Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gập ghềnh thương mại hóa ứng dụng

Chơi game Angry Birds trên điện thoại HTC. Ảnh: Thu Hiền.

Apple là đơn vị đầu tiên tạo nên ý tưởng thành lập kho ứng dụng di động App Store đang nhộn nhịp kẻ bán người mua. Theo bước Apple, các hãng Nokia, RIM, HTC, Samsung, Motorola và Acer cũng lần lượt cho ra mắt các kho ứng dụng của riêng mình...

Tại Việt Nam, các kho ứng dụng di động đang trong cuộc chạy đua ra mắt người sử dụng song dường như không khí mua bán vẫn chưa mấy nhộn nhịp dù rằng số lượng các nhà cung cấp nội dung khá đông đảo khi có sự góp mặt của các nhà mạng như Viettel, MobiFone, các nhà sản xuất điện thoại như FPT, Q-Mobile CMC hay các nhà phát triển giải pháp cho điện thoại di động độc lập như TMA. MobiTea, Tinh Vân…

Chưa có lợi nhuận

Theo các chuyên gia thì việc xây dựng kho ứng dụng di động ở Việt Nam được xem như là một sản phẩm giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thu phí người tiêu dùng cũng chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò thị trường, quảng bá sản phẩm. Cách thức bán sản phẩm ở các kho ứng dụng trong nước cũng tương tự các kho ứng dụng ở nước ngoài. Điều khác biệt chính là sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp nước ngoài khi họ nhạy bén với thị trường hơn và biết định giá nhanh sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng phòng quan hệ đối tác của Công ty TNHH Nội dung số FPT (FMA), đơn vị phát triển kho ứng dụng F-Store, cho biết F-Store ra đời từ tháng 5-2010 nhưng đến cuối năm nay, họ mới chính thức thương mại hóa một số ứng dụng.

Theo ông Luân, để thương mại hóa một ứng dụng cần phải có thời gian bởi người sử dụng Việt Nam vẫn chưa có thói quen trả tiền khi muốn sử dụng ứng dụng di động. Hầu hết vẫn thích dùng ứng dụng miễn phí. Tuy nhiên, nếu là ứng dụng tốt và đáp ứng nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng thì chắc chắn khả năng thương mại hóa sản phẩm không phải là quá thấp. Do đó, trong tương lai F-Store sẽ là một siêu thị ứng dụng trực tuyến mà ở đó người bán sẽ là nhà cung cấp ứng dụng, người mua sẽ tải ứng dụng và FPT sẽ đóng vai trò là đơn vị trung gian giữa người bán và người mua, chỉ thu phí như một phí giao dịch từ các đơn vị viết ứng dụng.

Để làm được điều này, FPT đã nâng mức đầu tư ban đầu từ 500.000 đô la Mỹ lên đến 10 triệu đô la và kỳ vọng sẽ chiếm 30-40% thị phần nội dung số trong nước, trong đó bao gồm ứng dụng di động.

Trong khi các nhà mạng hay nhà sản xuất điện thoại đang coi ứng dụng di động như một sản phẩm giá trị gia tăng, thì các nhà viết ứng dụng độc lập vẫn dấn thân vào thị trường dẫu biết rằng doanh thu từ ứng dụng di động hiện tại gần như là con số không.

Trung tâm giải pháp di động TMA (TMA Mobile Solutions) cho hay họ quyết định đầu tư cho mảng ứng dụng di động doanh nghiệp từ hai năm trước dù tiềm năng thương mại hóa còn rất khó khăn. Trong hai năm qua, trung tâm này đã cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp như Visual Yellow Pages (là ứng dụng tìm kiếm thông tin địa điểm bằng bản đồ mà không cần nhập thông tin địa điểm và từ khóa), ứng dụng Mobile Portal (kênh tiếp cận bán hàng và tiếp thị khách hàng), Biz SMS (ứng dụng báo giá và khảo sát giá…), Mobile Survey (tạo và gửi bảng câu hỏi đánh giá khách hàng)...

Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc của TMA Mobile Solutions, nói rằng họ đang cung cấp các giải pháp này miễn phí với mục đích thăm dò thị trường, và tùy theo sự phản hồi của thị trường mà TMA sẽ hoàn thiện sản phẩm hơn trước khi tiến tới việc thương mại hóa.

Hiện người sử dụng chưa có thói quen trả tiền là do số lượng ứng dụng không nhiều và cũng chưa có ứng dụng thực sự thiết thực. Nhiều người vẫn phải dùng phần mềm và ứng dụng của nước ngoài dù họ muốn dùng phần mềm và ứng dụng tiếng Việt.

Một trong những khó khăn nữa là người sử dụng cá nhân chưa được tiếp cận nhiều với các ứng dụng di động. Trong khi đó, khối doanh nghiệp cũng chưa quen với ứng dụng di động và cũng không biết chắc là nó có thể giúp ích cho công việc kinh doanh của họ hay không.

Gian nan chuyện bán hàng

Ngoài việc người tiêu dùng chưa có thói quen trả tiền cho ứng dụng di động, một trở ngại lớn khác là các nhà viết ứng dụng đang phụ thuộc quá nhiều vào kênh phân phối của các nhà mạng. Hầu hết họ cho rằng mạng di động là kênh phân phối nhanh nhất và phổ biến nhất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Song, họ chưa muốn bán ứng dụng cho nhà mạng do chưa có tiếng nói chung về tỷ lệ ăn chia doanh thu. Sự không đồng thuận khiến các nhà viết ứng dụng đang ngày càng rời xa nhà mạng.

Trong một diễn đàn về phát triển ứng dụng di động tổ chức vào năm ngoái, ông Kenny Mathers, Giám đốc Phát triển quan hệ châu Á-Thái Bình Dương (thuộc Diễn đàn phát triển Nokia), chia sẻ rằng với một ứng dụng cho điện thoại di động, trong khi ở thị trường Nhật Bản nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông hưởng lợi nhuận chỉ 8% thì tại Việt Nam hiện nay, con số này lại chênh lệch quá lớn, nhà mạng được hưởng tới 60-80%.

“Thực tế này chắc chắn sẽ tạo môi trường khó khăn cho các nhà phát triển nội dung tại Việt Nam, kìm hãm sự phát triển của họ”, ông Kenny Mathers nói.

Nói về tỷ lệ ăn chia lợi nhuận, một đại diện của nhà viết ứng dụng cũng nói thêm rằng hầu hết các nhà phát triển nội dung di động đang cố gắng tách rời nhà mạng, bởi ngoài việc ăn chia lợi nhuận chưa được như mong muốn thì bản thân nhà mạng đang là đối thủ cạnh tranh của họ khi có một đội ngũ viết ứng dụng khá mạnh.

Ông Cao Anh Sơn, Giám đốc Trung tâm VAS thuộc Công ty viễn thông Viettel, đơn vị đang phát triển kho ứng dụng Mstore, cho biết kho ứng dụng Mstore là do Trung tâm VAS của Viettel tự phát triển trên nền tảng phần cứng là hệ thống máy chủ sẵn có tại trung tâm. Nhờ đó, Viettel không mất chi phí đầu tư khi xây dựng Mstore và hầu hết các ứng dụng là do kỹ sư của Viettel phát triển.

Hiện Mstore có gần 900 ứng dụng và tiện ích, bao gồm Viettel Apps do chính Viettel phát triển. Đơn vị này cũng tự xây dựng các cổng thông tin riêng như Imuzik hay MobiTV.

Tìm lối đi riêng

Với kinh nghiệm của nhà sáng tạo giải pháp cho thiết bị di động, ông Hồng cho biết thực ra ứng dụng di động không nhất thiết phải gắn liền với nhà mạng, và nhà mạng chỉ là một kênh phân phối phổ biến dành cho các ứng dụng cơ bản. Còn đối với các ứng dụng đặc thù hơn thì cần một kênh phân phối chuyên biệt. Các nhà viết ứng dụng có thể xây dựng kênh phân phối trực tiếp hoặc thông qua các kênh khác như nhà cung cấp nội dung (Content Provider) hay qua các kho ứng dụng. Tùy theo đối tượng sử dụng mà nhà cung cấp ứng dụng di động có thể lựa chọn những kênh phân phối phù hợp nhất. Ví dụ, những phần mềm về từ điển hay phần mềm diệt virus hiện đang được phân phối trực tiếp đến các cửa hàng bán điện thoại di động như Viễn Thông A hay Thế Giới Di Động. Đây là kênh phân phối trực tiếp và dễ tiếp cận đúng đối tượng khách hàng nhất.

“Một trong những khó khăn của thị trường Việt Nam là thanh toán trực tuyến chưa phát triển mạnh, do đó việc cung cấp ứng dụng qua nhà mạng cũng sẽ gặp khó khăn chung này. Vì vậy, các nhà viết ứng dụng phải có các kênh và cách thức phù hợp để đưa sản phẩm ra thị trường chứ không nhất thiết phải phụ thuộc quá nhiều vào các nhà mạng như hiện nay”, ông Hồng nói.

Trên thực tế, TMA Solutions đang cung cấp sản phẩm và giải pháp của mình cho các nhà cung cấp nội dung. Và các sản phẩm được phân phối qua kênh nào thì sẽ do các nhà cung cấp nội dung quyết định, kể cả vấn đề giá cả cho người sử dụng.

Cách làm của TMA cũng đang được một số nhà phát triển ứng dụng di động như Sao Bạc Vina, MobiSoft áp dụng bởi theo họ, chỉ còn cách tìm đến nhà cung cấp nội dung để có tỷ lệ chia hợp lý hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà mạng và nhà viết ứng dụng đều tận dụng thế mạnh của mình để cạnh tranh lẫn nhau khiến thị trường có thể bị thu hẹp lại và phát triển thiếu bền vững. Lúc đó nhà viết ứng dụng sẽ gặp khó trong việc tìm nguồn vốn để đầu tư lâu dài, có chiều sâu cho các sản phẩm hay, thiết thực và phù hợp cho nhiều đối tượng. Dù khó khăn vẫn còn ở trước mắt, các nhà phát triển ứng dụng di động vẫn mong muốn có một thị trường lành mạnh, cởi mở và đủ lớn để các đối tác tham gia thấy được lợi ích của mình. Một khi thị trường đã lớn, nó sẽ dần kích thích sự sáng tạo của họ và thu hút các nhà đầu tư tham gia sâu rộng hơn nữa.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Khi nhà binh 'nhảy' sang kiếm tiền
  • Ngành vận tải biển: Không có lãi nếu không... bán tàu
  • Thời đại số: tương lai quyền lực là sự thông minh
  • Khi ngành phần mềm chuyển hướng
  • Chạy đua xây dựng kho ứng dụng di động
  • Bằng sáng chế: Tấm khiên và thanh kiếm
  • DN đóng tàu Hải Phòng... khởi sắc !
  • Các tập đoàn thua lỗ, do đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com