Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 1)

Nhiều thập niên thực hiện thuê ngoài (outsourcing) đã khiến nền công nghiệp Mỹ mất dần phương pháp phát minh ra các thế hệ sản phẩm công nghệ cao tiếp theo, dù đây chính là chìa khóa của quá trình tái kiến thiết của nền kinh tế nước này.

Quá trình nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của nước Mỹ dần hé lộ một sự thật đáng lo ngại: Nan đề về năng lực cạnh tranh của thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 vẫn còn âm ỉ. Nó ẩn khuất sau ảo giác về sự thịnh vượng trong suốt những năm tháng bong bóng qua trong khi nền tảng công nghiệp của quốc gia lại tiếp tục bị bào mòn.

Rốt cuộc nước Mỹ cũng phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này. Tái kiến thiết cỗ máy sản sinh của cải - hay nói cách khác là phục hồi khả năng phát triển và sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp Mỹ - là hy vọng duy nhất của chính phủ Mỹ trong việc thanh toán các khoản thâm hụt khổng lồ và duy trì, chứ chưa nói đến nâng cao, mức sống của người dân.

Ảnh: genevalunch.com

Để đảo chiều xu hướng tụt giảm khả năng cạnh tranh, nước Mỹ cần quyết liệt thực hiện hai thay đổi:

- Chính phủ phải thay đổi phương pháp hỗ trợ các nghiên cứu khoa học nền tảng lẫn ứng dụng nhằm phát huy khả năng hợp tác toàn diện giữa kinh doanh, học thuật, đồng thời, chính phủ phải giải quyết những bài toán lớn của xã hội.

- Cấp quản lý doanh nghiệp phải "đại tu" cơ cấu và cách thức điều hành để không còn thổi phồng tầm quan trọng của các khoản lương thưởng mà xem nhẹ các mối nguy cơ của việc thuê ngoài công đoạn sản xuất và cắt giảm đầu tư vào R&D.

Nan đề về năng lực cạnh tranh

Trong 2 thập niên qua, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Mỹ đã được giới học thuật, kinh doanh và chính quyền ca ngợi và xem như bằng chứng để kết luận rằng nan đề về năng lực cạnh tranh của nước Mỹ đã lỗi thời như thời trang tất ống hoặc Jazzercise [1].Tuy nhiên, các dữ liệu thu thập được lại nói lên một sự thật hoàn toàn trái ngược. Từ năm 2000, cán cân thương mại của Mỹ cho nhóm sản phẩm công nghệ cao - từng đóng vai trò thành lũy cho sức mạnh kinh tế Mỹ - bắt đầu giảm sút. Năm 2002, lần đầu tiên cán cân này ở trong tình trạng thâm hụt và tình trạng này tiếp tục kéo dài đến năm 2007.

Ghi chú: Các lĩnh vực công nghệ cao được khảo sát bao gồm: công nghệ sinh học, sinh học, quang điện tử, sản xuất linh hoạt, công nghệ vật liệu, kỹ thuật hàng không, vũ khí, công nghệ hạt nhân và phần mềm máy tính.

Nguồn: Hội đồng khoa học quốc gia, "Các chỉ số khoa học và kỹ thuật 2008"

Đáng lo ngại hơn, mức lương tuần thực nhận trung bình của người lao động gần như giữ nguyên từ năm 1980, có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không thể nâng cao mức sống cho đại đa số bộ phận dân cư. Điều này rõ ràng là một lý do khiến người Mỹ phải vay mượn để có được thịnh vượng, một chiến lược rõ ràng không thể tiếp tục trụ vững.

Vậy điều gì đã thật sự xảy ra khi mọi thứ có vẻ đều tốt đẹp cả? Các công ty hoạt động tại Mỹ không ngừng thực hiện thuê ngoài phần việc phát triển và sản xuất cho các chuyên gia nước ngoài và cắt giảm chi phí cho các nghiên cứu cơ sở. Khi quyết định thực hiện thuê ngoài, các CEO thường chú ý đến lời khuyên của các huyền thoại kinh tế ở Phố Wall: Tập trung vào năng lực cốt lõi; giảm tải những hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thấp; phân bổ lại các khoản tiết kiệm cho hoạt động sáng tạo, nguồn gốc thật sự của lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, hoạt động thuê ngoài trên thực tế không chỉ được áp dụng ở các công đoạn giá trị thấp như lắp ráp dây chuyền sản xuất giản đơn hay mạch điện tử. Nhiều năng lực sản xuất và kỹ thuật phức tạp làm cơ sở để sáng tạo các loại sản phẩm cũng đã và đang nhanh chóng tham gia vào quá trình thuê ngoài. Kết quả là, nước Mỹ đã hoặc đang mất đi kiến thức, nhân công lành nghề và hạ tầng cung ứng cần thiết để sản xuất nhiều sản phẩm tiên tiến mà nước này từng phát minh.

Ngành công nghiệp phần mềm của Mỹ cũng đang chứng kiến một xu hướng tương tự. Ban đầu, những công ty ở Mỹ chỉ thuê công ty Ấn Độ gia công các dự án lập trình ngôn ngữ thông thường để giảm chi phí phát triển phần mềm. Theo thời gian, các công ty Ấn Độ đã xây dựng được năng lực phát triển phần mềm của riêng mình và có khả năng giành được những dự án phức tạp hơn như xây dựng thông số kỹ thuật kiến trúc và viết phần mềm doanh nghiệp phức tạp và trình điều khiển của các thiết bị.

Suy giảm năng lực sáng tạo những sản phẩm công nghệ cao mới là một tín hiệu đáng báo động khác cho nước Mỹ. Lấy ví dụ, gần như thương hiệu máy tính xách tay nào của Mỹ, trừ Apple, hiện nay đều được thiết kế ở châu Á, điều này cũng tương tự với hầu hết các mẫu điện thoại di động và thiết bị điện tử cầm tay khác.

Chúng ta thường nghe các nhà quản lý hợp lý hóa hình thức thuê ngoài bằng cách nói rằng họ luôn có thể đảo ngược chiều hướng nếu chất lượng gia công không thỏa mãn, nếu khoản tiết kiệm chi phí dự kiến chẳng thấm vào đâu, nếu tính phức tạp hay rủi ro của chuỗi cung ứng là quá lớn, hoặc nếu phần việc thuê ngoài hóa ra lại mang tính chiến lược cao hơn suy nghĩ ban đầu của họ.

Nhưng lối tư duy này lại không tính đến thiệt hại lâu dài mà hoạt động thuê ngoài có thể gây ra cho năng lực của không chỉ một công ty đi thuê mà của tất cả công ty khác đang hoạt động trong cùng lĩnh vực, bao gồm các nhà cung cấp vật liệu, công cụ, thiết bị sản xuất và các thành phần cao cấp. Chúng tôi gọi các năng lực tổng hợp này là industrial commons (tạm dịch: công sản công nghiệp).

 

(Theo Hoàng Đăng//Gary P. Pisano và Willy C. Shih//Tuần VN)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 2)
  • Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 3)
  • Phục hồi năng lực cạnh tranh của Mỹ (Phần 4)
  • Suy thoái tác động ra sao đến sức mua của người tiêu dùng?
  • Giàu có và hạnh phúc liệu có song hành?
  • Thời kỳ thịnh vượng mới
  • Bản chất tương tác xã hội của giá trị
  • Địa vị Doanh nhân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com