Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các ngân hàng châu Âu rầm rộ M&A

Ngân hàng lớn thứ 2 Tây Ban Nha Caja Madrid đang chạy đua với thời gian để tiến hành sáp nhập với 5 ngân hàng khác. Ảnh: capitalmadrid.info
Làn sóng sáp nhập và mua lại (M&A) diễn ra trong ngành ngân hàng châu Âu là lựa chọn tối ưu cho các ông chủ nhà băng trong bối cảnh tín dụng thắt chặt và lãi suất vay vốn dài hạn "cắt cổ".
 
Mới gượng dậy đôi chút hồi đầu năm, thì giờ đây các ngân hàng châu Âu phải đối mặt với hàng loạt cơn bão mới như lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng cao, các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS) mở rộng, khả năng thu hồi nợ từ trái phiếu trở nên mong manh và tình trạng thanh khoản kém. Với những ngân hàng gặp khó khăn về vốn, tình hình càng trở nên khó khăn hơn dưới tác động của cuộc khủng hoảng ngân sách đang lan tràn khắp châu Âu.

Bất chấp lượng thanh khoản của gói cứu trợ do Ngân hàng trung ương châu Âu tung ra, người ta vẫn chưa thấy nhiều kết quả. Chỉ số đo lường rủi ro vỡ nợ tín dụng Itraxx vẫn tiếp tục mở rộng. Lãi suất liên ngân hàng châu Âu (Euribor) kỳ hạn 3 tháng vẫn tăng 10% kể từ cuối tháng 3.

Do đó, xu hướng mua lại và sáp nhập (M&A), được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tránh rủi ro phá sản vì vỡ nợ tín dụng cho các ngân hàng châu Âu.

Một trong những điểm nóng nhất của làn sóng M&A châu Âu là Tây Ban Nha. Trong tuần qua, ngân hàng lớn thứ 2 của nước này là Caja Madrid đã tiến hành thương lượng sáp nhập với 5 ngân hàng nhỏ hơn. Hiện Caja Madrid chạy nước rút để cố hoàn thành các cuộc thảo luận trước 30/6, thời hạn cuối cùng nhằm giành được khoản cứu trợ trị giá 99 tỷ USD từ chính phủ nước này.

Những tuần qua là thời gian "bão táp" đối với ngành ngân hàng nước này. Theo yêu cầu của chính phủ Tây Ban Nha, có 45 nhà băng, chiếm một nửa hệ thống tài chính nước này, sẽ phải tinh gọn lại còn một nửa và trong tương lai sẽ hợp nhất thành 15 ngân hàng. Theo tuyên bố của Hiệp hội ngân hàng Tây Ban Nha CECA hôm 28/5, đã có ít nhất 23 ngân hàng trong danh sách đã ngồi lại với nhau bàn chuyện sáp nhập.

Trong nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng rủi ro của các ngân hàng nằm ở chỗ chi phí vốn vay gia tăng sẽ làm giảm lợi nhuận ròng. Ngay cả khi lãi suất vay dài hạn giảm thấp, thì các ngân hàng cũng khó thoát khỏi chi phí vốn vay cao. Sự lệ thuộc vào nguồn vốn vay của các ngân hàng châu Âu là rủi ro mấu chốt sẽ làm trì hoãn việc trả nợ của các ngân hàng. Các ngân hàng châu Âu hiện đang nắm giữ 3,3 nghìn tỷ euro trong tổng nguồn vốn vay và 50% nguồn vốn này sẽ đáo hạn trong năm 2010 – 2012.

Bối cảnh khủng hoảng nợ châu Âu bắt nguồn từ Hy Lạp sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Vấn đề lớn nhất của Hy Lạp hiện nay là không thể thoát nợ do đồng euro giảm giá, hạn chế tăng trưởng xuất khẩu. Lối thoát duy nhất lúc này cho đồng euro, cho nền kinh tế và hệ thống tài chính ngân hàng khu vực châu Âu là chính quyền Athens phải tách khỏi khối sử dụng đồng tiền chung euro. The Times dẫn nhận định của Giám đốc Điều hành Doug McWilliams của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh rằng “quyền chọn cho Hy Lạp lúc này là thoát khỏi khu vực đồng euro và thoát nợ”.

Những vấn đề bế tắc của khu vực đồng tiền chung euro sẽ là tâm điểm thảo luận tại cuộc Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao G20 sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

(Theo Ngọc Ngân - VnExpress)

  • Mua bán sáp nhập DN (M&A) 2010: Liệu có thương vụ khủng?
  • M&A - Một cách để phát triển
  • Cẩn trọng với mua bán doanh nghiệp
  • CFO giỏi là phải biết nói?
  • Tài chính vi mô và xã hội Trung Quốc
  • Thảo luận: Quản lý rủi ro trong một thế giới mới
  • Muốn lớn và mạnh, phải chủ động khi mua bán – sáp nhập
  • Tiền không chỉ để tiêu mà phải tiêu khôn ngoan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com