Cạn kiệt nhuệ khí là tình trạng sút giảm tinh thần làm việc. Đôi khi tình trạng này do tự cá nhân gây ra, nhưng trong nhiều trường hợp đó là kết quả của văn hóa nơi làm việc.
Tình trạng cạn kiệt nhuệ khí thường bộc lộ qua hiệu suất làm việc thấp hơn và sự bất mãn về công việc, ít tận tụy đối với tổ chức, và có mục đích mạnh mẽ để "làm một điều gì đó khác đi".
Cạn kiệt nhuệ khí thường do phải thường xuyên làm việc trong những tình huống có nhiều đặc điểm tiêu cực như:
* Làm việc quá tải
* Yêu cầu mâu thuẫn (ví dụ: "cần phải tư duy và sáng tạo nhưng không được phạm sai lầm")
* Nhiệm vụ buồn tẻ
* Quá ít phần thưởng thực tế (tiền thưởng, giờ nghỉ thêm…)
* Đóng góp của nhân viên ít được thừa nhận
* Không đạt được thành công rõ ràng theo sự nhìn nhận của nhân viên
Rõ ràng cạn kiệt nhuệ khí không hẳn là do làm việc quá nhiều thời gian. Một người có thể làm việc rất nhiều vẫn cảm thấy đầy nhiệt huyết. Thực ra, hầu hết mọi người cạn kiệt nhuệ khí khi họ cảm thấy nhiều căng thẳng hơn là được hỗ trợ trong công việc. Điểm tồi tệ nhất của hội chứng này là chính những nhân viên có năng lực và tận tụy nhất lại dễ bị rơi vào tình trạng này nhất.
Các nhà quản lý đôi khi cũng góp phần gây ra tình trạng cạn kiệt nhuệ khí làm việc mà không nhận thức được điều đó. Xu hướng tự nhiên của họ là giao tất cả những dự án quan trọng cho số ít những người có năng lực. "Tôi không thể tin tưởng nếu giao cho người khác làm việc này" là lời biện hộ phổ biến nhất của các nhà quản lý này. Và khi những nhân viên này hoàn thành xuất sắc các dự án đó, cấp trên của họ lại ngay lập tức giao cho họ công việc khác! Trong khi đó, những nhân viên cẩu thả và lười biếng vẫn nhàn nhã, thong dong. Và liệu những con người vất vả kia có được thăng tiến vì thành tích xuất sắc của mình hay không? Không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra. Nếu họ được thăng tiến thì chẳng còn ai ở lại để giải quyết những công việc quan trọng này.
Sau đây là một số phương pháp để giải quyết tình trạng cạn kiệt nhuệ khí làm việc:
* Lập kế hoạch bố trí nhân sự lâu dài. Kế hoạch này nên bảo đảm một nhóm có đủ người phù hợp để làm việc.
* Xem xét bố trí lại nhân viên trong nội bộ công ty. Nếu bạn không thường xuyên đổi chậu cho cây thì rễ sẽ bị dồn nén và ngưng phát triển. Nhân viên cũng vậy - họ cần những thách thức mới để duy trì động lực thúc đẩy và sự tận tâm.
* Tạo ra sự đa dạng nơi làm việc. Sự bố trí lại trong nội bộ có thể không cần thiết nếu bạn tìm được cách để biến đổi nhiệm vụ và trách nhiệm. Chẳng hạn như bạn có thể giao cho một người trong phòng bạn trách nhiệm chỉ đạo một dự án của nhóm trong sáu tháng tới trước khi luân phiên chuyển giao nhiệm vụ đó cho người khác. Một người khác có thể tạm thời đảm nhận trách nhiệm bảo dưỡng thiết bị tại khu vực làm việc của bạn. Chỉ cần chắc chắn rằng những nhiệm vụ bổ sung đó phù hợp với mục tiêu công việc của cá nhân và được thực hiện nghiêm túc. Thay vì chuyển các trách nhiệm vòng quanh công ty như những quân cờ, hãy nghĩ về những gì có thể là cơ hội tốt nhất cho nhân viên và nhấn mạnh bất kỳ lợi ích về phát triển nghề nghiệp nào do những cơ hội này mang lại.
* Thường xuyên kiểm soát khối lượng công việc. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những nhân viên có hiệu suất làm việc hàng đầu của bạn. Một hãng kế toán lớn đã thực hiện điều này bằng cách rà soát lịch trình đi công tác để xác định những nhân viên phải đi công tác quá thường xuyên hoặc phải đón nhận quá nhiều dự án. Nếu nhận thấy nhân viên của bạn rơi vào tình trạng này, bạn hãy lưu tâm đến công việc của họ. Điều này đem lại cho nhân viên cảm giác được hỗ trợ. Sau đó bạn hãy làm một điều gì đó để thay đổi kế hoạch, tính chất công việc để tránh cho nhân viên rơi vào tình trạng kiệt sức.
* Xem xét thiết kế lại công việc. Khi nhận thấy một nhân viên có năng lực có những dấu hiệu cạn kiệt nhuệ khí làm việc, hãy xem lại bản mô tả công việc của người đó. Các nhiệm vụ và trách nhiệm công việc có thể vượt khả năng nhân viên, ngay cả khi đó là một người có năng lực. Trong trường hợp này, hãy trao đổi với phòng quản lý nguồn nhân lực và nhân viên để thiết kế lại công việc.
Trên hết, hãy là một người chủ động quan sát và biết lắng nghe. Hãy đón nhận những lời kêu gọi giúp đỡ như: "Sao dạo này tôi chẳng thể tập trung cho công việc được nữa!", "Công việc thật là căng thẳng", hay "Tôi lại phải làm thêm vào cuối tuần nữa rồi"... Sau đó hãy tìm cách cải thiện tình hình.
Nguồn: Kỹ năng thương lượng - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Bài thuộc chuyên đề: Kỹ năng thương lượng - Bí quyết thành công
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com