Tăng trưởng kinh tế cao không nhất thiết sẽ đi đôi với việc con người có được những điều kiện sống, như giáo dục và y tế, tốt hơn. Ở nhiều nơi, tăng trưởng kinh tế nhanh không mang lại sự thay đổi cho đa số người dân.
LTS: Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong bàn tròn trực tuyến mới đây trên VEF đều kêu gọi Việt Nam không nên vì mục tiêu tăng trưởng cao mà lơ là ổn định vĩ mô và phát triển bền vững.
Những khuyến nghị ấy phù hợp với Báo cáo mới nhất vừa được công bố của Dự án phát triển Liên Hợp Quốc, trong đó đưa ra một phát hiện khá bất ngờ: tăng trưởng kinh tế cao không nhất thiết sẽ đi đôi với việc con người có được những điều kiện sống tốt hơn.
Tăng trưởng kinh tế là phương tiện hay mục đích?
Câu hỏi này xuất hiện liên tục trong Báo cáo phát triển con người mới nhất của Dự án phát triển Liên Hợp quốc. Bản báo cáo cố gắng đánh giá sự phát triển của các quốc gia không chỉ bởi sự giàu có mà còn bởi sự đầu tư vào nguồn tài nguyên lớn nhất của mình: người dân.
Như đã thảo luận trước đó, ba nhân tố cấu thành "chỉ số phát triển con người" này gồm thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ và tỷ lệ biết chữ.
Chỉ số này sau đó được sử dụng để xếp hạng các quốc gia, trong số 169 quốc gia được xếp hạng năm 2010, Na Uy được xếp hạng là quốc gia phát triển cao nhất và Zimbabwe thấp nhất.
Báo cáo năm nay cũng xem xét quốc gia nào phát triển mạnh nhất về mặt chỉ số phát triển con người. Báo cáo chỉ ra mối liên hệ rất yếu giữa tăng trưởng kinh tế và sự cải thiện y tế, giáo dục trong những năm qua, đặc biệt là ở các nước kém phát triển.
Nói cách khác, ở nhiều nơi, tăng trưởng kinh tế nhanh không mang lại sự thay đổi cho đa số người dân của quốc gia đó.
Dưới đây là một biểu đồ, trích từ bản báo cáo, trong đó mỗi dấu chấm đại diện cho một nước. Tăng trưởng thu nhập bình quân theo đầu người được là trục ngang và trục dọc là các nhân tố phát triển con người không liên quan tới thu nhập (nghĩa là, tỉ lệ biết chữ và tuổi thọ).
Như bạn có thể thấy, tương quan giữa thu nhập bình quân theo đầu người và các chỉ số đánh giá sự phát triển con người khác, theo bản báo cáo, "quá yếu và không quan trọng về mặt thống kê"
Dưới đây là một ví dụ về tăng trưởng kinh tế không chuyển thành phát triển như kỳ vọng, trích từ báo cáo:
Lấy ví dụ một so sánh được công bố giữa Trung Quốc - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua và Tunisia. Trong năm 1970 một bé gái sinh ra tại Tunisia có thể sống 55 năm; trong khi ở Trung Quốc là 63 năm.
Kể từ đó, GDP theo đầu người của Trung Quốc đã tăng ở mức chóng mặt là 8% mỗi năm trong khi của Tunisia là 3%. Nhưng ngày nay, một bé gái được sinh ra ở Tunisia có thể sống tới 76 năm, lâu hơn 1 năm so với một bé gái sinh tại Trung Quốc.
Và trong khi 52% trẻ em Tunisia được đến trường năm 1970 thì tổng tỉ lệ đi học của nước này hiện nay là 78%, cao hơn rất nhiều so với 68% của Trung Quốc.
Điều này không có nghĩa rằng các quốc gia giàu hơn không có nguồn vốn nhân lực phát triển hơn;mức thu nhập tuyệt đối thực sự có liên quan với mức phát triển con người. Chỉ là, vì bất cứ lý do gì, có rất ít mối liên hệ giữa cải thiện trong sự giàu có quốc gia và cải thiện trong giáo dục và y tế.
Bản báo cáo đưa ra một vài giải thích có thể cho sự khó hiểu này.
Thứ nhất, có thể có khoảng cách dài giữa tăng trưởng kinh tế và các loại hình dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng giúp mang lại một hệ thống giáo dục và y tế tốt hơn.
Thứ hai, cũng có thể có những nhân tố quốc gia cụ thể khác - ví dụ sự khác biệt văn hóa - che giấu mối quan hệ giữa giàu có và phát triển con người.
Tác giả: TUYẾN NGUYỄN DỊCH (THEO NEW YORK TIMES) // VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com