Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hiệu trưởng Faust: Harvard phải đi đầu trong giai đoạn bất ổn

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Tấm gương của Đức, nhà sử học kiêm Hiệu trưởng Đại học Harvard, bà Drew Faust, đã thảo luận về những vấn đề tài chính mà ngôi trường danh tiếng này đang phải đối mặt cũng như phương thức quản lý số tiền hàng tỉ USD trường được hiến tặng. Tuần Việt Nam trích đăng nội dung cuộc phỏng vấn này.

Harvard cũng phải đối mặt với khủng hoảng tài chính

Tạp chí Tấm gương của Đức: Thưa Hiệu trưởng, bà có nghi ngờ về thực tế là trường Harvard đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính?

Hiệu trưởng Đại học Harvard, bà Drew Faust.
Ảnh: harvardclubofjapan.org

Hiệu trưởng Drew Faust: Chúng tôi cũng đang cảm nhận được cuộc khủng hoảng. Theo dự đoán, khoản tiền trợ cấp, hiến tặng của các nhà tài trợ sẽ giảm 30%, tương đương khoảng 11 tỉ USD, vào cuối năm tài khóa này.

Vì vậy, tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi đang cùng lúc phải đối mặt với sự thay đổi quá nhanh chóng của thế giới, nhưng đồng thời chúng tôi cũng phải tìm cách đi đầu trong khoảng thời gian bất ổn này.

- Bà có kế hoạch giới thiệu gói lương mới tới các nhà quản lý tài chính của trường không?

Chúng tôi xem xét tiền thưởng hàng năm và chưa có quyết định về tiền thưởng năm nay. Tôi nghĩ rằng mọi người đều đang hướng vào đầu tư trong một bối cảnh đã thay đổi, đặt ra các câu hỏi về tính chất dễ thay đổi.

Nhưng các câu hỏi chúng tôi đang đặt ra không chỉ về số tiền được hiến tặng, mà còn về tất cả các nguồn doanh thu. Những hạn chế có thể phát sinh từ nguồn thu học phí là gì? Chúng tôi có thể kỳ vọng gì từ nguồn quỹ liên bang cho nghiên cứu?

Còn nguồn quỹ từ thiện thì sao? Quỹ từ thiện là một nguồn thu nhập quan trọng cho chúng tôi và khi các nhà tài trợ gặp khó khăn, sức ép về tài chính thì điều đó có ý nghĩa gì với nguồn doanh thu của chúng tôi?

- Vậy kết luận của bà là gì?

Nếu các nguồn tiền góp tự nguyện giảm đáng kể, chúng tôi sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu và phụ thuộc vào những nguồn thu nhập khác.

- Cụ thể là nguồn nào vậy? Thậm chí là tăng tiền học phí? Nếu bà tính cả chi phí nhà ở và ăn uống, thì một năm học ở Harvard của một sinh viên đã tốn khoảng 50 nghìn USD – tương đương với mức thu nhập trung bình của một hộ dân người Mỹ.

Đó là lý do tại sao năm nay chúng tôi đã thực hiện một cam kết rất chắc chắn để duy trì mức trợ cấp tài chính hiện tại. Đó là một phần quan trọng của Havard – chúng tôi đào tạo những sinh viên tài năng qua cách tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất.

Tiền góp tự nguyện không phải để hiệu trưởng vung tay quá trán

- Mặc dù vừa phải gánh chịu khá nhiều thua lỗ nhưng Harvard vẫn là trường đại học giàu nhất thế giới, với một nguồn tài sản được hiến tặng trị giá khoảng 26 tỉ USD. Tại sao bà không thoải mái hơn một chút?

Thực sự chúng tôi đang phải đối mặt với sức ép tăng lương – từ tỉ lệ phần trăm chúng tôi chi trong một năm – từ tài sản hiến tặng để giữ cho hệ thống của trường tiếp tục hoạt động. Nhưng tài sản hiến tặng dành cho chúng tôi không phải là một bọc tiền mà hiệu trưởng có thể tiêu xài hoang phí.

Đó là nguồn vốn lưu động – khoản tiền dùng để duy trì các chương trình và trường học và các cơ hội giáo dục cho tương lai từ đời này qua đời khác. Nếu bạn vung tay quá trán trong ngày hôm nay thì đơn giản là bạn đang làm xói mòn dần những thứ là nền tảng tạo lợi nhuận cho tương lai.

- Tại sao không?

Có hơn 70% tài sản hiến tặng trên toàn trường được cụ thể hóa, định rõ cho một lĩnh vực cụ thể. Các nhà tài trợ nói: “Tôi muốn dùng số tiền này cho một giáo sư tiếng Pháp”.

Theo luật, tôi không thể dùng số tiền này hay nguồn thu từ nó để chi dùng cho một giáo sư thuộc ngành sinh học hay để nâng cấp trang thiết bị học tập hay khu ký túc sinh viên được.
 
Các nguồn tài sản được hiến tặng của Harvard không chỉ là một món tiền khổng lồ; nó là một chuỗi bao gồm hơn 11 nghìn tài khoản cụ thể khác nhau với những mục đích cụ thể.

 Tiết kiệm đúng chỗ

- Nói cách khác là bà phải tiết kiệm. Tiết kiệm như thế nào đây?

Tôi đã tham dự một buổi họp sáng nay, trong cuộc họp có bánh sandwich và hoa quả. Tôi không thể tin được. Tôi đã cho rằng đó là một tai nạn, bởi vì kể từ tháng 11 năm ngoái, chúng tôi đã tạm dừng việc có đồ ăn nhẹ trong các cuộc họp.

Việc cắt giảm chi phí đồ ăn nhẹ trong các cuộc họp là một ví dụ về tiết kiệm chi phí theo cách mà chúng tôi gọi là không cần thiết cho việc giảng dạy và nghiên cứu.

- Nhưng thực phẩm miễn phí không phải là mối quan ngại của các sinh viên ở trường. Họ lo ngại rằng các giáo sư cộng tác sẽ không được giảng dạy thường xuyên và rằng họ sẽ không thể thuê được người mới từ bên ngoài.

Thực tế chúng tôi vẫn có chế độ bổ nhiệm giáo viên giảng dạy thường xuyên và không có hạn định thuê giáo viên. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm người thay thế nếu có vị trí nào bị trống. Chúng tôi có cần người này không?

Làm sao để chúng tôi vẫn đạt được khả năng giảng dạy và nghiên cứu tốt nhất mà không cần đặt chế độ tự động lấp chỗ trống ngay khi có giáo viên nào nghỉ dạy. Gần 50% chi phí của chúng tôi dành cho vấn đề nhân sự.

- Harvard luôn là trung tâm của trí tuệ, miền đất hứa cho các nghiên cứu sinh trên khắp thế giới. Bà đã mời những học giả tham gia diễn thuyết ở Harvard và mời họ nghỉ tại những khách sạn hạng sang trong ba đêm. Những lời mời xa xỉ kiểu này giờ đây liệu chỉ thuộc về quá khứ?

Đó là những cá nhân đến đây 3 đêm nhưng sẽ có những bài giảng trí tuệ sắc sảo như thể họ chỉ ở một đêm.

Suy thoái cũng là cơ hội cho sinh viên

 - Trong những năm qua, khoảng 40% sinh viên tốt nghiệp Harvard làm việc trong các lĩnh vực như ngân hàng đầu tư và tư vấn.

Trong bài diễn thuyết dành cho các sinh viên tốt nghiệp năm ngoái bà đã nói với các sinh viên rằng nên lựa chọn một công việc họ yêu thích và không chỉ đơn giản là vì được trả mức lương tốt nhất. Trong giai đoạn suy thoái này, việc khuyến khích sinh viên theo đuổi những sự nghiệp có ý nghĩa hơn liệu có dễ dàng hơn?

Trong nhiều trường hợp, các sinh viên của khóa học 2009 đang tìm kiếm việc làm, điều cần thiết đối với họ là phải tìm được việc bởi vì các cơ hội và việc làm trong ngành dịch vụ tài chính đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên có một số sinh viên cũng nói với tôi rằng cuộc suy thoái đã cho họ cơ hội được làm những việc mà họ chưa từng cảm thấy họ có thể làm được. Họ cảm thấy áp lực khi phải tìm kiếm một công việc được trọng vọng, uy tín và có mức lương cao.

- Nhà khoa học từng đoạt giải Nobel và là đồng tác giả khám phá ra cấu trúc DNA James Watson đã phàn nàn rằng những sinh viên tài năng nhất, sáng giá nhất ở Mỹ lại không theo ngành khoa học bởi vì họ sẽ có mức thu nhập ít so với khi làm việc ở Phố Wall. Trong nhiều phòng thí nghiệm ở Harvard và MIT, có hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp đến từ các nước châu Á hoặc châu Âu nhưng không phải Mỹ.

Có rất nhiều những lời bình luận và nghiên cứu cho thấy mối quan ngại về số lượng sinh viên Mỹ lựa chọn theo con đường khoa học, và tỉ lệ sinh viên Mỹ theo học ngành khoa học không cao như các quốc gia khác như thế nào.

Chúng tôi giảng dạy khoa học theo cách thức khiến sinh viên quan tâm tới môn học như thế nào? Tôi cho rằng chúng tôi đã không giải quyết vấn đề này và nó bắt đầu từ trước khi sinh viên bước chân vào học.

- Với tư cách là Hiệu trưởng Đại học Harvard, bà không có bất kỳ trách nhiệm đặc biệt nào để đảm bảo rằng không chỉ có các sinh viên Trung Quốc hay Đức mà các sinh viên Mỹ cũng quan tâm tới vật lý hay sinh học?

Dĩ nhiên chúng tôi có ý định sẽ tiếp tục thu hút các sinh viên giỏi nhất, sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới có niềm đam mê khoa học và công nghệ. Nhưng chúng tôi cũng hi vọng rằng sẽ có nhiều sinh viên đến từ Mỹ sẽ lựa chọn theo đuổi những ngành học này hơn.

- Harvard đã mất 370 năm để có vị nữ hiệu trưởng đầu tiên. Đã có những giây phút bà cảm thấy có điều gì đó thực sự khác biệt bởi vì bà là phụ nữ?

Sau bài phát biểu thông báo nhậm chức, tôi đã nói rằng tôi không phải là nữ Hiệu trưởng của Harvard mà tôi là Hiệu trưởng của Harvard. Tôi phải đạt được tất cả các tiêu chuẩn chung. Tôi phải là một hiệu trưởng tốt, một hiệu trưởng tuyệt vời.

Nhưng thực sự thế giới đã lạc quan hơn nhiều khi có một người phụ nữ đứng đầu Harvard. Tôi nhận được thư từ một cô bé ở Trung Quốc nói rằng: “Bây giờ thì cháu biết rằng cháu có thể trở thành một nhà khoa học nữ”. Hoặc từ cha của những bé gái nói rằng: “Tôi biết rằng các con gái của tôi có thể làm được bất cứ điều gì”. Một cựu giảng viên đã 97 tuổi của trường Radcliffe (trường nữ sinh Harvard trước đây) đã viết cho tôi rằng: “Bây giờ thì tôi đã biết tại sao tôi lại sống lâu thế”.

(Theo Hương Mai//Der Spiegel//TuanVN)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Toàn cầu hóa và những hiểu lầm
  • "Quan sát thế giới từ sau cái bàn là việc nguy hiểm"
  • Những giá trị ưu tiên của cuộc sống
  • Quy hoạch để làm gì?
  • Tập đoàn: Mắc mứu giữa sở hữu vốn và sử dụng vốn
  • Tại sao các công ty tồn tại?
  • Vai trò của các chính phủ và sự bình ổn giá
  • Bài học từ Hàn Quốc: Chaebol lũng đoạn chính sách quốc gia như thế nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com