Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 3)

Lúc nào cũng thế, cuộc tranh luận về vai trò của Washington trong việc thúc đẩy sáng tạo đã thoái hóa thành một cuộc chiến giữa hai thái cực: phe ủng hộ tự do kinh doanh và nhóm chủ trương tán thành chính sách công nghiệp tập trung. Lắng nghe họ, bạn sẽ nghĩ không có không có một đường lối trung dung nào ở đây cả.

Những việc chính phủ nên làm

Nhưng lịch sử lại nói khác. Dù nước Mỹ có thể là một nền kinh tế định hướng thị trường nhất thế giới, nhưng có một khoảng thời gian dài chính quyền liên bang, hay ở cấp thấp hơn là, chính quyền các bang giữ vai trò trung tâm trong việc xúc tiến các sáng kiến công nghệ. Đầu thế kỷ XX, các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp do chính quyền bang lập nên giữ vai trò phương tiện phát triển các phát minh như loại ngô lai có năng suất rất cao.

Trong hai thập niên 1950 và 1960, Bộ Quốc Phòng Mỹ (DOD) cũng khuyến khích các phát minh liên quan đến chất bán dẫn thông qua những chương trình mua lại phát minh hoặc nghiên cứu trọng điểm. Từ thập niên 1960 đến 1980, các dự án nghiên cứu do DOD và NASA tài trợ đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các năng lực kỹ thuật và khoa học của Mỹ trong nhiều lĩnh vực như thiết kế chip điện tử, kỹ thuật hàng không và thông tin liên lạc qua vệ tinh.


Dĩ nhiên không phải tất cả các chương trình của chính phủ đều thành công. Điển hình cho thất bại là chương trình giao thông vận tải siêu thanh trong thập niên 1960 và các sáng kiến về năng lượng nhiệt mặt trời và năng lượng tổng hợp từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980. Nhìn chung, chính phủ thể hiện hiệu quả vai trò hỗ trợ quá trình sáng tạo khi hành động như một khách hàng tìm kiếm giải pháp cho một nhu cầu cụ thể và chính đáng hay khi đóng vai trò một người bảo trợ cho những nghiên cứu cơ bản hoặc ứng dụng có tiềm năng áp dụng rộng rãi.

Ngược lại, vai trò hỗ trợ sáng tạo của chính phủ sẽ thất bại khi không có sự cam kết của người dùng cho đầu ra sản phẩm hoặc khi mạo hiểm với những giải pháp kỹ thuật chưa được kiểm chứng đòi hỏi rất nhiều hiểu biết về các ứng dụng thương mại hay thực tế thị trường, những thông tin không phải lúc nào cũng sẵn có. Dựa trên cơ sở này, chúng tôi đề xuất ba khuyến nghị lớn nhằm giúp Washington kiến thiết lại công sản công nghiệp của Mỹ:

Gia tăng đầu tư cho khoa học cơ bản và ứng dụng

Có thể chia các hoạt động sáng tạo thành ba nhóm lớn mà giới hạn giữa chúng khá mơ hồ. Nghiên cứu khoa học cơ bản nhằm đào sâu hiểu biết của chúng ta về các nguyên lý cơ bản như cơ chế di truyền điều chỉnh quá trình phát triển và phân chia tế bào. Nghiên cứu ứng dụng nhằm mở rộng tri thức để giải đáp từng câu hỏi riêng biệt về các vấn đề của thế giới thực, như là các gen cụ thể nào liên quan đến ung thư. Còn nghiên cứu và phát triển thương mại lại tập trung tìm kiếm các giải pháp thị trường - ví dụ khám phá, phát triển và thử nghiệm một loại dược phẩm điều trị chứng ung thư. Chúng ta có thể nghĩ rằng nghiên cứu ứng dụng như một chiếc cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu và phát triển thương mại.

Từ lâu, chính phủ Mỹ đã ủng hộ chính cho các nghiên cứu cơ bản và là nhà tài trợ chính cho các nghiên cứu ứng dụng. Trên thực tế, không quốc gia nào đầu tư vào nghiên cứu cơ bản nhiều như Mỹ từ sau Thế Chiến thứ II, và 7% nguồn ngân sách tài trợ đến từ chính quyền liên bang. Từ năm 1953 đến nay, thông qua các cơ quan như Quỹ Khoa học tự nhiên và Viện Sức khỏe quốc gia, chính quyền Washington đã chi tổng cộng 1,2 nghìn tỷ USD, đã điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, cho các hoạt động nghiên cứu.

Thông qua việc tài trợ cho tri thức, hỗ trợ các nhà khoa học và nhân sự kỹ thuật trình độ cao, và cam kết tài trợ các viện đại học nghiên cứu hoạt động như các nam châm thu hút phòng thí nghiệm của những công ty tư nhân khác, sự hỗ trợ này có ý nghĩa khích lệ tối quan trọng cho những sáng tạo mang tính thương mại ở Mỹ. (Chúng tôi không thể diễn tả hết tầm quan trọng của các viện đại học đẳng cấp quốc tế trong việc xây dựng một công sản công nghiệp. Thung lũng Silicon sẽ không có được ngày hôm nay nếu không có sự hiện diện của các trường đại học như Standford và Berkeley.)

Tuy nhiên, nếu nguồn quỹ tài trợ cho các nghiên cứu khoa học cơ bản của chính quyền Mỹ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, gia tăng một cách ổn định trong thập niên 1990 thì sang năm 2003, nó bắt đầu giảm sút và giữ nguyên hoặc tiếp tục giảm nhẹ từ đó đến nay. Đó là một xu hướng đáng lo ngại.

Ngân sách tài trợ của chính phủ cho các nghiên cứu ứng dụng thậm chí còn giảm mạnh hơn.Trước đây, ngân sách liên bang phân bổ cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng theo một tỷ lệ khá cân bằng, phản ánh tầm quan trọng tương đương giữa hai loại nghiên cứu này. Tuy nhiên, từ sau năm 1990, tình hình không còn như trước: tài trợ của chính phủ dành cho nghiên cứu ứng dụng đã giảm 40% từ năm 1990 đến 1998. Cho dù sau đó ngân sách dành cho nó có tăng trở lại nhưng vẫn dậm chân tại chỗ trong những năm gần đây và vẫn thấp hơn rất nhiều so với khoản tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản.



Biểu đồ so sánh tài trợ của chính quyền liên bang Mỹ cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Đây thực sự là vấn đề bởi sự hỗ trợ của chính phủ cho nghiên cứu ứng dụng hay nghiên cứu cơ bản đều có ý nghĩa như nhau đối với lợi thế cạnh tranh của nền công nghiệp Mỹ. Trong ba thập niên gần đây, nhiều chương trình do chính phủ tài trợ đã thực sự tạo nên khác biệt khổng lồ như Chương trình phát triển phần mềm VLSI và Sáng kiến Điện toán chiến lược của DARPA; công trình nghiên cứu vật liệu composite do DOD và NASA tài trợ; dự án siêu máy tính và NSFNET do NSF rót vốn (một đóng góp quan trọng cho sự hình thành internet); và Hệ thống định vị toàn cầu do DOD hỗ trợ.

Trong hầu hết các trường hợp, các chương trình này đều đòi hỏi một cam kết lâu dài. Lấy internet làm ví dụ, bắt đầu từ thập niên 1960, quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ này phải trải qua nhiều thập niên ròng rã sau khi cơ quan phụ trách các dự án cao cấp của chính quyền liên bang ARPA (về sau trở thành một bộ phận của DOD và đổi tên thành DARPA) ban hành một công văn yêu cầu xây dựng một mạng máy tính chung cho bốn văn phòng.

Việc xây dựng internet hầu như hoặc hoàn toàn không đòi hỏi bất kỳ nghiên cứu cơ bản mới nào. Ngược lại, nó rất cần những khoản đầu tư đáng kể cho các nghiên cứu ứng dụng về chuyển đổi các vi mạch, các định chuẩn trao đổi thông tin và cơ sở hạ tầng mạng - những khoản đầu tư mà khu vực tư nhân khó thực hiện bởi thời gian kéo dài mà lại khó kiểm soát lợi ích nó mang lại. Dự án này đã khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu của nhiều công ty và viện đại học, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các năng lực nền tảng liên quan đến hệ thống mạng, kéo theo nhiều phát kiến như bộ định tuyến đa định chuẩn, và sau cùng là sự ra đời của một số công ty, trong đó có Cisco Systems, Juniper Networks, và Extreme Networks.

Nước Mỹ không thể tự mãn. Chính phủ các nước khác như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đang tích cực hỗ trợ hoặc xây dựng các viện đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Họ cũng đầu tư rất mạnh vào khoa học ứng dụng với hy vọng sẽ tiếp bước Đài Loan, nơi có nền công nghiệp chất bán dẫn được xây dựng rất thành công dựa trên nền tảng mà Viện nghiên cứu công nghệ phục  vụ công nghiệp (Industrial Technology Research Institute) của nước này tạo dựng.

Tập trung nguồn lực để giải quyết "những thách thức chính"

Thay đổi khí hậu, sự phụ thuộc vào các nguồn hydrocarbon đắt đỏ (chủ yếu là dầu hỏa) gây ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch, bệnh dịch - là những khó khăn chính mà thế giới đang đối mặt vốn đòi hỏi nhiều cải tiến cơ bản về tri thức để giải quyết. Chính phủ thường được xem là nơi duy nhất có thẩm quyền huy động và điều phối nguồn lực cần thiết từ nhiều tổ chức để đối phó với những thách thức này.

Chẳng hạn vào thời điểm cực thịnh, ARPA nhận được sáng kiến đóng góp về hệ thống mạng từ hàng chục công ty tư nhân và viện đại học. Nhờ tầm nhìn của Bộ Năng lượng và Viện Sức khỏe quốc gia, Dự án bản đồ gen người thu hút sự tham gia của nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.

Những nỗ lực tổng hợp được chính phủ tài trợ như thế mang đến hai lợi ích. Đầu tiên, chúng tận dụng và mở rộng các nguồn lực: Một đôla chi cho nghiên cứu sẽ mang lại hiệu quả rất lớn nếu thành quả của nó được chia sẻ rộng rãi. Thứ hai, chúng giúp hình thành các mạng lưới cộng tác viên đa ngành và đa lĩnh vực mà có khả năng thiết lập một nền tảng cho công sản công nghiệp.

Nhưng không may, quy trình cấp phép nguồn vốn tài trợ ở Mỹ thường chuộng các dự án ít rủi ro và lãi cao ("khoa học thông thường") hoàn toàn phù hợp với các lĩnh vực học thuật lâu đời, và không mấy quan tâm đến những nghiên cứu rủi ro nhiều nhưng lợi nhuận cao vốn có khả năng gợi mở nhiều ngành khoa học mới. Để khắc phục sự phân biệt này, quy trình tham chiếu cách thức ra quyết định cấp phép tài trợ của các cơ quan như NSF và NIH cần được sửa đổi.

Hiện tại, những quyết định này được đưa ra bởi một ban hội thẩm gồm những nhà khoa học kinh viện thuộc các chuyên ngành khác nhau. Thay vì thế, các nhóm chuyên gia của nhiều lĩnh vực từ học thuật đến kinh doanh, và các nhóm xây dựng chính sách nên là người lựa chọn bài toán và quyết định đâu là cách tốt nhất để cơ cấu những chương trình nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để tìm kiếm giải pháp. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nó giúp những chuyên gia hoạch định chính sách của chính phủ có nền tảng khoa học vững chắc khi đưa ra các quyết định trên (đó là những gì Đài Loan và Singapore đã và đang thực hiện).

Dám hy sinh những gã khổng lồ yếu ớt

Chính phủ khắp thế giới đã cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính khổng lồ cho các công ty công nghiệp gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Khi chúng tôi viết bài báo này, quốc hội Mỹ và chính quyền Obama đang cân nhắc giữa việc cứu tập đoàn GM đang chao đảo hay cứ để mặc nó phá sản. Chúng tôi phản đối ý kiến hỗ trợ. Những trường hợp các công ty quá quan trọng nên không thể sụp đổ vì lợi ích quốc gia (an ninh quốc gia) hay vì những tác động có hệ thống (ví dụ tác động của các công ty lớn như AIG hay Citigroup lên thị trường tài chính khi chúng sụp đổ) thường khá hiếm hoi. Và ngành công nghiệp sản xuất ôtô không nằm trong số đó.

Những người biện hộ cho các khoản hỗ trợ dành cho các công ty sản xuất ôtô lập luận rằng, bên cạnh việc tạo ra khối lượng việc làm lớn cho nền kinh tế, lý do cốt yếu để chính phủ tiếp tục "chống lưng" cho họ chính là để bảo tồn nền tảng cung ứng. Mất đi những "gã khổng lồ" này, họ lý luận, bạn sẽ mất đi những ngành công nghiệp tiếp liệu (feeder industry) (như công cụ máy móc, chế tạo kim loại mới, ép khuôn...) vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền móng công nghiệp của một quốc gia. Chúng tôi không đồng tình và có hai lý do để tin rằng tác động tiềm tàng đến công sản công nghiệp của nước Mỹ đã bị thổi phồng quá đáng.

Đầu tiên, các công ty thất bại là do quản lý tồi hay chiến lược sai lầm khiến họ mất dần sinh khí ngay trong công sản công nghiệp mà họ đang tham gia, và những khoản cứu trợ của chính phủ gần như không bao giờ thành công trong việc phục hồi toàn vẹn sức khỏe của các công ty này. Thật ra, một trong những nguyên nhân khiến các công ty ôtô Mỹ lâm vào cảnh khó khăn hiện tại chính là thất bại của họ trong việc nuôi dưỡng một công sản ngành vững chãi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa cách quản lý nền tảng cung ứng của các công ty Mỹ và Nhật.

Ví dụ Toyota luôn thấu hiểu khái niệm công sản ngành. Họ đối xử với nhà cung ứng như một đối tác dài hạn, chia sẻ những dự án phát triển và giữ quan hệ làm ăn trong một thời gian dài. Khi một nhà cung ứng của Toyota gặp khó khăn, lập tức Toyota cử người đến hỗ trợ. Ở một thái cực hoàn toàn đối lập, nhìn chung các công ty ôtô của Mỹ xem nhà cung ứng của mình như kẻ địch và cố gắng kiểm soát họ hết sức chặt chẽ. Họ chỉ chào mời các nhà cung ứng những hợp đồng ngắn hạn và thường dựa vào yếu tố giá cả để thực hiện các quyết định mua bán. Khi một nhà cung ứng gặp nguy, động thái chung của các công ty ôtô Mỹ là chấm dứt hợp đồng.

Thứ hai, cuộc tranh luận về các gói cứu trợ (ở cả Mỹ và châu Âu) hoàn toàn bỏ qua bản chất toàn cầu của ngành sản xuất ôtô và sự đóng góp của các công ty có trụ sở ở nước ngoài vào công sản công nghiệp của Mỹ. Không phải công ty nào trong thị trường sản xuất ôtô Mỹ cũng đều mất trí. Có nhiều công ty rất ăn nên làm ra mà hầu hết đều thuộc quyền sở hữu và do các công ty có trụ sở ở nước ngoài như Toyota, Honda, Nissan và BMW vận hành. Những công ty này đang đóng góp cho công sản công nghiệp của Mỹ.

Nếu có thể làm gì đó thì Washington nên khuyến khích các công ty nước ngoài tham gia nhiều hơn vào công sản công nghiệp Mỹ. Có thể kể đến một trường hợp đang hiện hữu: thương vụ Fiat-Chrysler nhằm giải cứu Chrysler. Tập đoàn của Ý đã đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ diesel tiết kiệm nhiên liệu cho Chrysler để đổi lấy một lượng cổ phần đáng kể - họ đóng góp đúng loại công nghệ sạch mà chính quyền Obama muốn nước Mỹ theo đuổi. Trớ trêu thay, một số người trong quốc hội phản đối bản hợp đồng này bởi vì họ không muốn dùng tiền đóng thuế của người dân để làm giàu cho một công ty "nước ngoài". Rốt cuộc họ vẫn không hiểu.

(Theo Hoàng Đăng//Gary P. Pisano và Willy C. Shih//Tuần Việt Nam)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 2)
  • Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 4)
  • Suy thoái tác động ra sao đến sức mua của người tiêu dùng?
  • Giàu có và hạnh phúc liệu có song hành?
  • Thời kỳ thịnh vượng mới
  • Bản chất tương tác xã hội của giá trị
  • Địa vị Doanh nhân
  • Gói kích thích kinh tế - Lớn và lớn hơn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com