Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thời kỳ thịnh vượng mới

Khủng hoảng kinh tế. Tình trạng trì trệ. Chiến tranh. Khủng bố. Thất nghiệp. Kẻ thù luôn rình rập. Hàng ngày những tít lớn trên các mặt báo luôn nhắc nhở rằng có quá nhiều thứ cần phải lo lắng và  quá nhiều đau thương ập tới thử thách cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu lùi lại và nhìn nhận vấn đề kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy xã hội công nghiệp trước đây cũng từng phải trải qua những điều như vậy. Nền kinh tế toàn cầu được đặt vào một giai đoạn tăng trưởng mới tràn đầy sinh lực và niềm tin. Sử gia kinh tế và công nghệ Carlota Perez gọi đó là “thời kỳ thịnh vượng”. Những thời kỳ như vậy thường xuất hiện khoảng 60 năm một lần và tồn tại chừng hơn một thập kỷ – điều này tùy thuộc chủ yếu vào tuổi thọ vòng đời của sự thay đổi công nghệ và hoạt động tài chính. (Xem hình minh họa.)

tinkinhte.com

Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng những vấn đề về kinh tế và chính trị của thế  giới sẽ biến mất. Nhưng xét cụ thể theo các tuổi thọ vòng đời khác nhau mà khuôn mẫu chung của những lĩnh vực cần phát triển đều giống nhau: Một nền kinh tế cần tới 30 năm để tiến hành giai đoạn mà Perez gọi là “cài đặt” bằng cách sử dụng vốn tài chính (chủ yếu từ các nhà đầu tư) để lắp đặt các công nghệ mới. Để cuối cùng, chính việc đầu tư và đầu cơ quá mức đã dẫn tới sự khủng hoảng tài chính, và khi việc cài đặt hoàn tất theo cách như vậy, giai đoạn “triển khai” được bắt đầu: thời điểm dần xuất hiện sự gia tăng trong phát triển kinh tế thịnh vượng và doanh thu từ dịch vụ cùng hàng hóa đã cải tiến.

Lúc này, các đỉnh chốt của thời kỳ thịnh vượng sẽ bao gồm quy mô toàn cầu từ cơ sở hạ tầng định hướng các dịch vụ mới dựa trên công nghệ kỹ thuật số cùng sự thay đổi tổng thể về các công nghệ an toàn môi trường và năng lượng làm sạch. Ở những thị trường mới nổi thuộc Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và nhiều nước đang phát triển nhỏ hơn, một tỉ người sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu ngày càng mở rộng này.

Bất ngờ  hơn là ý niệm về sự thịnh vượng ổn  định có vẻ như xuất hiện vào đầu năm 2010. Nhưng không ai tin điều đó, cũng giống như trong suốt những ngày tháng đen tối vào cuối Cuộc Đại Thế Chiến Thứ Hai, rằng nền kinh tế toàn cầu đang được hướng tới hai thập kỷ về phát triển kinh tế và quan hệ hòa bình trên toàn thế giới nhờ sự thiết lập mới của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh.

Theo dõi vòng đời

Tuổi thọ  vòng đời của công nghệ và đầu tư đã  được một loạt học giả có tiếng như Perez, Joseph Schumpeter cùng những người khác theo dõi và phân tích. Từ đó các học giả đã đưa ra năm vòng đời từng xuất hiện vào cuối những năm 1700. Vòng đời thứ nhất dựa vào sức nước và những nhà máy cùng các kênh đào được mở ra chủ yếu tại Anh trong thời gian từ những năm 1770 tới 1820. Vòng đời thứ hai kéo dài từ những năm 1820 tới 1870 – thời kỳ của năng lượng hơi nước, than đá, sắt và đường xe lửa. Vòng đời thứ ba, liên quan tới thép và kỹ thuật công nghiệp nặng (những công nghệ về vận tải và điện lực phi thường của Thời Kỳ Giàu Có), được mở rộng ở cả Đức và Mỹ. Vòng đời này khép lại vào khoảng năm 1910 và mở đường cho kỷ nguyên sản xuất đại trà của thế kỷ 20 – vòng đời thứ tư với tuổi thọ có được nhờ sự phát triển của ngành sản xuất xe ôtô, nguyên liệu khai thác từ dầu thô, sản xuất dây chuyền, cùng với điện ảnh và truyền hình.

Còn tuổi thọ vòng đời hiện nay của chúng ta, bắt đầu khoảng năm 1970, dựa trên si-líc: bảng mạch tích hợp, máy vi tính kỹ thuật số, viễn thông toàn cầu và Internet. Mọi người có thể thấy thích công nghệ này khi chứng kiến quá trình phát triển mạnh mẽ của nó, nhưng thực tế vòng đời này mới đi được nửa chặng đường. Trong “mô hình công nghệ – kinh tế” điển hình theo cách gọi của Perez, chúng ta thấy những công nghệ mới đã được phát triển trong suốt 30 năm đầu tiên chủ yếu là cài đặt với nguồn tiền từ vốn tài chính. Các nhà đầu tư tham gia bởi những khoản lợi đầu cơ thu được thực tế từ chính những người đang đầu tư khác. Dần dần, tình trạng này dẫn tới “sự điên loạn”: Các nhà đầu tư không thể chắc chắn những sáng kiến nào sẽ thành công hay những doanh nghiệp mới nào sẽ tồn tại, vì vậy họ liều lĩnh đánh cược. Một số vụ cá cược đem lại những khoản lợi nhuận nhanh chóng, khiến họ thêm nôn nóng và hăng hái dẫn tới tình trạng đầu cơ ngày càng lan nhanh hơn trên phạm vi lớn, làm rủi ro trở nên không kiểm soát nổi. Điều tất yếu chính là khoản siêu lợi nhuận phi lý đưa tới sự phá sản và sau đó là thời kỳ khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng hiện nay được bắt đầu vào năm 2000 bằng sự sụp đổ nền kinh tế bong bóng dựa trên Internet và được kéo dài thêm bằng ngành tài chính – dịch vụ. Không chỉ muốn những khoản lợi nhuận dễ dàng và ứng dụng những đổi mới công nghệ do các chuyên viên lập trình tin học cung cấp, các thương nhân còn muốn liên tục đẩy nhanh quá trình thu lợi nhuận. Bao giờ cũng vậy, càng nhiều công cụ dẫn xuất phức tạp được chế tạo ra, các mẫu máy vi tính phức tạp càng được gia tăng thay thế cho óc phán đoán đầy kinh nghiệm và kéo theo những vụ cá cược được thổi phồng lên vào các đấu trường của “thứ chắc chắn” như bất động sản. Điều này lên đến cực điểm khi xảy ra “hiện tượng phóng xạ nhà đất” thảm hại năm 2008 và đó chính là khoảnh khắc lịch sử của việc xoay chuyển thiết lập các vấn đề ưu tiên.

Không nằm ngoài quy luật tự nhiên, mọi cuộc khủng hoảng nào rồi cũng có điểm kết của mình. Như cuộc khủng hoảng gần đây nhất, được bắt đầu bằng sự  phá sản thị trường chứng khoán năm 1929, đã kết thúc bằng thỏa ước Bretton Woods năm 1944. Trong mọi trường hợp, khi sự sụp đổ diễn ra trong tình trạng lan rộng, những kẻ đầu cơ của kỷ nguyên cũ thường bị kiểm soát, những mong đợi được tái thiết, còn các anh tài của chính quyền và kinh doanh mới bắt đầu xây dựng lại những tổ chức cai trị thế giới. Sau Cuộc Đại Thế Chiến Thứ Hai, điểm mạnh về quyền hạn và uy lực chính là nền kinh tế dầu lửa. Vậy nên những khoản đầu tư của gia tộc Rockefeller đã chi phối được sự cai trị của các công ty, các chính quyền và cả những tổ chức siêu quốc gia, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF), Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations) hay Ủy ban Ba bên (Trilateral Commission), trong nhiều năm. Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York được xây dựng trên đất đai thuộc gia tộc Rockefeller trước kia; chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) – John J. McCloy – là người có quan hệ bạn bè và là luật sự của gia tộc Rockefeller. Những biểu tượng của sức mạnh anh tài, bao gồm cả khu Trung tâm Thương Mại Thế giới (World Trade Center) do gia tộc Rockefeller xây nên, đều liên quan tới dầu lửa.   

Tuy nhiên, chỉ với việc tái cấu trúc tương tự là  có thể giúp cho một thời kỳ tăng trưởng mở rộng mới, một thời kỳ thịnh vượng được mở ra. Giờ đây, các nhà lãng đạo sẽ tập trung vào si-líc. Trong hai thập kỷ tới, IBM, Intel hay Microsoft sẽ trở nên quan trọng hơn Exxon hoặc Ngân hàng Thế giới. Mối quan hệ sâu sắc của IBM với các nhà hoạch định kinh tế vùng và quốc gia, đặc biệt ở những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, chắc chắn sẽ trở thành mô hình phổ biến về sự tăng trưởng hợp tác.

Và khi giai đoạn triển khai bắt đầu, những giả định chung về kinh doanh cũng thay đổi theo. Vốn tài chính – khá thờ ơ với các công nghệ cụ thể – sẽ không còn trở thành một chủ lực kinh tế đầy tham vọng như trước. Các doanh nghiệp lúc này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào vốn công nghệ – bắt nguồn từ lợi nhuận thu được qua việc bán hàng hóa và dịch vụ. Các nhà lãnh đạo cấp cao với sự quan tâm lớn hơn đến sự ổn định lâu dài hơn là thu lời nhanh chóng dần được thay thế trong vai trò chịu trách nhiệm về các công việc toàn cầu.

Hiện nay có những tín hiệu rõ ràng cho thấy điều này đang diễn ra. Các điều luật tài chính đang được đặt ra ở khắp nơi trên thế giới nhằm cải thiện việc phân định thị trường, dỡ bỏ hạn chế và ủy thác những khoản dự trữ lớn. Những người đứng đầu Phố Wall (cùng các đồng sự của họ ở City of London và những thị trường chứng khoán nơi khác) đều đang trải qua việc tái định giá cơ bản. Đến nay có quá nhiều cá nhân bị thất thu cả về tiền bạc và danh tiếng vẫn chấp nhận việc trở lại nhanh chóng với canh bạc đầu tư nhanh-và-thua lỗ trước đây. Song đó không còn là thực tế điều hành trong một thị trường mờ đục thiếu các điều luật được thiết lập đối với các tổ chức tài chính chỉ biết chép đi chép lại rủi ro “bảo hiểm”. Để chắc chắn, những âm mưu mới luôn được vạch ra, nhưng những người thường chạy theo Phố Wall (vốn là các vị con ông cháu cha về tiền bạc) cũng đang mất dần sự tin tưởng vào những “gã láu cá” luôn dính mũi vào chuyện của người khác này.

Một trong những chỉ số cho biết sự thay đổi từ  hoạt động đầu cơ tích trữ sang tăng trưởng thực tế này chính là quan điểm chính thức về  các hiện tượng bong bóng. Trong những năm 1990, Cục Dự  trữ Liên bang Mỹ (U.S. Federal Reserve – Fed) dưới quyền của Alan Greenspan đã thực hiện chính sách không can thiệp vào hoạt động đầu cơ tích trữ. Giờ đây chính Fed lại đang bàn cãi xem những hoạt động nào có thể thực hiện trước để giảm nhiệt các thị trường đã bị hâm quá nóng và thừa nhận rằng cách tiếp cận sớm hơn các hiện tượng bóng bóng cùng quản lý rủi ro của tổ chức này là một sai lầm. Bộ máy quyền lực mới của tổ chức này đang được các nhà sửa đổi như Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn của Mỹ (U.S. Commodity Futures Trading Commission – CFTC) và các cơ quan cùng chức năng châu Âu thăm hỏi thường xuyên hơn. Và cho dù một số người ở Phố Wall chắc chắn sẽ thấy khó chịu thì sức mạnh lớn nhất của các sàn chứng khoán – Goldman Sachs – vẫn ung dung với những điều luật mới đang được các vị trí chủ chốt của Washington – những nhân viên cũ của ngân hàng này – đưa ra. Nhiều người tin rằng đây chính là lợi ích của Goldman và những tổ chức tài chính khác nhằm kiểm soát các hoạt động thương mại “lừa đảo” khi điều này sẽ không chỉ tạo được lợi nhuận thực tế hơn mà còn kéo được các rào cản cùng tham gia vào ngành này.

Nền kinh tế si-líc mới nổi

Goldman Sachs chắc chắn sẽ trở thành một phần không thể  thiếu của Sự thiết lập Si-líc mới này, cùng với các hãng vượt trội về công nghệ truyền thông và thông tin, cũng như những hãng khác có liên quan tới việc triển khai các công nghệ này. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, sự tương đồng về mục đích và kho đại tri thức được chia sẻ sẽ trở thành cầu nối cho nhiều tổ chức khác nhau giữa các thể chế thống trị khác nhau. Nhiều người đã trải nghiệm cuộc sống trưởng thành của mình mà không hề có sự lãnh đạo về trách nhiệm và khả năng làm việc; nhưng 30 năm tới sẽ khiến họ phải ngạc nhiên khi đó là quãng thời gian mà quyền lực – cả trong chính trị và trong kinh doanh – đều có thể tin tưởng được. Các công ty như Microsoft, IBM hay Intel đã trưởng thành trong suốt 20 năm qua, vượt qua mọi xung đột đe dọa sự tồn tại hợp tác – việc gần như tan rã của IBM, những cuộc chiến chống độc quyền của Microsoft, những cuộc đương đầu của Intel với các nhà sản xuất chip khác – đã buộc những công ty này cân nhắc lại các chiến lược then chốt và xác định lại các mục tiêu lâu dài của mình. Trong khi đó, các cơ quan chính phủ quan trọng chẳng hạn như Quân đội Mỹ, hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Anh (U.K. National Health Service – NHS) cùng nhiều bộ ngành khác ở các nước có nền kinh tế mới nổi đều trở thành những người mua công nghệ thông tin trên quy mô lớn hết sức sành sỏi và quan trọng nhất thế giới ngày nay. Cả khách hàng và nhà sản xuất đều đã học được cách quan tâm tới chi phí vòng đời nhân tố và các kế hoạch dài hạn trong quyết định của mình.

tinkinhte.com

Các ưu tiên của vì tinh tú dựa trên công nghệ mới bao gồm cả việc truy cập tới những nhóm khách hàng lớn hơn ở những quốc gia có nền kinh tế mới nổi. Vì vậy, một trong những dấu hiệu tiêu chuẩn nhận biết thời kỳ thịnh vượng đang đến sẽ chính là tính bao gồm toàn cầu của nó. Cho dù sự đàn áp và lao động cực nhọc với công sá rẻ mạt có thể vẫn còn nhiều song các hệ thống xã hội được củng cố bằng hiện trạng “có” và “không có” sẽ mang lại những cơ hội hồi phục kinh tế cho đại đa số bộ phận dân chúng. Một tỉ người mới sẽ có địa vị vững chắc thực sự – điều thật khó hình dung chỉ trong vài năm trước.

Một cơ  sở hạ tầng kinh tế toàn cầu mới đang trỗi dậy, được xây dựng dựa trên những nguồn tài nguyên máy tính chia sẻ và thường được gọi là đám mây điện toán. Chỉ riêng Google thôi cũng đã có hơn 10 triệu máy chủ, còn các công ty khác cũng đang xây dựng những hạ tầng cơ sở dành cho đám mây không thua kém gì. Ngay cả những hãng vẫn hoạt động trong thời kỳ khủng hoảng gần đây với những khoản đầu tư mở rộng cũng sẽ được tạo thành những đám mây riêng, chuyển hoạt động kinh doanh khỏi các trung tâm dữ liệu chi phí cố định cao, định hình lại nhiều dịch vụ tiêu dùng và công cộng. Cách tiếp cận trách nhiệm hơn với môi trường tự nhiên cũng giành được sự quan tâm nhiều hơn qua các cuộc tranh cãi về việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm bớt ô nhiễm, các khí gây hiệu ứng nhà kính và chất thải nguy hại. Trong khi đó, những sản phẩm dịch vụ mới đã được đổi mới sẽ thay thế các thực tiễn tài chính và y tế vốn được bảo vệ nhưng kém hiệu quả.

Tuy những lợi ích sẽ được phân bố một cách rộng rãi song không phải tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc. Vẫn có những người ham hố tiếp tục theo đuổi canh bạc may rủi về tài chính toàn cầu, một tương lai được điều chỉnh lại và được hoạch định kỹ hơn sẽ trở thành một đòn tấn công vào sự tự do. Việc có thêm một tỉ người mới gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ bổ sung lực lượng tham gia sàn chứng khoán – nơi thực sự bắt đầu tác động tới nhiều người thuộc những ngành nghề khác nhau như luật sư, nhà báo, kỹ sư phần mềm hay kế toán viên. Và như vậy, điều này sẽ còn tác động tới cả các chuyên gia trong những lĩnh vực như y tế, tài chính và giáo dục. Liệu có phải chúng ta thực sự sẽ cần nhiều nhà môi giới chứng khoán không khi đám mây dịch vụ tài chính bay qua? Và chúng ta sẽ vẫn cần tới quá nhiều người trung gian hay sao khi mà sự tinh thông đáng tin trở nên sẵn có một cách dễ dàng?

Chỉ  sau hai thập kỷ nữa, kỷ nguyên si-líc sẽ  dần bước đến giây phút suy tàn, giống như hoạt động của kỷ nguyên dầu mỏ trước đây. Tới khoảng năm 2030, sẽ có một cuộc khủng hoảng si-líc tương tự như cuộc khủng hoảng dầu mỏ của đầu những năm 1970. Sau đó một tuổi thọ vòng đời mới lại xuất hiện. Điều này chắc chắn sẽ dựa trên những công nghệ vừa mới trỗi dậy trong thời điểm hiện nay: công nghệ sinh học và công nghệ na-nô, cùng với việc sản xuất phân tử (khả năng xây dựng từ đầu hết sức rẻ cho bất cứ nguyên liệu nào). Và rồi khuôn mẫu của việc đầu tư điên cuồng sẽ bắt đầu trở lại cùng với việc xuất hiện một vòng đời khác. 

(Minh Hà dịch từ strategy-business //tinkinhte.com)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Bản chất tương tác xã hội của giá trị
  • Địa vị Doanh nhân
  • Gói kích thích kinh tế - Lớn và lớn hơn
  • Hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển
  • Chất lượng thực của doanh nghiệp tư nhân?
  • Căn bản về sở hữu công nghiệp
  • Tồn kho và tăng trưởng
  • Biến "nguy" thành "cơ"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com