Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không chỉ có các nguồn truyền thống

Minh họa: Khều.

Thiếu vốn tiếp tục là căn bệnh kinh niên của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm vừa qua. Và theo dự báo của nhiều chuyên gia, những nguồn cung vốn truyền thống của doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị hạn chế trong năm 2011.

Khó khăn kênh huy động vốn truyền thống

Có hai cách để các doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính của mình, đó là nâng vốn chủ sở hữu và đồng thời nâng vốn nợ theo một tỷ lệ cân đối. Thông thường, doanh nghiệp nâng vốn chủ sở hữu bằng các cách như tự bỏ vốn, bán cổ phiếu phổ thông, bán cổ phiếu ưu đãi, bán trái phiếu chuyển đổi, và mua bán - sáp nhập. Đó là những biện pháp tăng ngoại sinh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực tài chính nội sinh bằng cách trong đại hội đồng cổ đông, thuyết phục cổ đông chia cổ tức ít đi và giữ lại lợi nhuận nhiều hơn cho công ty.

Nhận định về các nguồn vốn ngoại sinh cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương Loan, Tổng giám đốc Ngân hàng doanh nghiệp lớn và các định chế của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), cho biết với sự ảm đạm của thị trường chứng khoán trong năm 2010 và không có mấy dấu hiệu hồi phục mạnh trong năm 2011, các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước sẽ thận trọng hơn trong việc đầu tư vào kênh này. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán.

Không chỉ có vậy, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán để huy động vốn cũng không phải dễ dàng với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện chỉ có khoảng 650 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn trong tổng số 520.000 doanh nghiệp trên cả nước.

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết chỉ những doanh nghiệp lớn và thực sự tốt mới có cơ hội huy động vốn qua kênh trái phiếu chuyển đổi.

Sáp nhập cũng là biện pháp tốt khi doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn, nhưng ở Việt Nam biện pháp này ít được thực hiện do môi trường pháp lý chưa thực sự hỗ trợ tốt.

Khi tăng vốn bằng nguồn ngoại sinh trở nên khó trong năm 2011, doanh nghiệp sẽ tập trung tăng nội sinh. Tuy nhiên, điều này sẽ vấp phải hai vấn đề, thứ nhất là khó thuyết phục cổ đông vì đa số cổ đông Việt Nam thích có lợi nhuận nhanh. Thêm vào đó, lợi nhuận của các công ty trong năm 2010 không cao, nên có giữ lại cũng không được bao nhiêu.

Như vậy doanh nghiệp sẽ phải dựa nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng và đặc biệt là kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, còn gọi là chứng khoán nợ, mà nhà đầu tư là các tổ chức cho vay, ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.

Bà Loan cho biết vào những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011, doanh nghiệp phải tất toán nhiều loại chi phí: sản xuất, xây dựng, thi công... và trả lương, thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên khiến một lượng vốn lớn được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng, công ty tài chính. Vì vậy, nguồn cung vốn ngắn hạn bị giảm sút, từ đó lãi suất cho vay tăng, ảnh hưởng tới nguồn vốn cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Mặt khác, với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay, liệu doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đưa ra một mức lãi suất đủ để thu hút các nhà đầu tư là các định chế tài chính hay không? Và doanh nghiệp có chịu nổi chi phí vốn cao như vậy không?

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Nghị định 52 nhằm siết chặt hơn việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 27,6% trong năm 2010 xuống còn 23% trong năm 2011, dấu hiệu cho thấy nguồn vốn cho vay hoặc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ khó dồi dào trong năm 2011.

Bên cạnh mức lãi suất cho vay không dễ chịu, chuẩn tín dụng cũng sẽ được nâng lên để giữ an toàn cho ngân hàng. Vì vậy, để phát hành được trái phiếu hoặc vay vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp phải tự chứng minh mình tốt mới có thể tiếp cận được, ông Dương nói.

Tăng vốn bằng cách khác

Năm 2011, bên cạnh nguồn vốn truyền thống, các doanh nghiệp sẽ phải tự tìm vốn từ các kênh khác nữa. Ảnh: LÊ TOÀN.

Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín, cho biết các doanh nghiệp phải tự mình tìm vốn khi nguồn vốn từ các kênh truyền thống không còn dễ dàng.

Ông cho rằng, có thể các doanh nghiệp sẽ tăng cường thực hiện các thỏa thuận thương mại - tức là bây giờ tôi mua hàng của anh, anh chấp nhận bảo lãnh của ngân hàng, nếu tôi không trả được thì ngân hàng sẽ trả, còn ngân hàng phát hành bảo lãnh thì thu phí khoảng 1%/năm.

Như vậy, thay vì vay ngân hàng, doanh nghiệp sẽ nợ thương mại một doanh nghiệp khác. Trong năm 2011, có thể tín dụng thương mại sẽ tăng cao, ông Toàn nói.

Theo ông Lê Thẩm Dương, ngoài những cách tăng vốn truyền thống nêu trên, vẫn còn nhiều cách tăng khác mà có thể doanh nghiệp ít nghĩ đến.

Đầu tiên là giảm quy mô sản xuất, như vậy tự nhiên nhu cầu vay và nhu cầu vốn tự có sẽ giảm xuống. Sau đó, doanh nghiệp sẽ tập trung tái cấu trúc để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Một cách nữa để tăng vốn là bố trí lại nguồn vốn trong công ty. Ông Dương cho rằng rất nhiều công ty hiện không thiếu vốn nhưng vì bố trí vốn không hợp lý nên dẫn đến thiếu vốn. Ông cho biết trong cơ cấu vốn của đa số các doanh nghiệp hiện nay, phần lớn nhất là tồn kho và thứ hai là các khoản phải thu. Như vậy, doanh nghiệp có thể tìm cách cơ cấu lại nguồn tài chính của mình để tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Cũng có thể tăng vốn bằng cách giảm lợi nhuận kỳ vọng nhưng vẫn giữ quy mô sản xuất, thậm chí chấp nhận hòa vốn để giữ nhân viên và thực hiện tái cấu trúc. Lãi của doanh nghiệp ở đây là có thể tái cấu trúc được hoạt động của mình.

Do vậy, bài toán vốn không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn vay ở đâu, bản thân doanh nghiệp yếu hay mạnh, mà còn lệ thuộc vào chiến lược, chiến thuật hoạt động của công ty, ông Dương nói.

Đa số mọi người khi nói đến vốn đều chỉ nghĩ đến vay ngân hàng hoặc qua thị trường chứng khoán. “Hãy giải quyết từ chính mình, đó là vấn đề. Nếu bản thân doanh nghiệp không tự cải thiện tốt hơn thì khó khăn về vốn vẫn sẽ tiếp diễn ngay cả khi thị trường đã trở về điều kiện bình thường”, ông Dương nói.

Với những thách thức về vốn đặt ra cho doanh nghiệp trong năm 2011, ông Toàn lại có một góc nhìn khác. Đó là, do khó khăn về vốn, doanh nghiệp sẽ tính toán lại các dự án của mình, cái nào hiệu quả cần ít vốn và quay vòng vốn nhanh sẽ được triển khai. Cái nào cần nhiều vốn, vòng quay chậm thì tạm thời ngừng. Nếu mọi doanh nghiệp đều tính toán như vậy, nền kinh tế sẽ có lợi hơn là cứ sử dụng vốn vô tội vạ, nhất là khi được tiếp cận vốn quá dễ dàng. Những tác động đó sẽ tạo ra một mặt bằng mới thay đổi điều kiện của cả nền kinh tế, ông Toàn nói.

Khả năng vốn cho quí 1-2011 không bị ảnh hưởng

Lo ngại tình hình lạm phát gia tăng trong những tháng vừa qua và sắp tới sẽ buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thắt chặt tín dụng trong khi mặt bằng lãi suất vẫn còn đứng ở mức cao, các doanh nghiệp dự báo việc vay vốn trong quí 1-2011 sẽ khó khăn. Tuy nhiên, tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương vào hai ngày cuối cùng của năm 2010, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định tăng trưởng tín dụng của quí 1-2011 sẽ không bị ảnh hưởng.

Ông cho biết, trong những tháng cuối năm 2010, ngân hàng đã kiểm soát được tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Cụ thể: tháng 9 là 2,83%, tháng 10 là 2,78%, tháng 11 là 2,72%, tháng 12 dự báo 2,4-2,5%, do đó khả năng vốn cho quí 1-2011 sẽ không bị ảnh hưởng.

Xoay xở với đồng vốn eo hẹp 

Bà Bùi Thị Bích Thu, chủ chuỗi nhà thuốc tại quận 7 và huyện Nhà Bè, TPHCM:

Ở lĩnh vực kinh doanh tân dược, nếu trước đây những cửa hàng bán lẻ như chúng tôi cần nhiều vốn, nhiều tiền mặt để lấy hàng vì nhà phân phối ít thì hiện nay ngược lại. Nhà cung cấp nhiều nên họ sử dụng nhiều cách để thu hút khách hàng. Ví dụ như cho mua gối đầu (lấy hàng đợt sau trả tiền đợt trước), thậm chí là ký gửi (bán được mới phải trả tiền)… Tất nhiên cũng có một số đơn vị yêu cầu trả tiền ngay.

Vì vậy, chúng tôi sẽ ưu tiên chọn mua của các nhà cung cấp có ưu đãi về phương thức thanh toán, bên cạnh yếu tố giá rẻ. Chỉ những mặt hàng dạng hiếm, phân phối độc quyền mới phải chấp nhận trả tiền ngay.

Trong tình hình tiền mặt khó khăn như hiện nay, nhất là dịp Tết, hai bên chia sẻ với nhau bằng cách thanh toán đúng hẹn, giữ chữ tín hàng đầu. Ví dụ, chúng tôi lấy hàng ở chợ sỉ, nói 10 ngày sẽ thanh toán là đúng 10 ngày mang trả, không chậm trễ. Mình vừa tạo được uy tín để nhà phân phối tin tưởng, dễ mua bán những lần tiếp theo mà họ cũng chủ động được việc sử dụng tiền vốn.

Ông Hồng Việt Tiến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân giày dép Việt Tiến, TPHCM:

Với tình hình lãi suất cao, tiền đồng trượt giá, vàng tăng cao như hiện nay, tất nhiên chúng tôi phải tính toán lại phương thức thanh toán với bạn hàng. Trước đây, chúng tôi bán hàng hoặc mua nguyên liệu đều được thanh toán gối đầu từng tuần. Bây giờ, chúng tôi yêu cầu bạn hàng thanh toán hết và sẽ ưu đãi bằng cách giảm giá bán. Tùy số lượng nhiều, ít, tùy mặt hàng mà bớt từ 500-1.000 đồng/đôi. Mua nguyên liệu cũng tương tự vậy. Nói thật, lúc này tiền mà “găm” một chỗ trong khi lãi suất cao là coi như lỗ ngay.

Ngoài ra, giá nguyên liệu tăng cao, hàng bán chậm nên chúng tôi cũng không dám lên hàng sẵn, hàng nhiều. Có khách đặt hàng mới làm. Đó cũng là cách không để tiền “chôn” một chỗ.

Ông Tiến Hải, chủ cơ sở thu mua - chế biến hàng thủy sản Tiến Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh):

Hiện nay, chúng tôi cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị Saigon Co.op và các đại lý trong và ngoài tỉnh. Trong đó, các đại lý đều phải trả tiền ngay, theo kiểu mua đứt bán đoạn. Riêng siêu thị được trả sau theo hợp đồng mua bán. Thời gian thanh toán thường là 20-30 ngày sau khi giao hàng.

Tất nhiên, việc trả tiền sau trong lúc này, khi lãi suất ngân hàng mà chúng tôi phải trả ở mức 18,5%/năm, giá nguyên liệu tăng mạnh cũng là khó khăn nhưng chúng tôi chấp nhận vì coi đây là khoản đầu tư cho thương hiệu. Điều này sẽ hỗ trợ trở lại cho việc bán hàng ở kênh khác. Tóm lại, thay vì bỏ tiền quảng cáo thì chúng tôi chấp nhận cách này để làm thương hiệu vậy.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Vì một ngày mới không tham nhũng”
  • Thế giới thiệt hại hơn 2.600 tỷ USD do tham nhũng
  • Giải bài toán vốn để tăng sức cạnh tranh
  • Những “con nợ” khổng lồ của thế giới
  • Tham nhũng diễn biến phức tạp hơn
  • Ủy quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước đến đâu?
  • Những khoản nợ không địa chỉ
  • Vấn đề đại diện vốn nhà nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com