Năm 1996, chỉ một sự cố trên đường dây tải điện tại Oregon, Mỹ đã khiến toàn bộ các bang phía tây dãy Rocky với hàng chục triệu dân mất điện hàng giờ. Mới năm ngoái thôi, chúng ta cũng chứng kiến tình cảnh tương tự xảy đến với hệ thống tài chính: cú sảy chân của các đại gia tài chính Mỹ đã nhanh chóng lan ra thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không biết đến khi nào mới được đẩy lùi.
Khi nghiên cứu diễn biến của các cuộc khủng hoảng, tôi e rằng chúng ta khó lòng dự đoán được tác động của chúng trong những hệ thống phức tạp như vậy. Vậy tại sao chúng ta không để sự kiểm soát đó nằm trong tầm tay bằng cách đơn giản hoá hệ thống tài chính thông qua việc đặt ngưỡng quy mô phát triển của các tập đoàn lớn?
Trong khi các chính phủ đang gồng mình chống đỡ tác động xấu đến từ cuộc khủng hoảng hiện giờ thì rất nhiều chuyên gia đang rà soát lại tác động của từng yếu tố chính dẫn đến cuộc khủng hoảng: từ sự sử dụng thái quá các công cụ đòn bẩy đến các biện pháp kiểm soát lỏng lẻo hay cơ cấu lương bổng vô tội vạ cho CEO.
Rõ ràng, các ngân hàng và các quỹ tương hỗ không thể chối cãi phần lỗi của mình trong chính tai hoạ đang giáng lên đầu họ. Thế nhưng, dường như, người ta vẫn cố tình che đậy một sự thật là: trong nhiều năm qua, các định chế tài chính này đã mặc sức đặt cược hàng nghìn tỷ đôla trong những canh bạc lớn mà không bị bất kỳ cơ quan giám sát nào sờ gáy.
Nguy cơ này là vô hình bởi nó mang tính hệ thống – nó bắt nguồn từ những tương tác khó lòng đoán biết giữa vô vàn nhân tố trong hệ thống. Để minh hoạ cho sự vận động đó, chúng ta quay lại trường hợp với hệ thống điện.
Ai cũng biết, việc lường trước tất cả các rủi ro có thể xảy đến với một máy phát điện đơn lẻ hoàn toàn nằm trong tầm tay của các kỹ sư điện. Tuy nhiên, một khi sự cố xảy đến, nhận định được tình hình cụ thể đối với từng máy phát điện là một việc quá khó bởi nó còn phụ thuộc vào tình trạng của những máy khác trên hệ thống tại thời điểm đó.
Đó chính là cái mà người ta vẫn gọi là rủi ro mang tính hệ thống: toàn bộ hệ thống bị tê liệt bởi một rủi ro mà không ai có thể lường trước dù đã tính đển tất cả các sự cố có thể xảy đến với từng bộ phận cấu thành.
Có lẽ, phải tận mắt chứng kiến chúng ta mới tin được một tập đoàn đầu tư tầm cỡ như Lehman Brothers lại sụp đổ chỉ trong nháy mắt. Ảnh: Guardian |
Câu chuyện xảy đến với hệ thống tài chính rõ ràng rắc rối hơn hệ thống điện rất nhiều nhưng vấn đề cốt lõi về rủi ro mang tính hệ thống vẫn không đổi: các nhà quản lý rủi ro chỉ có thể tiên liệu và phòng ngừa được tình huống xấu nhất xảy đến với tổ chức của chính mình với điều kiện: phần còn lại của hệ thống vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Khi khủng hoảng xảy đến, các điều kiện này đều biến đổi khôn lường. Có lẽ, phải tận mắt chứng kiến chúng ta mới tin được một tập đoàn đầu tư tầm cỡ như Lehman Brothers lại sụp đổ chỉ trong nháy mắt. Bởi thế, chẳng ai trong số chúng ta có thể tiên đoán và đưa tình huống này vào trong mô hình đánh giá rủi ro của mình.
Vậy đâu là giải pháp để giảm trừ rủi ro này trong hệ thống tài chính? Giải pháp trước hết phụ thuộc vào cách các nhà cầm quyền đánh giá về rủi ro mang tính hệ thống, đặc biệt là khi họ quyết định quy mô phát triển an toàn của một số định chế (hay nói đúng hơn, các định chế chỉ được phép mở rộng quy mô đến mức nào thì phải dừng lại).
Chưa nói đến những điều bất ổn trong việc xác định quy mô bấy lâu từ phía nhà cầm quyền (Lehman Brothers đã cho chúng ta một bài học xương máu), vấn đề nghiêm trọng ở chỗ, chính quyền chưa bao giờ coi việc đặt ngưỡng phát triển này là nhiệm vụ ngăn ngừa rủi ro từ xa mà chỉ đến khi rủi ro ập đến, người ta mới hốt hoảng, giục giã nhau tìm giải pháp cứu chữa.
Đã bao giờ các nhà cầm quyền tự tạo thành thói quen định kỳ rà soát hoạt động của các tập đoàn lớn, từ đó tự hỏi “đã đến lúc hãm đà phát triển của định chế cụ thế nào đó hay chưa?” Nếu câu trả lời là có thì họ cần ngay lập tức đưa các đối tượng này vào diện buộc phải thu hẹp quy mô hoặc lĩnh vực kinh doanh để đảm bảo rằng, dù một cá thể đơn lẻ này gặp sự cố cũng không gây ra bất kỳ trục trặc đáng kể nào trên toàn hệ thống.
Tương ứng, kể từ đây, các cuộc mua lại và sáp nhập cũng nên được rà soát kỹ càng hơn nhằm tránh tạo ra bất kỳ đế chế nào có thể bành trướng đến độ tiềm ẩn nguy cơ đe doạ sự an toàn chung.
Nếu bạn e ngại: làm vậy, các chính phủ sẽ bị quy kết là đã can thiệp quá sâu vào thị trường tự do thì hãy yên tâm rằng, bạn vẫn có trong tay Luật chống độc quyền. Theo đó, chính phủ được phép ngăn chặn các công ty bành trướng quá mức và gây ra cạnh tranh không công bằng.
Cuộc khủng hoảng hiện giờ cho thấy các thị trường đang khuyến khích cạnh tranh thay vì tự động kiểm soát rủi ro hệ thống. Theo quan điểm thực dụng, đây chính là thời điểm, các chính phủ cần can thiệp, ngăn không cho các thị trường tự huỷ hoại lẫn nhau.
Đến đây, chúng ta gặp phải bài toán mới: chính phủ nên can thiệp đến đâu là hợp lý và hiệu quả? Câu trả lời có lẽ rất phức tạp nhưng dù có thế nào, nó cũng phải dựa trên nguyên tắc: nếu một công ty đã phát triển đến ngưỡng nguy hiểm thì nó không được phép bành trướng thêm nữa.
(Theo Như Nguyệt //Duncan Watts//TuanVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com