Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi doanh nghiệp tìm bạn đời

Khung pháp lý chưa hoàn thiện, cơ quan quản lý nhiều lúc phải tùy cơ ứng biến xử lý từng trường hợp, và có đến 50 – 70% các thương vụ M&A (Mergers & Acquisitions - mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) không thành công, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp gặp nhau, tìm hiểu để tiến đến “hôn nhân”.

Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 80% trong số 600 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn. Họ sẽ cần sáp nhập để phát triển. Ảnh: Lê Quang Nhật

Đây là những chia sẻ của các diễn giả và chuyên gia trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2010 (do báo Đầu tư phối hợp với Vụ Pháp chế và công ty tư vấn Avalue tổ chức ngày 25.5) về vấn đề này.

Hôn nhân chưa hạnh phúc

“Chúng tôi đã thất bại khá nhiều lần khi làm “bà mối” cho một số doanh nghiệp thực hiện M&A”, ông Tô Hải, giám đốc công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị đang tư vấn một số thương vụ M&A, cho biết.

Ví dụ như Nhựa Bình Minh và Nhựa Đà Nẵng, khi trong quá trình đàm phán, thông tin bị rò rỉ, nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu Nhựa Đà Nẵng tăng liên tục 40 phiên, số lượng đặt mua cao gấp nhiều lần số lượng cổ phiếu lưu hành, cổ đông Nhựa Đà Nẵng đã đòi giá mua cao hơn, khiến cuộc đàm phán không thành công. Hoặc ở trường hợp Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, VCSC nhận được lời hứa là khi giá cổ phiếu Đạm Phú Mỹ lên đến 70.000 đồng/cổ phiếu, sẽ tiến hành sáp nhập. Hiện giá Đạm Phú Mỹ đang ở mức 30.000 đồng, nên cuộc hôn phối hai doanh nghiệp này chưa biết bao giờ mới tiến hành.

Các thương vụ M&A thất bại được các chuyên gia ước ở mức 50 – 70%. Mấy năm nay, các doanh nghiệp đến với nhau đã dựa trên hiệu quả kinh tế doanh nghiệp thực sự, chứ không mang tính hành chính của những năm 90. Tuy nhiên, khung pháp lý và tính sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Cơ chế sáp nhập còn hạn chế, ví dụ ở sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, doanh nghiệp sáp nhâp có thể niêm yết ngay, còn ở sàn TP.HCM phải chờ hơn một tháng.

Các sở ban ngành địa phương còn có độ vênh nhất định, có cách hành xử khác nhau đối với thực tế M&A doanh nghiệp, các cơ quan xét theo từng trường hợp một để duyệt mà chưa đưa ra khung thống nhất, nhiều điểm trong luật qui định M&A còn vênh với thực tế. Như KMR-KMF, PVD, các doanh nghiệp này vẫn chưa lấy được giấy phép kinh doanh sau đó, do còn vướng quy định về vốn điều lệ sáp nhập.

Ở cuộc sáp nhập Hà Tiên 1 – Hà Tiên 2, nội bộ đã tranh cãi hội đồng quản trị là ai, cho đến gần một năm mới tìm ra câu trả lời. Hoặc việc tranh cãi giá trị doanh nghiệp sáp nhập, Hà Tiên 1 phải tổ chức đại hội cổ đông đến hai lần, khi đưa ra giá cao hơn 15% giá thị trường nhưng cổ đông từ chối. Hoặc “Cổ đông có những người muốn mua và những người muốn bán, đòi hỏi sự mềm mỏng và khéo léo của người đi mua”, ông Tô Hải nói.

Theo ông Tô Hải, có những cuộc sáp nhập đầu xuôi đuôi lọt, nhưng ở nhiều thương vụ khác đã không tạo được giá trị gia tăng khi sáp nhập. Trước khi sáp nhập là một quá trình đàm phán lâu dài, tốn kém đầy “đau khổ”.

"Các doanh nghiệp phải xác định chiến lược phát triển lâu dài, chọn doanh nghiệp phù hợp mua bán, giá mua bán, đơn vị tư vấn, thuyết phục các cổ đông bỏ phiếu thông qua, và làm gì với doanh nghiệp mua. Tuy nhiên, thách thức thực sự đến ở giai đoạn sau M&A. Nôm na là “kết hôn” rồi thì sống được lâu dài với nhau hay phải “li dị”, ông Andy Hồ, tập đoàn VinaCapital, nói.

Ông Tô Hải cho rằng, hậu sáp nhập ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hoạt động, sản xuất, chuẩn bị bộ máy tiếp quản, đối diện với cổ đông về hiệu quả hoạt động. Tâm lý nặng nề của doanh nghiệp được mua lại, sự khác biệt đáng kể về văn hóa và cơ cấu tổ chức, cơ cấu quản lý gây ra trì trệ, giảm giá trị gia tăng trong việc sáp nhập.

Cho đến nay, nhiều cuộc thành công mỹ mãn lại có điểm chung là cùng “gốc”, hoặc đòi hỏi nỗ lực đồng hành lâu dài của người mua, như việc tái cấu trúc các doanh nghiệp trong PVN, sáp nhập KMR – KMF có cùng chủ (Hàn Quốc), Kido’s – KBC – NKD cũng cùng một bộ máy quản lý, Hà Tiên 1 – Hà Tiên 2, hoặc Dragon đồng hành cùng REE và STB. Và nhiều cuộc mục tiêu đeo đuổi khác biệt đang gặp khó khăn hoặc rút lui như KDC và Tribeco, IFC rút lui khỏi STB, TPG rút khỏi FPT...

Tuy nhiên, theo ông Andy Hồ, vì muốn gia tăng thị phần, khách hàng, cơ sở sản xuất, kênh phân khối, muốn sự hiệp lực kinh doanh lớn hơn, hoặc mua một đối thủ cạnh tranh để ngăn chặn sự đối đầu với mình... đã khiến ngày càng nhiều các doanh nghiệp đi tìm “bạn đời” của mình.

Xu hướng tiếp tục tăng

Theo số liệu của Thomson Reuters, giá trị giao dịch M&A trong năm 2010 tiếp tục tăng ổn định, với số thương vụ công bố khoảng 230 thương vụ, tương đương giá trị khoảng 1 tỉ USD.

Ông Tô Hải nhận định, M&A trong năm 2010 sẽ khác năm 2009. Năm 2010 là năm các doanh nghiệp Việt Nam khởi động M&A và từ đầu năm đến nay, có khoảng 16 thương vụ M&A. Dù vậy, các thương vụ sẽ gia tăng nhưng quy mô sẽ giảm so với năm 2009. Theo đó, 2010 là năm các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước tập trung tái cấu trúc và sáp nhập, các ngân hàng tăng vốn điều lệ và nhiều khả năng tìm đến nhau...

Theo ông Lê Nhị Năng, phó giám đốc sở Giao dịch TP.HCM, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 80% trong số 600 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn. “Họ sẽ cần sáp nhập để phát triển, hoặc liên kết để niêm yết chéo”, ông nhận xét.

Danh sách các thương vụ M&A tại Việt Nam tính đến tháng 5.2010

  • IFC mua 10% cổ phần Vietinbank.
  • Ngân hàng Canada Nova Scotia mua 15% Vietinbank.
  • Công ty cổ phần Sông Đà 7 (SD7) mua 51,38% cổ phần của công ty cổ phần Sông Đà 8 (SD8).
  • VinaCapital mua 7% của tập đoàn Prime, trị giá 15 triệu USD.
  • Red River Holdings mua 15,5% của công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC).
  • Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương mua 29% cổ phần Agifish.
  • Quỹ East Guardian Asset mua 15% cổ phần công ty cổ phần tập đoàn HIPT-HIG.
  • Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí, công ty cổ phần đầu tư và tư vấn tài chính dầu khí, công ty cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí, công ty du lịch biển Mỹ Khê mua 14,65% cổ phần công ty chứng khoán dầu khí (PSI), giá trị 175,8 tỉ đồng.
  • Ngân hàng Commonwealth (Australia) mua 15% cổ phần ngân hàng Quốc tế (VIB).
  • Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt mua 1,365 triệu cổ phần công ty cổ phần Mirae – KMR.
  • Công ty cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông SAM mua 30% công ty Cáp quang Sài Gòn (do công ty cổ phần Cáp Sài Gòn bán lại), trị giá giao dịch 37,7 tỉ đồng.
  • PNJ mua 26% cổ phần công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), với giá mua 48.000 đồng/cổ phiếu.
  • Masan mua 70% cổ phần Núi Pháo (do Dragon Capital bán lại).
  • Quỹ Oman Investment Fund (OIF) mua 12,6% cổ phần PVI, trị giá 808,3 tỉ đồng.
  • Sáp nhập Kinh Đô miền bắc (NKD), Kido’s vào tập đoàn Kinh Đô.
  • Công ty vật liệu xây dựng FICO bán 6,86% cổ phần công ty cổ phần xây dựng Cotec (CTD).

( Theo Hồng Sương // SGTT Online)

  • Nhà máy lọc dầu Dung Quất Những bài học về công tác quản lý
  • Lương giám đốc giảm, công ty có hoạt động tốt hơn?
  • Trách nhiệm xã hội đảm bảo cho thành công của doanh nghiệp
  • Nghĩ đến đạo đức trong quản trị doanh nghiệp
  • Điều hành công ty gia đình - Thách thức và cơ hội
  • Tạo lập tính kiên cường cho nhóm
  • Kiểm toán trong các DNNVV: Kiểm toán nhỏ, lợi ích lớn
  • Chất lượng doanh nghiệp tư nhân: Nhìn từ góc độ quản trị điều hành
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com