạo thành những mâu thuẫn không cần thiết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.

Còn câu hỏi thứ hai của bạn thì thật là khó. Theo tôi cần phải cung cấp thông tin đa chiều cho báo chí và xã hội để tạo sự đồng thuận. Tất nhiên, trong quá trình điều hành sản xuất và kinh doanh không người quản lý nào lại có thể khẳng định mọi quyết sách của mình đúng 100%. Vấn đề là khi sự việc xảy ra chúng ta ứng xử với nó như thế nào để những người quan tâm có thể hiểu rõ bản chất sự việc, hạn chế "búa rìu" như bạn nói.

Đỗ Mai Tuyết - Nữ 36 tuổi - NVVP:

Tôi để ý thấy có sự khác biệt giữa 3 tập đoàn tham gia giao lưu hôm nay ở một chi tiết nhỏ. Ở Bảo Việt và Dầu khí, hầu hết các công ty trực thuộc đều thống nhất thương hiệu "Bảo Việt" và "Petro", nhưng với Vinatex thì nhiều công ty trực thuộc lại có thương hiệu riêng. Vây xin hỏi các diễn giả, nếu tập đoàn kinh tế là một chỉnh thể thống nhất trong quản lý, trong tập trung sức mạnh... thì việc thống nhất thương hiệu nên xem như thế nào? Xin hỏi riêng lãnh đạo Vinatex, chi tiết trên theo ông cần nhìn nhận như thế nào ở tập đoàn của ông. Trân trọng cảm ơn.

Ông Phạm Khắc Dũng:

Thương hiệu có giá trị cốt lõi và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xây dựng và quản lý thương hiệu tập trung là một vấn đề rất quan trọng, đảm bảo nâng cao hình ảnh của thương hiệu. Do đó cần thiết phải có chiến lược và phát triển thương hiệu thống nhất trong toàn bộ tập đoàn.

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Cảm ơn câu hỏi thú vị của bạn.

Thương hiệu gắn liền với uy tín của một doanh nghiệp, trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn luôn phải tận dụng uy tín thương hiệu của mình, uy tín càng lớn thì giá trị thương hiệu càng cao và càng có lợi thế kiinh doanh.

Vì vậy tôi cho rằng đã là thương hiệu thì phải xuyên suốt từ trên xuống dưới, khi khách hàng mua một sản phẩm của bất cứ một doanh nghiệp nào thuộc một tập đoàn kinh tế thì người ta phải hiểu rằng đó là sản phẩm của tập đoàn ấy.

Có nghĩa rằng các doanh nghiệp phải làm tốt công tác nhận dạng thương hiệu, trong đó hiệu quả nhất là phải có một thương hiệu thống nhất từ trên xuống dưới, nếu trong một tập đoàn mà lại không có một thương hiệu thống nhất thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, quy mô hoạt động của tập đoàn và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người tiêu dùng đến sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Nguyen Quoc Toan:

Xin hỏi ý kiến cá nhân của ông Sự, thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến về hoạt động của các tập đoàn, hoài nghi về tính hợp lý và hiệu quả... Bản thân ông có chịu áp lực không? Xin cảm ơn.

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Cảm ơn bạn đã chia sẻ áp lực với tôi nói riêng và với lãnh đạo của Petro Vietnam nói chung. Theo tôi đã là một tập đoàn kinh tế lớn và với vai trò trách nhiệm nặng nề thì áp lực đặt ra đối với lãnh đạo tập đoàn là tất yếu. Để làm tốt được vai trò trách nhiệm của tập đoàn thì tập thể lãnh đạo của Petro Vietnam luôn luôn phải hết sức cố gắng trong việc hợp tác và làm hết trách nhiệm của mình, tôi nghĩ rằng không chỉ riêng Petro Vietnam mà các tập đoàn kinh tế khác cũng phải chịu trách nhiệm như vậy, chúng tôi đã làm tốt và sẽ cố gắng làm tốt hơn vai trò của mình trong điều kiện áp lực rất lớn.

Le Hoang Giang - Nam 33 tuổi:

Theo các diễn giả, hiện nay khó khăn lớn nhất của các tập đoàn là gì?

Ông Phạm Khắc Dũng:

Theo tôi, vấn đề mà các tập đoàn nên chú trọng là việc xây dựng một mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với từng doanh nghiệp. Bởi vì khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới thì không thể áp dụng cách thức, phương thức quản trị doanh nghiệp trước đây. Điều đó sẽ bó hẹp và sẽ gây cản trở cho sự phát triển doanh nghiệp.

Lê Vân Ly - Nữ 35 tuổi - Giảng viên:

Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, chúng ta đặt nhiều hy vọng vào sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế. Theo đánh giá của ông, bao nhiêu năm nữa các tập đoàn kinh tế sẽ xây dựng được các thương hiệu quốc tế mạnh cho Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Cảm ơn câu hỏi của bạn, thương hiệu quốc tế trước hết là một khái niệm có lúc được xây dựng trên cơ sở vật chất, có lúc lại trên cơ sở niềm tin, nhưng nhìn chung niềm tin và chất lượng luôn phải đi cùng nhau thì mới bền vững được.

Qua theo dõi một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như cá tra hay cá basa chỉ trong vài năm chúng ta đã xây dựng được thương hiệu tại thị trường Mỹ với chất lượng cao và giá cả hợp lý. Sản phẩm cá của chúng ta từng bước chiếm được sự tin cậy của người tiêu dùng Mỹ.

Mặt hàng dệt may của chúng ta có kim ngạch xuất khẩu năm 2009 tới hơn 6 tỷ đô la nhưng những thương hiệu như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Đức Giang...vẫn chưa thể tạo uy tín trên thị trường như một số thương hiệu của Ý, Pháp...

Vì vậy, trả lời chính xác câu hỏi của bạn là bao nhiêu lâu nữa thì rất khó, nhưng tôi tin rằng từ nay đến 2020 chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm được bạn bè quốc tế sử dụng.

Phạm Hưng Hùng - Nam 40 tuổi - Nghiên cứu sinh Đại học Birmingham:

Xin được hỏi ông Phạm Tuấn Anh: Theo Báo cáo số 177/BC-CP của Chính phủ, ngày 13/11/2008 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII thì “hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp, đổi mới, từ trên 12.000 nay còn trên 1.700 doanh nghiệp”. Tức là đã có hơn 10.000 doanh nghiệp được sắp xếp. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 38/BC-BTC, ngày 29/5/2008, Bộ Tài chính báo cáo trả lời chất vấn đại biểu quốc hội thì “tính đến cuối năm 2007, cả nước đã sắp xếp được 5.366 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 3.756 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; số doanh nghiệp nhà nước còn phải cổ phần hoá giai đoạn 2007-2010 theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 950 doanh nghiệp”. Xin ông vui lòng giải thích rõ giúp sự khác biệt trong 2 con số nêu trên.

Ông Phạm Tuấn Anh:

12.000 là số doanh nghiệp nhà nước vào năm 1991, còn 5.366 là số doanh nghiệp đã được sắp xếp từ năm 2001 tới nay. 10.000 doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp là từ năm 1990 đến nay. Do đó, không có sự mâu thuẫn giữa các con số này.

Lê Vân Ly - Nữ 35 tuổi - Giảng viên:

Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, chúng ta đặt nhiều hy vọng vào sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế. Theo đánh giá của ông, bao nhiêu năm nữa các tập đoàn kinh tế sẽ xây dựng được các thương hiệu quốc tế mạnh cho Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Cảm ơn câu hỏi của bạn, thương hiệu quốc tế trước hết là một khái niệm có lúc được xây dựng trên cơ sở vật chất, có lúc lại trên cơ sở niềm tin, nhưng nhìn chung niềm tin và chất lượng luôn phải đi cùng nhau thì mới bền vững được.

Qua theo dõi một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như cá tra hay cá basa chỉ trong vài năm chúng ta đã xây dựng được thương hiệu tại thị trường Mỹ với chất lượng cao và giá cả hợp lý. Sản phẩm cá của chúng ta từng bước chiếm được sự tin cậy của người tiêu dùng Mỹ.

Mặt hàng dệt may của chúng ta có kim ngạch xuất khẩu năm 2009 tới hơn 6 tỷ đô la nhưng những thương hiệu như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Đức Giang... vẫn chưa thể tạo uy tín trên thị trường như một số thương hiệu của Ý, Pháp...

Vì vậy, trả lời chính xác câu hỏi của bạn là bao nhiêu lâu nữa thì rất khó, nhưng tôi tin rằng từ nay đến 2020 chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm được bạn bè quốc tế sử dụng.

Bảo Anh - Nữ 31 tuổi - Kế toán:

Trong thời gian qua, dự luận cũng nhắc nhiều đến tập đoàn kinh tế, đặc biệt là tính kém hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của các tập đoàn so với tiềm năng và ưu đãi vốn có. Vậy, các ông trả lời người dân thế nào về những bình luận đó và có thấy là “bị oan” hay không?

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Đã là tập đoàn kinh tế thì hoạt động của họ phải đa ngành nghề, đa sản phầm, cho nên các tập đoàn phải đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, nhưng đầu tư vào nhiều lĩnh vực và đầu tư dàn trải hoàn toàn khác nhau.

Thời gian qua do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, một số doanh nghiệp đã không có đủ điều kiện để đầu tư các dự án của mình theo đúng tiến độ. Cũng phải thừa nhận một điều rằng cũng có một số doanh nghiệp việc đầu tư quá tràn lan theo phong trào, tuy nhiên, đối với Petro Vietnam thì không có việc ấy.

Chúng tôi đầu tư và phát triển tập đoàn theo đúng định hướng chiến lược đã được Chính phủ thông qua. Để cho các hoạt động này có hiệu quả hơn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát cơ cấu lại các doanh nghiệp Petro Vietnam đã và đang làm rất tốt điều này.

Nguyễn Anh Thiện - Nam 29 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin hỏi các diễn giả. Xu hướng thời gian qua là các tập đoàn cao su, than, điện, dầu khí... đều thành lập hoặc tham gia góp vốn mở công ty chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư. Hoạt động đó tại các tập đoàn hiện nay như thế nào? Hiệu quả đến đâu? Vì sao lại có xu hướng đó?

Ông Nguyễn Đức Kiên:

Chào bạn, xin trả lời bạn như sau, từ 2006 - 2008 có 34 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào chứng khoán trong đó của tập đoàn và tổng công ty đặc biệt là 867 tỷ đồng (chiếm 42,5%); trong lĩnh vực quỹ đầu tư là 852 tỷ đồng (hiếm 48,4%). Hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực tài chính (lợi nhuận trên vốn đầu tư năm 2006 là 7,41%, 2007 là 9,24%, và năm 2008 là 4,78%.

Có xu hướng như bạn nói là thời kỳ đầu khi thành lập thị trường chứng khoán và xây dựng các tổ chức tín dụng mới, các doanh nghiệp Nhà nước phải đi trước mở đường, đồng thời đây cũng là lĩnh vực được dự báo là có tỷ suất lợi nhuận cao nếu so với cơ khí, xây dựng, giao thông...

Đến nay, về cơ bản hơn 90% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán là của các thành phần kinh tế khác, chỉ có 5/97 ngân hàng là ngân hàng cổ phần do Nhà nước chi phối vốn.

Qua các số liệu như vậy, để cung cấp cho bạn một cách nhìn mới về việc đầu tư của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước ra ngoài ngành trong thời gian vừa qua.

Thúy Hà:

Chính phủ lại vừa có kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu về cho các tập đoàn. Tại sao những doanh nghiệp lớn mạnh như Petro Vietnam (như khẳng định của ông Sự) lại không tự tin để gọi vốn về cho các doanh nghiệp của mình, như thế cũng giảm áp lực đối với vốn trong nước?

Ông Nguyễn Ngọc Sự:

Cảm ơn bạn.

Petro Vietnam rất tự tin trong việc gọi vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi đã huy động được khá nhiều nguồn vốn trong quá trình đầu tư, trong kế hoạch huy động vốn của Petro Vietnam, chúng tôi sẽ thực hiện việc phát hành trái phiếu quốc tế của riêng mình vào năm 2010, đồng thời Petro Vietnam cũng đang làm việc với Bộ Tài chính và Chính phủ để xin phép được sử dụng một phần khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ.

Với Petro Vietnam nhu cầu vốn rất lớn nên chúng tôi phải chủ động huy động các nguồn vốn cho mình, và chúng tôi tin rằng, với uy tín của Petro Vietnam và bằng nhiều hình thức huy động khác nhau chúng tôi sẽ thành công trong việc huy động vốn. Như vậy không thể nói rằng không tự tin vào việc huy động vốn.

(Theo Vneconomy)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Tập đoàn và con đường phía trước ( 2)
  • Tập đoàn và con đường phía trước (1)
  • TS.Phan Minh Ngọc: Bàn về khủng hoảng và thất nghiệp
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Phân định kẻ thắng người thua
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa(2): Thiệt vì những kẽ hở
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa (1)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com