Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Fitch ratings hạ mức tính nhiệm: Chưa sâu sát, chưa xác đáng

Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings vừa công bố giảm một bậc định mức tín nhiệm nợ dài hạn phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam từ BB- xuống B+. Mức xếp hạng mới nằm dưới mức đầu tư 4 bậc và đây là lần hạ bậc thứ 2 của Fitch với Việt Nam (lần trước vào tháng 7-2009). Vấn đề đặt ra là đánh giá này liệu có đáng tin và ảnh hưởng của nó ra sao?

Thiếu chính xác và bao quát

Báo cáo của Fitch Ratings dẫn lời ông Ai Ling Ngiam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về nợ công khu vực châu Á của Fitch, cho rằng năm nay có thể là năm thứ ba liên tục dòng vốn dài hạn chảy vào Việt Nam không đủ để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai.

Những đánh giá của Fitch về khung kinh tế, hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ vốn nước ngoài trên dự trữ ngoại tệ… là những tính toán có cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam có nhiều điều mà những tính toán đó không thể bao quát hết được. Về cơ bản, nền tảng kinh tế Việt Nam khá tốt, các ngân hàng của Việt Nam ổn định và triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam sáng sủa.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

 Thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam được Fitch dự báo ở mức trên 10% GDP trong năm nay. “Mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam đã giảm trong bối cảnh các dòng vốn từ bên ngoài yếu đi, nhu cầu gia tăng về vốn để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai và trả nợ trước hạn, nền kinh tế bị USD hóa ở mức độ khá cao và hệ thống ngân hàng còn bộc lộ nhiều nhiều điểm yếu” - ông Ai Ling Ngiam nhận xét.

Fitch cũng cho rằng việc nới lỏng chính sách sớm hơn so với điều kiện cho phép có thể làm gia tăng những rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô tài chính, đồng thời tăng trưởng tín dụng ở mức hai con số nếu kéo dài sẽ dẫn đến những rủi ro gia tăng đối với hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, Fitch nhấn mạnh thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã lên tới 8,7% GDP trong năm 2009 và dự báo sẽ còn ở mức cao 7,6% trong năm 2010.

Theo Fitch, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực bù đắp mức thâm hụt này bằng các công cụ nợ ngoại tệ phát hành trong nước, nhưng điều này làm gia tăng độ rủi ro về tỷ giá. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công đã lên tới 45% GDP trong năm 2009 làm “giảm điểm” ở một hạng mục trước đây vốn được xem là thế mạnh về định mức tín nhiệm của Việt Nam. Tỷ giá VNĐ hiện vẫn còn dễ bị tổn thương, nếu có sự chuyển hướng của dòng tiền sang vàng hay ngoại tệ, gây bất lợi cho sự ổn định tài chính.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các số liệu của Fitch về thâm hụt ngân sách cũng như tỷ lệ nợ công của Việt Nam chưa chính xác, thực tế thấp hơn những gì Fitch đưa ra.

Cụ thể, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2009 chỉ ở mức 6,2% GDP và Chính phủ Việt Nam phấn đấu năm 2010 kéo giảm trên dưới 6%. Tương tự, tỷ lệ nợ công của Việt Nam trong năm 2009 là 41,8% GDP và Chính phủ đang phấn đấu giữ ở mức 45% GDP. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng những xếp hạng như vậy chỉ có giá trị tham khảo và là chuyện bình thường chứ không có tính chất khẳng định.

Trong một bản báo cáo trước đây, tổ chức này cho rằng 6 ngân hàng lớn nhất của Việt Nam chiếm đến 51% các hoạt động trong ngành, cần huy động thêm một nguồn vốn tương đương với 12% GDP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ về con số này. Tổng giám đốc một CTCK cho rằng trong cuộc khủng hoảng vừa qua không kể Iceland, các gói cứu trợ của các nước tính theo tỷ lệ GDP thấp hơn nhiều con số 12%. Ngay cả số tiền cứu trợ của châu Âu cho 7 ngân hàng bị khó khăn nếu khủng hoảng nợ leo thang cũng chỉ bằng 0,2% GDP của riêng Đức.

Nới lỏng chính sách tiền tệ để kéo giảm lãi suất của NHNN là có cơ sở khi lạm phát 6 tháng đầu năm 2010 thấp hơn dự báo. Ảnh: LÃ ANH

Đi ngược nhận định chung

Ngay khi Fitch hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam đã có nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia quốc tế. Trao đổi với với Reuters, Giám đốc ADB Việt Nam, ông Ayumi Konishi bày tỏ sự bất ngờ trước tuyên bố của Fitch vì đánh giá của ADB về các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn khả quan.

Các tổ chức định mức tín nhiệm như Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch đã bị nhiều nước lên án về việc đưa ra đánh giá tín nhiệm rất cao các loại chứng khoán nợ về bất động sản ở Hoa Kỳ, nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và trong khi Fitch hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam, các tổ chức khác như IMF, WB, ADB đều đưa ra tình hình lạc quan về kinh tế Việt Nam.

PGS.TSTrần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered tại Singapore, ông Tai Hui cho rằng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trên thực tế đã được cải thiện đáng kể trong 6 tháng đầu năm, tình trạng thâm hụt thương mại cũng đang được kiểm soát. Matt Hildebrandt, Nhà kinh tế Singapore làm việc cho JP Morgan Chase & Co, nói việc xếp hạng của Fitch là hợp lý vì chất lượng tín dụng Việt Nam suy yếu hơn những quốc gia tương tự như Indonesia và Philippines nhưng nợ nước ngoài của Việt Nam nằm trong mức kiểm soát được, nguy cơ vỡ nợ ở mức rất thấp.

Theo PGS.TS Sử Đình Thành (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), tình trạng USD hóa của Việt Nam không đến mức tồi tệ như đánh giá của Fitch. NHNN vẫn có khả năng điều chỉnh lãi suất và cung cầu ngoại tệ cũng như can thiệp trực tiếp qua các biện pháp phi thị trường, như đặt trần tín dụng trong năm 2008 hoặc yêu cầu các doanh nghiệp kết hối 100% ngoại tệ như trước đây.

Theo một phó tổng giám đốc ACB, mục tiêu tăng trưởng 25% tín dụng trong năm 2010 không quá cao trong bối cảnh động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn và nguồn vốn chủ yếu từ hệ thống NHTM, không phải từ TTCK. 6 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM chỉ 10,52%.

Những biện pháp nới lỏng chính sách, kéo giảm lãi suất của NHNN gần đây là có cơ sở khi lạm phát 6 tháng thấp hơn mức dự báo. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay các chỉ số vẫn ở mức an toàn khi dư nợ tín dụng/GDP mới ở mức 105% trong khi các quốc gia có cơ cấu chính trị và kinh tế gần giống Việt Nam là Trung Quốc chỉ số này lên đến 160%.

Ảnh hưởng bất lợi đến đâu?

Dù hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam xuống B+ nhưng triển vọng của định mức tín nhiệm mới này được Fitch đặt ở mức ổn định. Và Fitch kết luận các yếu tố nền tảng về nợ quốc gia của Việt Nam vẫn đang được hỗ trợ bởi sự ủng hộ từ phía các chủ nợ song phương và đa phương, cũng như sự gia tăng mạnh của thu nhập bình quân đầu người kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới.

Fitch - Lý lịch trích ngang

John Knowles Fitch thành lập Fitch Publishing Company năm 1913 chuyên xuất bản các thống kê tài chính dùng cho ngành công nghiệp đầu tư. Năm 1924, Fitch đưa ra hệ thống xếp hạng từ AAA đến D. Với kế hoạch trở thành hãng xếp hạng toàn cầu. Cuối những năm 90 Fitch sáp nhập với IBCA London, một chi nhánh của Fimalac (Pháp) và thôn tính các đối thủ Thomson BankWatch, Duff & Phelps Credit Ratings. Từ năm 2004, Fitch bắt đầu phát triển các chi nhánh chuyên về quản lý rủi ro doanh nghiệp, dịch vụ dữ liệu và đào tạo công nghiệp tài chính.

Riêng điểm tín nhiệm nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam, tổ chức này giữ ở mức B. Vấn đề hiện nay được giới đầu tư và dư luận quan tâm là việc Fitch hạ bậc tín nhiệm nợ dài hạn sẽ ảnh hưởng bất lợi gì đến nước ta cũng như đến sự ổn định thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam? Bởi với định mức tín nhiệm, các chủ nợ hoặc nhà đầu tư có thể lượng định, đánh giá được mức độ rủi ro khi cho vay hoặc mua nợ của tổ chức phát hành.

Một quốc gia có điểm tín nhiệm nợ càng cao càng có khả năng phát hành trái phiếu với lãi suất thấp và ngược lại.

Hiện nay, hoán đổi về hiệu lực tín dụng khó đòi của Việt Nam sau khi Fitch giảm điểm xếp hạng. Giá cả thời hạn 5 năm tăng lên 5 điểm cơ bản, lên thành 225 điểm cơ bản, căn cứ theo giá cả của Ngân hàng Deutsche AG (1 điểm cơ bản tương đương với 0,01%). Việt Nam đã thu được 1 tỷ USD nhờ bán ra công trái nước ngoài lần thứ hai vào tháng 1-2010 và đây là lần phát hành đầu tiên kể từ phiên mở hàng vào năm 2005.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, sắp tới nước ta chưa có dự định phát hành bất cứ loại công trái quốc gia nào. Vì thế, động thái của Fitch sẽ không ảnh hưởng lớn, mặc dù nó có thể tác động xấu đối với những công trái đã được phát hành trước đây.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Đánh giá của Fitch có thể có những tác động nhất định đến TTCK, tỷ giá hối đoái, huy động vốn nước ngoài của doanh nghiệp cũng như của Chính phủ, nhưng tôi tin rằng sẽ không có tác động lớn. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang sẵn sàng đầu tư trở lại vào Việt Nam, cả nguồn vốn trực tiếp lẫn gián tiếp cũng như sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ của Việt Nam nếu có đợt phát hành mới do những kỳ vọng về triển vọng phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam”.

(Theo Mai Thảo // SGGP Online)

  • CRA nói, ai nghe?
  • Giám đốc tài chính của Apple "đau đầu" vì nhiều tiền
  • Nhiều tổng công ty gánh nợ khó đòi
  • 6 CEO từ chức vẫn được nhận mức lương "khủng"
  • Thế “tam nan” của chính sách tài chính
  • Đọ thu nhập của các sếp công nghệ
  • CFO trước những thách thức lớn
  • Lãnh đạo nơi nào trên thế giới hưởng lương cao nhất?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com