Minh họa: Khều. |
Vừa qua một số doanh nghiệp đã đánh giá lại giá trị tài sản, chủ yếu là đất đai, khi góp vốn liên doanh, liên kết. Khoản chênh lệch có được từ việc định giá lại đó được hạch toán vào đâu cho đúng với nguyên tắc kế toán và báo cáo quyết toán thuế?
Cơ quan thuế: hạch toán vào thu nhập khác
Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) có quyền sử dụng 49.000 mét vuông đất tại số 6/134 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TPHCM. Trước đây khu đất này là trụ sở văn phòng và nhà máy của Kinh Đô. Vừa qua Kinh Đô di dời nhà máy sản xuất xuống Bình Dương và đánh giá lại quyền sử dụng khu đất trên để góp vốn với một số đối tác khác triển khai dự án bất động sản.
Ngày 2-10-2009 KDC có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) chính thức xác nhận lợi nhuận từ việc định giá lại tài sản dự kiến là 200 tỉ đồng. Con số cụ thể đang được KDC tính toán và khẳng định sẽ hạch toán vào báo cáo tài chính quí 3 -2009 cũng như công bố công khai tại đại hội cổ đông bất thường ngày 20-10-2009 tới.
Trước đó, ngày 22-9-2009, Công ty cổ phần đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept (GMD) cũng có văn bản gửi Hose, nêu rõ năm 2008 GMD Vũng Tàu (công ty con của Gemadept) đã góp 49,37% vốn bằng quyền sử dụng 72 héc ta đất tại Cái Mép được định giá 39,5 triệu đô la Mỹ, để thành lập liên doanh Gemalink với nước ngoài xây dựng, vận hành cảng container Gemadept Cái Mép.
Khoản chênh lệch định giá lại 72 héc ta đất khoảng 36 triệu đô la Mỹ. Hiện GMD mẹ đang chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng để ghi nhận khoản chênh lệch khoảng 25 triệu đô la Mỹ, tức xấp xỉ 400 tỉ đồng (GMD sở hữu 70% vốn điều lệ của GMD Vũng Tàu) từ việc định giá tài sản trên vào báo cáo tài chính hợp nhất năm 2009.
Cơ quan thuế nhìn nhận việc hạch toán các khoản chênh lệch từ đánh giá lại tài sản để góp vốn liên doanh như thế nào? Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Hỗ trợ Cục Thuế TPHCM, cho biết theo mục V, điểm 12 của Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thì từ ngày 1-1-2009 tất cả các khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản để góp vốn liên doanh liên kết, được hạch toán vào thu nhập khác (lợi nhuận khác, lợi nhuận đột biến), và đóng thuế một lần hoặc nhiều lần tùy vào mục đích sử dụng. Tuy nhiên, việc đánh giá và hạch toán vào thu nhập khác này nếu diễn ra từ năm 2008 trở về trước, thì được tính theo thuế suất ưu đãi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Tuấn lấy thí dụ quyền sử dụng một khu đất trước đây có giá 1 tỉ đồng, nay khi mang liên doanh được đánh giá 10 tỉ đồng, thì khoản chênh lệch 9 tỉ đồng phải được hạch toán ngay vào thu nhập khác để kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Nếu là nhà xưởng trên đất (tài sản cố định) và bên nhận góp vốn dùng tài sản này để trích khấu hao, chẳng hạn thời gian khấu hao ba năm, thì 9 tỉ đồng chênh lệch nói trên sẽ phân bổ cho ba năm để kê khai nộp thuế.
Từ các quy định trên, nhìn vào trường hợp GMD, thì GMD Vũng Tàu không phải kê khai nộp thuế cho phần chênh lệch do việc định giá diễn ra trong năm 2008, nên được tính theo thuế suất ưu đãi của hoạt động kinh doanh (dự án cảng Cái Mép được miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp thời gian đầu). Khoản chênh lệch này năm ngoái được hạch toán vào báo cáo tài chính của GMD Vũng Tàu. Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2008 của GMD, GMD Vũng Tàu (cùng với một số công ty con khác của GMD) mới đi vào hoạt động, chưa đủ thời gian để GMD mẹ hạch toán vào báo cáo tài chính hợp nhất năm ngoái của cả nhóm (group).
Với trường hợp của KDC, thì công ty này phải nộp thuế do việc định giá lại tài sản diễn ra trong năm nay. Song, việc nộp thuế diễn ra một lần hay phân bổ nhiều lần trong nhiều năm còn tùy vào mục đích phát triển dự án bất động sản của công ty.
Kế toán: hạch toán tăng vốn
Theo ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, khi các doanh nghiệp trong nước tham gia liên doanh, họ có quyền xác định lại giá trị tài sản đem góp vốn. Nếu góp vốn bằng quyền sử dụng đất (trong thời hạn nhất định), thì hạch toán tăng vốn chủ sở hữu. Bà Hà Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte, cũng cho rằng phần chênh lệch giá trị tài sản tăng thêm cần được ghi vào tăng nguồn vốn và tăng vốn đối ứng của phía Việt Nam trong liên doanh. Song vấn đề đặt ra, theo bà Thanh, hạch toán như vậy thì ai sẽ nộp thuế: công ty liên doanh hay phía Việt Nam?
Việc hạch toán chênh lệch định giá lại tài sản khi góp vốn liên doanh, liên kết từ năm 2009 vào vốn chủ sở hữu như quan điểm của kế toán, kiểm toán, rõ ràng không thể trùng hợp với quan điểm của cơ quan thuế. Việc hạch toán vào thu nhập khác, như Thông tư 130, là buộc doanh nghiệp phải nộp thuế.
Tuy nhiên, gần đây quan điểm của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về vấn đề nêu trên có khả năng thông thoáng hơn. Trong dự thảo liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp đối với định giá lại tài sản cố định, Bộ Tài chính đang xem xét ý kiến cho rằng quyền sử dụng đất không được trích khấu hao, nên không thể hạch toán vào thu nhập khác và do đó không phải nộp thuế. Một khi ý kiến này trở thành quan điểm chính thống của dự thảo nói trên, thì doanh nghiệp nội địa sẽ có nhiều thuận lợi.
(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com