Tăng trưởng quốc gia là tổng hợp tăng trưởng của nền kinh tế đã công ty hóa, các hộ gia đình, các nền kinh tế chưa chính thức hóa (chưa tiền tệ hóa đầy đủ và khó tính toán vào sản lượng chung). Động học tăng trưởng là phép so sánh với chỉ số thời gian về sản lượng gia tăng, thường là quy đổi tiền.
Ở góc độ vi mô, sự tách biệt với các chỉ số vĩ mô đôi lúc rất lớn. Lý do chính của hiện tượng này là do khả năng tiếp cận với mẫu đại diện, độ chính xác thống kê. Việc thống kê ở góc độ vi mô có ý nghĩa rất quan trọng, vì các lý do sau:
(i) Sự chênh lệch với các biến gộp vĩ mô bản tự phản ánh góc nhìn sâu sắc của ngành nghề cụ thể. Các biến gộp vĩ mô thường ít giá trị với hành động cụ thể của từng đơn vị sản xuất, và từng cá nhân ra quyết định. Bản thân biến vĩ mô cũng có tác động lớn, nhưng ngay với trường hợp như Thị trường chứng khoán (thông tin có tác động nhanh, nhạy cảm và ảnh hưởng quy mô rộng) thì tác động đó cũng rất ngắn hạn theo hiệu ứng EMH, hoặc tắt dần rất rõ (khi tồn tại các ngưỡng kiểm soát quá trình cân bằng).
(ii) Động học vi mô quyết định kết cục vĩ mô. Thống kê thường tới muộn, và chỉ phản ánh bằng thước phim quay lại, sau khi các diễn biến vi mô đã xảy ra.
(iii) Sự điều chỉnh hành vi vi mô có thể được thực hiện nhanh, gắn liền với nhận thức và không phải khi nào cũng phải đòi hỏi độ chính xác, kỹ lưỡng. Còn các điều chỉnh vĩ mô sẽ lâu, qua nhiều quyết định và sự soát xét rất kỹ lưỡng, cần rất nhiều thông tin, đặc biệt phải đặt trong một yêu cầu khắt khe: Đảm bảo cân đối vĩ mô.
(iv) Các thay đổi hành vi vi mô có bản chất phản ánh kỳ vọng tương lai.
Việc các báo điện tử ở Việt Nam ngày nay có nhiều khảo sát online là một bước tích cực và ý nghĩa để cung cấp các thông tin, hình thành động học vi mô, phản ánh giao dịch thị trường. Đây là bước tiến rất xa nếu chúng ta thừa nhận rằng trước năm 2003, rất ít tờ báo uy tín ở Việt Nam thực sự có hệ thống điện tử hoạt động hiệu quả.
Một ví dụ cụ thể là trường hợp của VNEconomy sau khi đổi mới hệ thống điện tử. Hệ thống hiện tại, dù điều tra chưa hẳn có hệ thống và dữ liệu cũng chỉ đáp ứng một phần, nhưng đã đem lại những bức tranh đáng quan tâm. Chúng ta cùng xem xét thử.
Kết quả khảo sát tại giữa tháng 3-2010 của câu hỏi: "Triển vọng doanh nghiệp của bạn trong năm 2010 như thế nào?" cho biết tỷ lệ trả lời như sau:
Nhiều khả năng vẫn tiếp tục phát triển tốt: 222 (39%)
Vẫn có thể duy trì tăng trưởng, nhưng ở mức thấp hơn năm ngoái: 107 (19%)
Sẽ gặp nhiều khó khăn lớn, nhưng hy vọng sẽ vượt qua: 148 (26%)
Có thể phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh trong một thời gian 22 (4%)
Có nguy cơ phá sản: 70 (12%)
Trong khi đó, kết quả này có thể được xem xét mức dịch chuyển so với một điều tra tương đương của năm 2009, dưới đây:
Nhiều khả năng vẫn tiếp tục phát triển tốt: 489 (15%)
Vẫn có thể duy trì tăng trưởng, nhưng ở mức thấp hơn năm ngoái: 659 (20%)
Sẽ gặp nhiều khó khăn lớn, nhưng hy vọng sẽ vượt qua: 1041 (31%)
Có thể phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh trong một thời gian: 317 (9%)
Có nguy cơ phá sản: 865 (25%)
Sự lạc quan trong số trả lời tăng từ 35% của 2009 lên mức 58% quý 1-2010. Ở phía đối diện, nguy cơ gián đoạn và phá sản kinh doanh, theo nhận thức chung (được đại diện bằng khảo sát) giảm mạnh từ 34% năm 2009 xuống 16% 2010.
Tất nhiên, những nhà quan sát khó tính có thể cho rằng sự nghiêm túc, bản thân chất lượng và độ chính xác của đánh giá cá nhân, và vị thế người trả lời (vốn rất khó xác định trong các khảo sát online) sẽ cản trở độ chính xác cuối cùng của kết cục đưa ra. Nhưng cũng cần nhận thấy rằng, có thể giả định - mà không đánh mất tính tổng quát của điều tra thống kê qua mạng - rằng hầu hết những người trả lời nếu không là chủ, người quản lý thì cũng là người lao động của doanh nghiệp. Những thông tin nội bộ có được đã chuyển tải thành đánh giá cuối cùng. Chắc chắn chúng tạo ra một xu hướng, mà khi so sánh sự thay đổi qua thời gian, chúng có được một động học vi mô hữu ích.
Tương tự như vậy, một cặp khảo sát "gần như" lặp lại khác của VNEconomy về lựa chọn kênh đầu tư được trình bày dưới đây:(*)
Gửi ngân hàng: 17% (1); 10% (2)
Chứng khoán: 35% ; 44%
Vàng: 15% ; 11%
Ngoại tệ: 7% ; 4%
Bất động sản: 14% ; 21%
Mua bảo hiểm: 2% ; --
Sản xuất-kinh doanh 7% ; 10%
Đầu tư khác 3%; --
Sự thay đổi có thể giải thích hiện tượng thu hút vốn ngân hàng khó thời gian vừa qua, và dẫn tới tình trạng sức ép tăng lãi suất tiền gửi cao hơn, ít nhất là về xu hướng: Giảm tiền gửi ngân hàng. Sự sẵn sàng cho đầu tư chứng khoán cũng cao hơn, cùng xu hướng với đầu tư (đầu cơ) bất động sản. Riêng nhóm sản xuất-kinh doanh không có nhiều cải thiện về xu hướng, nếu điều chuyển đầu tư khác và bảo hiểm (thường có liên quan tới sản xuất-kinh doanh) vào nhóm này của điều tra.
Những biến đổi của quá trình động học nói trên liên quan trực tiếp tới dự kiến của bản thân người tiêu dùng và xã hội về các biến vĩ mô, chẳng hạn như kết quả khảo sát "Theo bạn, kết thúc năm 2010, lạm phát tại Việt Nam sẽ đứng ở mức nào?"
Dưới 7%: 124 (7%); Từ 7-9%: 465 (27%); Trên 9%: 1104 (66%)
Với sự gần đồng thuận mức lạm phát theo đánh giá bản thân có khả năng vượt trên 9%, thì lãi suất tiền gửi các ngân hàng thương mại đang đưa ra không thể gọi là hấp dẫn. Để có thể được gọi là hấp dẫn, mức này phải vượt cao hơn lũy tích lạm phát dự kiến của số đông cộng thêm mức bù rủi ro của ít nhất là lãi suất tiền gửi đồng USD - có mức 3,20%/năm cho kỳ hạn tiết kiệm 3 tháng (Vietcombank).
Để tiến hành thêm chút phân tích thống kê, chúng ta giả sử lựa chọn tỷ lệ phân phối lựa chọn của bạn đọc làm xác suất gán cho kết cục lạm phát đồng thuận. Lấy các mức 7%, 8% là cố định cho hai câu trả lời thứ nhất. Cho mức cuối cùng chiếm số đông làm biến chuyển động trên nguyên tắc quen thuộc của kinh tế học "ceteris paribus". Chúng ta sẽ có các mức đồng thuận giả định (kèm theo mức thay đổi của biến lạm phát câu trả lời thứ ba), theo các trạng thái, tính theo điểm phần trăm: 8,59 (9); 8,92 (9,5); 9,25 (10) và 9,58 (10,5).
Nói cách khác, để đảm bảo hấp dẫn, mức huy động lãi suất các ngân hàng phải rơi vào khoảng trên 11,5%/năm trở lên với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Để có thêm chi tiết ta xét lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng của theo công bố của Vietcombank ngày 13-3 là 10,49% (VND) và 3,2% (USD). Ở mức kỳ vọng lạm phát thấp nhất, lãi suất VND 3 tháng phải đạt 11,79% và ở mức cao nhất (của phép tính giả định tại đây): 12,78%. Rõ ràng không thấy sức hấp dẫn với lãi suất tiền đồng của ngân hàng, vì ở dưới các cận này, tình trạng đô-la sẽ gia tăng vì lợi ích của người gửi tiền. Từ quan sát chuyển động vi mô này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu chứng khoán và bất động sản được hưởng lợi từ sự dịch chuyển ý thức đầu tư vừa xét.
(1) Năm 2009; (2) 2010.
(*) Nói là "gần như" vì các câu hỏi không trùng khớp hoàn toàn giữa hai lần khảo sát.
(Vebimo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com