Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 2)

Nhiều thế kỷ trước, người ta xem “công sản” là đất chăn nuôi gia súc của cộng đồng, ngay từ tên gọi, nó mang hàm ý không thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tất cả đều hưởng lợi. Các ngành công nghiệp cũng có công sản - nền tảng cho sáng tạo và cạnh tranh, có thể là bí quyết R&D, kỹ năng phát triển quy trình, kỹ thuật hiện đại và năng lực sản xuất gắn liền với một công nghệ riêng biệt.

Thế giới không phẳng

Những nguồn tài nguyên nói trên có vai trò vô cùng quan trọng với nhiều công ty và viện đại học. Ví dụ, kiến thức và các kỹ năng về phần mềm có ý nghĩa sống còn đối với các ngành máy móc thiết bị, dụng cụ y khoa, thiết bị theo dõi động đất, ô tô, máy bay, máy vi tính, điện tử gia dụng, quốc phòng... Tương tự, những năng lực gắn liền với quy trình tạo màng mỏng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quang học, các sản phẩm điện tử như chất bán dẫn và ổ đĩa máy tính, các thiết bị công nghiệp, quá trình đóng gói, bảng năng lượng mặt trời, các công nghệ hiển thị hiện đại...

Kiến thức, kỹ năng và thiết bị gắn liền với quá trình phát triển và sản xuất vật liệu hiện đại chính là công sản cho nhiều ngành kỹ thuật như hàng không, ôtô, thiết bị y tế và sản phẩm tiêu dùng. Công nghệ sinh học cũng là công sản, không chỉ cho ngành dược phẩm mà còn cho nông nghiệp và ngành năng lượng thay thế đang phát triển.

Thông thường, một công sản công nghiệp đặc thù sẽ được hình thành theo khu vực địa lý. Ví dụ Bắc Ý là cái nôi của công sản thiết kế hỗ trợ và được hỗ trợ bởi nhiều lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi hàm lượng thiết kế cao như ôtô, nội thất, thời trang và sản phẩm gia dụng. Công sản cơ khí - kỹ thuật ở Đức gắn bó chặt chẽ với công nghiệp ôtô và chế tạo máy.

Chính đặc tính địa lý của công sản công nghiệp giúp giải thích vì sao các công ty hoạt động cùng ngành có xu hướng tập trung tại một số khu vực nhất định - hiện tượng co cụm. Khoảng cách về mặt địa lý với công sản công nghiệp có thể là một lợi thế cạnh tranh.

Thế giới không phẳng? Ảnh: voipinfotech.com

Thế còn quan điểm cho rằng khoảng cách và vị trí địa lý ngày nay không còn quan trọng nữa, hay nói như Thomas Friedman - "Thế giới là phẳng"? Chúng ta hoàn toàn nhất trí với quan điểm phổ biến rằng các rào cản địa lý của thương mại đang giảm dần và nền kinh tế toàn cầu ngày càng gắn kết hơn bao giờ hết, nhưng có bằng chứng cho thấy khi nói về tri thức, khoảng cách thực sự là vấn đề cần lưu tâm. Một nghiên cứu chi tiết theo kinh nghiệm về dòng chảy tri thức giữa các nhà phát minh do Lee Fleming, một đồng nghiệp của chúng tôi tại HBS, thực hiện đã khẳng định rằng: lân cận về khoảng cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Lấy ví dụ, một kỹ sư ở Thung Lũng Silicon thường chia sẻ ý tưởng với các kỹ sư khác ở Thung Lũng Silicon hơn là với những kỹ sư ở Boston. Điều này không quá bất ngờ bởi nhiều kiến thức kỹ thuật, kể cả các môn khoa học cứng, thường rất khó diễn đạt nên giao tiếp trực diện sẽ giúp truyền đạt kiến thức hiệu quả hơn. Những nghiên cứu khác còn cho thấy kiến thức lan tỏa từ công ty này sang công ty khác nhờ hiện tượng nhảy việc của nhân viên. Ngay cả trong một xã hội hay thay đổi như Mỹ, rất nhiều trường hợp nhảy việc diễn ra trong quy mô nội bộ địa phương.

Điều này lý giải vì sao công sản vẫn tiếp tục tồn tại ở một số nơi riêng biệt trong một kỷ nguyên mà người ta có thể dễ dàng truy cập vô vàn dữ liệu khoa học từ khắp nơi. Ví dụ, gần như mọi dữ liệu thô từ Dự án Bộ gen người, công trình được thực hiện trong hơn một thập niên để lập bản đồ gen của người, đều có phiên bản điện tử và có thể truy cập dễ dàng trên khắp thế giới nhưng các công trình nghiên cứu y khoa mà dự án ấy khơi nguồn đa số tập trung ở Boston, San Diego và San Francisco.

Khi công sản công nghiệp đã bén rễ ở một khu vực, sẽ có một chu trình mạnh mẽ hỗ trợ tốc độ tăng trưởng của nó. Các chuyên gia chọn những nơi này làm điểm đến bởi đó là thế giới của công việc và tri thức. Các công ty cũng hành động tương tự để thu hút nhân tài, sống trong lòng sự tiến bộ, gần các nhà cung ứng và đối tác tiềm năng. Ví dụ tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ Novartis đã dời trụ sở nghiên cứu từ Basel, Thụy Sĩ đến Cambridge, Massachusetts để ở gần các viện đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sinh học cùng hàng trăm công ty công nghệ sinh học khác đặt văn phòng ở đây.

Đổi lại, sự hiện diện của tập đoàn này cũng tăng sức hút của khu vực Boston đối với nhiều công ty và cá nhân khác. Những động lực này khiến các khu vực khác vốn chưa có công sản công nghệ sinh học mạnh mẽ gặp khó khăn trong việc thu hút các công ty trong ngành dù những khu vực này đưa ra nhiều chính sách khuyến khích hào phóng.

Nghiên cứu của chúng tôi về các ngành công nghiệp như chất bán dẫn, điện tử, dược phẩm và công nghệ sinh học cho thấy trái với suy nghĩ của nhiều người, vai trò của công sản đối với sự thịnh vượng của quốc gia quan trọng hơn rất nhiều so với sự thịnh vượng của các doanh nghiệp. Đó là vì sáng kiến của một doanh nghiệp có thể sản sinh ra nhiều ngành công nghiệp hoàn toàn mới.

Minh họa điển hình cho lập luận trên chính là sự ra đời của ngành công nghiệp dược phẩm hiện đại. Cuối thập niên 1800 ở Thụy Sĩ và Đức, những loại dược phẩm đầu tiên được phát triển dựa trên hóa nhuộm tổng hợp mà hai quốc gia này chính là nơi tập trung các công ty hóa chất lớn với nhiều phòng nghiên cứu hiện đại và chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất thuốc nhuộm tổng hợp.

Còn minh họa hiện đại chính là ngành công nghiệp sản xuất bảng năng lượng mặt trời đang bùng nổ tại các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc. Ấn Độ có được vị trí ngày nay là nhờ công ty Moser Baer, nhà sản xuất hàng đầu các thiết bị lưu trữ quang học sử dụng trong kỹ thuật sản xuất và phủ lớp màng mỏng để lắp ráp vào các bảng năng lượng mặt trời.

Phần nào thành công của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc bắt nguồn từ chuyên môn sâu của các nước này về sản xuất loại silicon trong như pha lê siêu tinh khiết thành các tấm wafer silicon (dùng để sản xuất chip điện tử) và về quá trình ứng dụng các lớp màng silicon mỏng lên các tấm kính lớn - các năng lực được phát triển bởi các công ty sản xuất chất bán dẫn và công nghệ hiển thị màn hình phẳng. (Trung Quốc còn có một lợi thế khác: đó là cơ sở sản xuất các thành phần thông thường như chất bán dẫn điện, bộ điều khiển và các lớp vỏ bọc cần thiết để sản xuất các tấm pa-nô hoàn chỉnh).

Dù Mỹ vẫn là nơi sản xuất khoảng 14% lượng tế bào quang điện toàn cầu, nhưng nó không còn giữ vai trò quan trọng trên thị trường các bảng quang điện sản xuất từ loại silicon tinh khiết, một công nghệ đang thịnh hành. Một số nhà sản xuất ở Mỹ như Tempe hay First Solar ở Arizona đang nỗ lực tham gia thị trường màng phủ mặt trời, công nghệ mới nhất hiện nay. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đang trên đà suy yếu của ngành sản xuất thiết bị điện tử và màng phủ mỏng chính là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp này.

Sự xói mòn các công sản

Biếm hoạ về nước Mỹ và làn sóng thuê ngoài. Ảnh: uml.edu

Khi một công ty lớn trong ngành thực hiện thuê ngoài một công đoạn, cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu dài hạn, và đạt được lợi ích về chi phí trong ngắn hạn, áp lực cạnh tranh thường khiến những công ty khác cũng làm theo. Khi cơ hội việc làm tiềm năng giảm sút, nguồn nhân lực có kinh nghiệm biến động, rời khỏi khu vực và sinh viên chưa dám bước chân vào lĩnh vực thì công sản sẽ mất đi nguồn việc làm dồi dào, kỹ năng và kiến thức khoa học quan trọng, và không còn hỗ trợ được các nhà cung ứng với các hoạt động vĩ mô lẫn vi mô và sớm muộn gì các công ty này cũng phải rời khỏi ngành. Đó là những gì đã xảy ra với các công sản công nghiệp phục vụ một số lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ.

Lấy ngành công nghiệp máy tính cá nhân làm ví dụ. Cuối thập niên 1980, các nhà sản xuất máy tính ở Mỹ lần đầu tiên thực hiện thuê ngoài dây chuyền lắp ráp các bảng mạch in điện tử với các nhà thầu đến từ Hàn Quốc,  Trung Quốc.... Các nhà thầu này đưa ra mức phí rất thấp một phần vì họ có nhân công rẻ và một phần nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô mà các nhà thầu đạt được khi phục vụ nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Các OEM này không nghĩ hành động của họ ẩn chứa rủi ro về mặt chiến lược bởi họ đang nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và khả năng thiết kế sản phẩm (họ chỉ cung cấp cho các nhà thầu những thông số kỹ thuật chi tiết) và cũng vì họ không nghĩ công đoạn sản xuất các bảng mạch lại là một lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, quá trình cạnh tranh khốc liệt và lợi nhuận quá ít ỏi đã khiến nhiều nhà thầu, đặc biệt là ở Đài Loan, tìm kiếm những phần việc tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Họ thuyết phục các OEM cho phép họ lắp ráp nhiều bộ phận của sản phẩm hơn và từ đó, họ đi lên một bước là lắp ráp toàn bộ sản phẩm. Khi mà nhiều bộ phận của sản phẩm đều xuất xứ từ châu Á, bước tiến tiếp theo của các nhà thầu ấy là tiếp quản chức năng quản lý chuỗi cung ứng từ các khách hàng ở Mỹ.

Tiếp theo là công đoạn thiết kế. Ban đầu những công ty này tiếp nhận phần việc thực hiện thiết kế theo hợp đồng. Các OEM thông thường vẫn tiếp tục cung cấp ý tưởng thiết kế cao cấp và các thông số kỹ thuật, khoán việc cho các nhà cung ứng ở châu Á để họ thực hiện các khâu phát triển chi tiết. Sau cùng, các nhà cung ứng này tiếp quản toàn bộ công việc trên đối với các sản phẩm như máy tính xách tay vốn đòi hỏi công ty thiết kế phải trao đổi thường xuyên với bộ phận sản xuất. Kết quả là: Những "nhà sản xuất theo thiết kế ban đầu - ODM", theo cách gọi của họ, nay đã có thể thiết kế và sản xuất gần như toàn bộ máy tính cá nhân chạy trên nền Windows.

Trong bối cảnh đó, Apple là một ngoại lệ xuất sắc khi năng lực thiết kế của hãng này cho dòng sản phẩm máy tính cá nhân và điện tử gia dụng ở Mỹ đóng vai trò tối quan trọng trong thành công của họ. Dù Apple cũng thuê ngoài công đoạn sản xuất máy tính cá nhân, iPod và iPhone nhưng hãng này có khả năng duy trì năng lực thiết kế tuyệt hảo tại Mỹ nhờ giữ vững mức độ tham gia sâu của mình vào quá trình tuyển chọn các thành phần, kiểu dáng công nghiệp, phát triển phần mềm và thực thi khái niệm về sản phẩm và phương pháp xác định nhu cầu của người sử dụng.

Nhưng liệu họ có thể duy trì được trong bao lâu? Khi mà cạnh tranh ngày càng khốc liệt và làn sóng di cư năng lực thiết kế từ Mỹ sang châu Á ngày càng tăng hứa hẹn sẽ có nhiều thách thức chờ đón Apple.

Sau khi nhà thầu chuyển mình thành một ODM, khó có thể ngăn họ xây dựng thương hiệu riêng và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chính các khách hàng OEM. Đó chính xác là những gì đã diễn ra trong thị trường hàng điện tử gia dụng với hai bài học điển hình là công ty RCA và Sylvania của Mỹ, từ chỗ đóng vai trò tiên phong trong ngành sản xuất TV, về sau, chỉ còn là hai nhãn hàng đơn thuần mà các nhà sản xuất châu Á đánh giá như ván bài mạo hiểm. Hầu hết các công ty của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực máy tính cá nhân hiện nay có vẻ đều đang đi vào vết xe đổ ấy.

Câu chuyện trên cho thấy nhiều hiểu biết xưa cũ đã trở nên quá hoang đường. Một trong số đó là niềm tin rằng một nền kinh tế phát triển như Mỹ thì không cần đến sản xuất mà vẫn có thể tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giữ được vị trí trung tâm của những thiết kế và sáng tạo có giá trị gia tăng cao. Nhưng thực tế, hiếm có ngành công nghiệp công nghệ cao nào mà sản xuất không phải là một nhân tố của quá trình phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là rất mới.

Nguyên nhân là do trong hầu hết các ngành công nghiệ, sản phẩm và quy trình sáng tạo luôn hòa quyện vào nhau. Sự suy giảm của sản xuất trong một khu vực sẽ tạo nên một phản ứng chuỗi. Một khi công đoạn sản xuất được thuê ngoài, kiến thức chuyên môn về quy trình - kỹ thuật không còn được duy trì bởi nó phụ thuộc vào những tương tác hàng ngày với quá trình sản xuất.

Nếu không còn năng lực về quy trình - kỹ thuật, các công ty sẽ vấp phải khó khăn khi thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về các quy trình công nghệ thế hệ mới. Nếu không có khả năng xây dựng những quy trình mới này, họ sẽ không còn phát triển được các sản phẩm mới. Khi đó, xét về dài hạn, một nền kinh tế mà thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất và quy trình kỹ thuật hiện đại sẽ đánh mất khả năng sáng tạo của mình.

Một niềm tin hoang đường khác chính là quá trình di cư của các ngành công nghiệp sản xuất đã chín muồi ra khỏi những quốc gia phát triển như Mỹ chỉ là một bộ phận của quá trình tiến hóa kinh tế tự nhiên và lành mạnh cho phép các nguồn lực được tái phân bổ vào các ngành nghề kinh doanh mới có tiềm năng cao hơn. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng một nền kinh tế toàn cầu năng động sẽ thay đổi các mô hình sản xuất và thương mại. Chúng tôi cũng đồng ý rằng từ bỏ một số hoạt động nhất định vốn không còn cơ hội cho sáng tạo để tái phân bổ nguồn lực cho các hoạt động khác có thể đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Nếu điều đó không diễn ra tại Mỹ, nền kinh tế nước này sẽ phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và khá nghèo nàn. Tuy nhiên, lập luận trên đã được tiếp cận theo một thái cực hết sức nguy hiểm.

Nó bỏ qua sự thật rằng các sản phẩm công nghệ cao mới và hiện đại thường phụ thuộc trong một chừng mực nào đó vào công sản của ngành công nghiệp chín muồi. Mất đi công sản ấy, bạn sẽ không còn cơ hội trở thành cái nôi của các ngành kinh doanh mới thịnh hành trong tương lai.

Ảnh: pjcj.net

Chúng tôi đã trình bày một minh họa trong phần trước: sự di cư của các công ty sản xuất chất bán dẫn sang châu Á đã khiến năng lực sản xuất silicon và lớp màng mỏng của Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, làm giảm, nếu không muốn nói là triệt tiêu hoàn toàn, cơ hội trở thành một tay chơi lớn của nước này trong thị trường bảng năng lượng mặt trời.

Một ví dụ khác là ắc-quy cho ôtô điện và ôtô lai, ví dụ như mẫu xe sắp ra mắt Chevy Volt của GM. Ắc-quy lithium-ion của Volt, bộ phận có giá trị gia tăng cao nhất của chiếc ôtô, sẽ được sản xuất tại Hàn Quốc. GM không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm nguồn cung cấp ở nước ngoài. Ngành sản xuất bình ắc-quy sạc điện đã rời bỏ nước Mỹ từ rất lâu.

Vì sao? Hầu hết những phát minh về ắc-quy/pin trong nhiều thập niên gần đây đều xuất phát từ nhu cầu đang ngày càng gia tăng của người sử dụng các thiết bị điện tử là làm sao tích trữ được càng nhiều năng lượng trong một thiết bị có kích thước ngày càng nhỏ đi. Trong khi đó, các công ty Mỹ phần lớn đều từ bỏ ngành kinh doanh các sản phẩm điện tử vốn đã "chín muồi", và kết quả là không chỉ với máy tính xách tay, điện thoại mà cả quá trình R&D và sản xuất pin cho các thiết bị này cũng đã dịch chuyển sang châu Á.

Vẫn còn nhiều nỗ lực hồi sinh ngành sản xuất ắc-quy/pin sạc điện ở Mỹ, điển hình là hệ thống A123 do General Electrics xây dựng. Nhưng cứ cho là công sản ngành sản xuất ắ-quy/pin của Mỹ cũng đang ở trạng thái tương tự của châu Á thì những công ty tham gia vào thị trường này như A123 đang đứng trước một cuộc chiến hết sức khó khăn.

Do đó, so với các nhà sản xuất ôtô Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất ôtô và ắc quy hùng mạnh của Nhật và Hàn Quốc đã mang đến cho công ty các nước này lợi thế đáng kể trong việc sản xuất các loại xe điện và xe lai. Và, theo New York Times, tháng 4 năm nay, các lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố muốn biến nước này thành một trong những trung tâm sản xuất các loại ôtô điện và ôtô lai hàng đầu thế giới trong vòng ba năm. Công ty sản xuất ắc-quy của Trung Quốc BYD đã công bố kế hoạch bán các loại xe điện và xe lai ở Mỹ và châu Âu vào năm 2011.

Khôi phục công sản

Trong suốt thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, hành động thuê ngoài của các công ty Mỹ và sự thâm nhập của các doanh nghiệp Nhật đã dấy lên mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của Mỹ, đã có một cuộc tranh luận xoay quanh các biện pháp khắc phục. Một số ý kiến yêu cầu chính phủ Mỹ học tập đường lối của Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Nhật trong việc cung cấp hỗ trợ đặc biệt cho các ngành công nghiệp quan trọng. Những ý kiến khác khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ hay chấm dứt hoạt động thuê ngoài vì lòng yêu nước. Tuy nhiên, không có cách nào trong số đó thực sự là phương án mang tính thực tiễn để duy trì lợi thế cạnh tranh và việc làm tại Mỹ.

Cách đây gần 20 năm, Robert Reich đã đề cập trong bài báo có tựa đề khá khiêu khích "Chúng ta là ai?" (HBR, số tháng 1-2/1990), rằng: bản sắc dân tộc của các tập đoàn lớn đã mất đi ý nghĩa. Khi thực tế là cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra khốc liệt và có quá nhiều áp lực trên thị trường vốn, sẽ là quá đáng nếu đòi hỏi lãnh đạo các tập đoàn phải thể hiện lòng trung thành với một khu vực nhất định chỉ vì lý do đơn giản: đó là quốc gia xuất xứ của công ty ấy.

Cũng như sẽ rất vô lý nếu chính quyền Washington ưu đãi các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở đặt tại Mỹ mà phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài khác có nhiều cơ sở vận hành lớn tại nước này; cả hai nhóm công ty này đều có vai trò quan trọng như nhau đối với nền kinh tế Mỹ.

Như vậy, đó là mối bận tâm chung mà chính phủ Mỹ và tất cả các công ty đang hoạt động tại đây cần chung tay giải quyết để khôi phục lại công sản công nghiệp của đất nước. Quan tâm của Washington rất rõ ràng: tái sinh lĩnh vực công nghệ cao có vai trò tối quan trọng. Còn lý do khiến doanh nghiệp cũng bận tâm? Mỹ là một thị trường trọng yếu. Nếu một công ty, bất kể quốc tịch, tìm được chỗ đứng tại thị trường này, xây dựng hoặc duy trì năng lực địa phương cũng là mối bận tâm lớn.

Hơn nữa, một công sản, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, có thể là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho tất cả các công ty tham gia tạo nên nó. Chính vì thế, dù công ty IBM của Mỹ có trung tâm nghiên cứu lớn ở Thụy Sĩ hay là công ty Novartis của Thụy Sĩ hoạt động trong công sản công nghệ sinh học ở Boston, hy sinh một công sản để đổi lấy lợi ích ngắn hạn là một hành động hết sức rủi ro.

(Theo Hoàng Đăng// Gary P. Pisano và Willy C. Shih//Tuần Việt Nam)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 3)
  • Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 4)
  • Suy thoái tác động ra sao đến sức mua của người tiêu dùng?
  • Giàu có và hạnh phúc liệu có song hành?
  • Thời kỳ thịnh vượng mới
  • Bản chất tương tác xã hội của giá trị
  • Địa vị Doanh nhân
  • Gói kích thích kinh tế - Lớn và lớn hơn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com