Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tính sáng tạo của CEO: Nội lực phát triển của DN

Hội đàm Nghiên cứu Toàn cầu về CEO của IBM ngày 17/8/2010 tại Hà Nội
60% tổng giám đốc (CEO) toàn cầu được hỏi cho rằng, tính sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất của lãnh đạo và đây cũng được xem là nội lực giúp doanh nghiệp phát triển tốt trong sự phức tạp và bất ổn của nền kinh tế.
 
Viện Nghiên cứu giá trị kinh doanh IBM vừa chính thức công bố kết quả Nghiên cứu CEO năm 2010. Đây là nghiên cứu được IBM thực hiện hai năm một lần kể từ năm 2004 trên phạm vi toàn cầu.

Năm nay, số lượng CEO tham gia nghiên cứu đã lên tới trên 1.500 người, thuộc 33 lĩnh vực trên phạm vi 60 quốc gia, trong khi tại lần nghiên cứu đầu tiên, chỉ có trên 500 CEO trên toàn cầu tham gia nghiên cứu này của IBM. Trong đó, lần đầu tiên, các CEO của Việt Nam tham gia nghiên cứu này.

Kết quả Nghiên cứu CEO toàn cầu năm 2010 về thách thức lớn đối với các CEO trong giai đoạn phát triển 5 năm tới có sự khác biệt khá lớn so với kết quả của 3 năm trước. Cụ thể, năm 2004, các CEO được phỏng vấn cho rằng, thách thức lớn nhất là tăng trưởng doanh thu, năm 2006 là đổi mới mô hình kinh doanh, còn trong năm 2010, sự phức tạp và bất ổn của nền kinh tế được các CEO coi là vấn đề khó kiểm soát hơn cả. Có tới 79% trong tổng số trên 1.500 CEO tham gia nghiên cứu cho rằng, mức độ phức tạp và bất ổn của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng trong vòng 5 năm tới. Chỉ có 49% các CEO cảm thấy đã sẵn sàng đối phó với độ phức tạp đã được dự báo.

Tuy nhiên, các CEO cho rằng, chính sự thay đổi và bất ổn của nền kinh tế lại tạo ra những cơ hội phát triển mới và lợi thế cạnh tranh đối với những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt cho những thay đổi này. Ông Juan Ramon Alaix, Chủ tịch Pfizer Animal Health (Hoa Kỳ) - một trong những CEO tham gia cuộc nghiên cứu - cho biết: “Không nên coi sự phức tạp như một gánh nặng cần tránh. Chúng tôi coi đó là một chất xúc tác và là một nhân tố hỗ trợ để sáng tạo và đưa ra những phương thức mới để tạo giá trị”.

Theo bà Anita Mehta Iyer, Phó giám đốc, kiêm Lãnh đạo chiến lược và đổi mới khu vực ASEAN thuộc Bộ phận Dịch vụ tư vấn kinh doanh toàn cầu IBM, phần đông các CEO tham gia phỏng vấn đều cho rằng, để tìm kiếm cơ hội trong sự phức tạp và bất ổn, cần phải có 3 yếu tố là năng lực sáng tạo, đổi mới các mối quan hệ với khách hàng và xây dựng tính uyển chuyển trong hoạt động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 60% CEO được hỏi cho rằng, tính sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất của lãnh đạo và đây cũng được xem là nội lực giúp doanh nghiệp phát triển tốt trong sự phức tạp và bất ổn của nền kinh tế. Theo bà Anita Mehta Iyer, để thể hiện năng lực sáng tạo, các CEO cần phải chấp nhận sự bất ổn, chấp nhận những rủi ro từng phá vỡ các mô hình kinh doanh cũ và vượt khỏi ranh giới của phong cách quản lý “dò dẫm”.

Về yếu tố đổi mới các mối quan hệ với khách hàng, 88% các CEO cho rằng, gần gũi hơn với khách hàng là ưu tiên hàng đầu và là việc cần phải tập trung trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, để đổi mới quan hệ với khách hàng, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng thông qua cộng tác và chia sẻ thông tin, đồng thời khai thác sự bùng nổ thông tin để cung cấp các dịch vụ khách hàng chưa từng có.

Yếu tố thứ ba giúp doanh nghiệp có được cơ hội trong sự thay đổi và bất ổn là xây dựng tính uyển chuyển trong hoạt động. Có trên 54% các CEO tham gia phỏng vấn đưa ra nhận định rằng, đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát tốt hơn sự phức tạp, đồng thời là nhân tố thiết thực tạo ra nguồn tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.

Trong khi năng lực sáng tạo được xem là nội lực của doanh nghiệp, thì sự phát triển của công nghệ được xem là một trong 3 ngoại lực quan trọng đối với các CEO trong việc điều hành doanh nghiệp. Theo bà Anita Mehta Iyer, các CEO tham gia phỏng vấn cho rằng, 3 động lực bên ngoài quan trọng nhất trong vòng 3 năm tới đối với doanh nghiệp là thị trường, công nghệ và kinh tế vĩ mô. Trong đó, yếu tố thị trường là ngoại lực quan trọng hàng đầu, với tỷ lệ 56% công nhận của các CEO. Tiếp đến là nhân tố về công nghệ với tỷ lệ 39%.

Điều đáng nói ở đây là, nếu trong cuộc khảo sát năm 2004, nhân tố công nghệ chỉ được các CEO coi là ngoại lực quan trọng đứng hàng thứ 6, thì trong năm 2010, nhân tố công nghệ đã vươn lên đứng ở vị trí ngoại lực quan trọng đứng hàng thứ 2, sau yếu tố thị trường. Theo ông Võ Tấn Long, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, sự ảnh hưởng của công nghệ đã được các CEO coi như là một ngoại lực quan trọng để tạo cơ hội thành công cho doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu trên cũng đã được IBM công bố tại Việt Nam, với sự tham gia của số lượng khá lớn các CEO thuộc các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Theo ông Võ Tấn Long, đa phần các CEO cho rằng, nghiên cứu đã phần nào phản ánh được điều mà các CEO Việt Nam đang trăn trở. Đồng thời, các CEO Việt Nam cũng đóng góp thêm một số nhận định và ý tưởng táo bạo mà nghiên cứu chưa đề cập, như làm thế nào để đưa doanh nghiệp, hay thậm chí là đưa nền kinh tế Việt Nam, lên tầm cao hơn trong chuỗi giá trị; hay phải làm sao “đưa thuyền ra biển lớn” để thay đổi chính mình và nâng cao sức cạnh tranh… Đó cũng là những câu hỏi mà các CEO Việt Nam đang ấp ủ cho chính doanh nghiệp của mình.

(Theo Thanh Huyền // Báo đầu tư)

  • Fitch ratings hạ mức tính nhiệm: Chưa sâu sát, chưa xác đáng
  • CRA nói, ai nghe?
  • Giám đốc tài chính của Apple "đau đầu" vì nhiều tiền
  • Nhiều tổng công ty gánh nợ khó đòi
  • 6 CEO từ chức vẫn được nhận mức lương "khủng"
  • Thế “tam nan” của chính sách tài chính
  • Đọ thu nhập của các sếp công nghệ
  • CFO trước những thách thức lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com