Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lao động giá rẻ - từ lợi thế đang trở thành thất thế

Lao động Việt Nam có giá rẻ nhưng năng suất lại thấp hơn nhiều so với các nước khác. Ảnh: Lê Toàn.

Biểu đồ về năng suất lao động của một số nước khu vực Đông Á, được Tiến sĩ Christian H.M. Ketels, nghiên cứu viên trưởng của Học viện Chiến lược và Cạnh tranh Harvard, công bố tại hội thảo bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2010, cho thấy trong suốt 25 năm kể từ 1975, Việt Nam và Trung Quốc như hai người bạn ngang tài ngang sức và luôn ở phần đáy, mức năng suất thấp nhất. Nhưng từ năm 2000, Trung Quốc bắt đầu vọt lên mạnh mẽ và đến 2008 đã bắt kịp và vượt Indonesia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn ì ạch ở cuối bảng.

Nhóm của ông Ketels đã nghiên cứu, xây dựng báo cáo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2010 và đi đến kết luận: năng suất lao động của Việt Nam thấp cơ bản do nền kinh tế chủ yếu phát triển dựa vào nguồn nhân công giá rẻ nhưng có tay nghề thấp. Vì vậy, nếu không có giải pháp mới, Việt Nam sẽ bị vướng lại tại mức phát triển hiện nay.

Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê và kết quả tính toán của Học viện Cạnh tranh châu Á, từ năm 2000-2008, năng suất lao động tính trên một nhân công của Việt Nam chỉ tăng được 3,63 triệu đồng/năm (theo giá cố định năm 1994), lên 10,91 triệu đồng/năm. Trong đó, tăng trưởng năng suất của Việt Nam chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến có năng suất cao hơn. Đây là xu hướng nảy sinh dưới tác động hội nhập kinh tế của Việt Nam với thế giới và xu hướng này còn tiếp tục trong vài năm tới.

Trong một thời gian dài, năng suất lao động ở Việt Nam tuy thay đổi chậm chạp, nhưng nhìn chung vẫn có tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những bộ phận hẹp hơn, nhất là ở lĩnh vực chế tạo thì số liệu mà nhóm nghiên cứu chỉ ra thật sự đáng ngại.

Điển hình là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhóm hiện chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2000 đến nay, năng suất của các doanh nghiệp FDI chẳng những không tăng, mà còn có chiều hướng giảm mạnh. Đến cuối 2008, năng suất bình quân của một lao động làm việc trong khối này chỉ bằng một nửa so với năm 2000.

Ông Christian H.M. Ketels cho rằng, tốc độ mở cửa về thương mại, đầu tư khá nhanh của Việt Nam đã có tác dụng lớn trong thu hút nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu là khai thác lợi thế nhân công giá rẻ nhưng có năng suất thấp để sản xuất hàng hóa phục vụ cho thị trường trong nước và thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp FDI, tuy góp phần đáng kể tạo ra việc làm, tăng xuất khẩu nhưng lại không giúp ích nhiều cho việc tăng mức độ thịnh vượng của quốc gia, do tiền lương người lao động được trả quá thấp, chỉ bằng 30% so với lương công nhân ở Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines) và 42% lương công nhân ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Hơn nữa, tác dụng lan tỏa của khu vực FDI đối với phần còn lại của nền kinh tế trong việc nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ cũng không rõ ràng.

“Nếu Việt Nam không tăng được năng suất lao động, thì sẽ không thể tăng được mức sống cho người dân và sự thịnh vượng của quốc gia”, Tiến sĩ Ketels nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam là quốc gia có độ mở về thương mại và đầu tư cao trong khu vực Đông Á. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Cạnh tranh châu Á và Viện Quản lý kinh tế Trung ương lo ngại sự mở cửa mạnh mẽ trong điều kiện năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp sẽ làm tăng thêm nguy cơ mất cân đối vĩ mô.

Các dòng vốn lớn đổ vào Việt Nam sẽ kích thích tăng nhu cầu nội địa. Việc xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp, đồng thời phải nhập về những mặt hàng có giá trị gia tăng cao để đáp ứng nhu cầu nội địa; sự lên giá của đồng Việt Nam do chính sách tỷ giá của Nhà nước... Đây là những yếu tố có nguy cơ kích thích lạm phát, làm gia tăng thâm hụt thương mại.

Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư giảm sút cũng làm cho tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc hơn vào dòng vốn bên ngoài. “Sự tăng trưởng nhu cầu đang vượt quá năng lực vi mô của nền kinh tế về mặt kỹ năng lao động và hạ tầng kỹ thuật; sự chênh lệch giữa vốn FDI cam kết và vốn thực hiện ngày càng lớn”, Tiến sĩ Ketels khẳng định.

Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam 2010 đưa ra khuyến nghị: Việt Nam có thể đạt được bước phát triển mới hay không phụ thuộc vào khả năng giải quyết ngay những vấn đề đang đặt ra. Chẳng hạn như giải quyết các nút thắt cổ chai trong yếu tố đầu vào liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hậu cần và nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp; tạo ra những nền tảng cơ bản để tăng năng suất lao động như cải tổ hệ thống giáo dục.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực của khu vực công, tạo ra sự thông suốt trong việc phối hợp thực hiện chính sách giữa trung ương và địa phương; hoạch định lại chiến lược thu hút FDI, chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với các chính sách ngành.

Báo cáo kết luận: “Phát triển kinh tế dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, năng suất lao động thấp không phải là hướng đi lâu dài. Đã đến lúc Việt Nam cần một chiến lược kinh tế tổng thể, toàn diện để vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tăng cường năng lực vi mô của nền kinh tế”.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Từ “tôi” thành “chúng tôi” (Phần 2)
  • Từ “tôi” thành “chúng tôi” (Phần 1)
  • Độc giả viết về “12 bước để không bị “đổ lỗi”
  • Độc giả viết về “12 bước để không bị “đổ lỗi” (Phần 2)
  • Ai sẽ là nhà tư vấn hiệu quả?
  • Các công ty tư nhân lớn tuyển dụng nhân tài như thế nào?
  • Để nhân viên tận tâm hơn với công ty
  • 3806 219 /ba-nguyen-tac-de-tang-cuong-su-gan-ket-cua-nhan-vien Ba nguyên tắc để tăng cường sự gắn kết của nhân viên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com