(minh họa: Khều) |
Tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐKTTN) là một mô hình mới của nền kinh tế. Vậy liệu hành lang pháp lý hiện nay có phù hợp và tạo điều kiện cho mô hình này phát triển chưa – hay lại cần một văn bản pháp luật riêng? Đây đang là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất mô hình TĐKTTN trình Chính phủ xem xét. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, hiện hội đang gấp rút xây dựng dự thảo mô hình này. Trong quá trình làm, hội sẽ tập trung vào ba vấn đề chính là kinh nghiệm quốc tế, những đặc trưng của kinh tế Việt Nam và vai trò các tác nhân có liên quan (của Nhà nước, doanh nghiệp và của hội). Chủ trương là vậy, còn thực trạng đang như thế nào? Tập đoàn là sự phát triển tất yếu Năm năm trở lại đây, người dân đã quá quen thuộc với hai từ tập đoàn, cả của Nhà nước lẫn tư nhân. Điều 149 Luật Doanh nghiệp có quy định “tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Thế nhưng đến nay mới chỉ có Nghị định 101/2009 của Chính phủ ban hành ngày 5-11-2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, còn các tập đoàn kinh tế tư nhân thì chưa được bàn đến. Cùng với diễn tiến thời gian, sự ra đời các hình thái kinh tế cũng như mô hình doanh nghiệp nhằm thích nghi với điều kiện kinh tế - xã hội là một quy luật tất yếu. Thế nên, trên thực tế dù chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quản lý hay hướng dẫn mô hình TĐKTTN, song trong vòng hơn năm năm qua, trên cả nước đã có hàng trăm TĐKTTN ra đời. Ngoài các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai; Đồng Tâm; Saigon Invest Group; Hòa Phát… (có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng), còn rất nhiều doanh nghiệp có vốn cỡ 100-200 tỉ đồng cũng hoạt động theo mô hình tập đoàn. Phải có sự quản lý? Hầu hết các TĐKTTN đang hoạt động tại nước ta là từ mô hình công ty phát triển lên nên một số ý kiến cho rằng cần đưa các tập đoàn này vào khuôn khổ quản lý bằng cách ban hành một đạo luật riêng. Họ lập luận rằng về bản chất kinh doanh, tập đoàn nhà nước và tư nhân là như nhau. Trong khi các tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động theo các quy định của Nghị định 101/2009 thì hoạt động của TĐKTTN lại nằm ngoài quy định của luật. Trao đổi với TBKTSG về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung, Phó ban Nghiên cứu quản lý doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng không nhất thiết phải có một quy định riêng về quản lý các tập đoàn kinh tế mà có thể quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau như Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế... “Việc phát triển các tập đoàn kinh tế là tự nhiên và có trước. Pháp luật chỉ có tác dụng điều chỉnh quá trình phát triển nên cần được nghiên cứu thấu đáo”, ông Trung nói. Đồng tình với quan điểm này, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng quyết định hành chính có thể thành lập nên một TĐKTTN, nhưng không làm nên sức mạnh, năng lực cạnh tranh nội tại và bền vững cho chính bản thân tập đoàn đó. Vì vậy, TĐKTTN nên đi đúng theo quy luật phát triển. Tại cuộc hội thảo về chủ đề này diễn ra vào trung tuần tháng 3 tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT - bày tỏ quan điểm: bản thân các TĐKTTN không trông đợi một văn bản pháp lý có thể tạo ra các tập đoàn lớn. Và như vậy, ở thời điểm hiện tại quy định của Luật Doanh nghiệp đã đủ để các doanh nghiệp lớn lên, tích tụ, liên kết thành tập đoàn. “Sự phát triển của TĐKTTN không phải nhờ vào một văn bản, một nghị định mà là sự đồng thuận trong môi trường kinh doanh, môi trường chính sách đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh thông thoáng”, ông Bình nhấn mạnh. Tiêu chí nào để xưng danh tập đoàn? Về cơ bản, đa số ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý tập đoàn đều không đồng tình với việc cần phải luật hóa công tác quản lý nhà nước đối với TĐKTTN. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực trạng là chỉ trong một thời gian ngắn có rất nhiều doanh nghiệp mang “mác” tập đoàn ra đời. Trong số đó, không ít doanh nghiệp có nguồn vốn khá khiêm tốn, quy mô nhỏ cũng xưng danh tập đoàn để đánh bóng hình ảnh, tạo thanh thế để dễ tiếp cận với ngân hàng trong việc vay vốn cũng như trong làm ăn với các đối tác. Liệu có thể dùng tiêu chí vốn để đưa vào luật nhằm hạn chế tình trạng trên? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Đức Trung nói: “Không riêng gì ở Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều không lấy tiêu chí vốn để xác định tập đoàn”. Xung quanh sự ra đời của nhiều TĐKTTN, cũng có người đặt câu hỏi liệu các tập đoàn này có phải là đối trọng của các tập đoàn kinh tế nhà nước không. Ông Phạm Đức Trung cũng như Ban soạn thảo đề án ở Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khi trao đổi với TBKTSG đều cho rằng không nên đặt vấn đề “đối trọng”, hay “đối thủ”, mà đó là sự phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh. Sự ra đời và lớn mạnh của các TĐKTTN sẽ là chất xúc tác để các tập đoàn kinh tế nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời cùng với các thành phần kinh tế khác tạo ra một sức mạnh tổng hợp, thế mạnh chân kiềng đưa đất nước phát triển.
(Theo Lê Hà // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com