Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy hoạch để làm gì?

Minh họa: Khều.

Quy hoạch được lập ra để các ngành phát triển theo mục tiêu vĩ mô. Nhưng với tình trạng buông lỏng quản lý như lâu nay, các bản quy hoạch gần như chỉ còn mang tính hình thức.

Xé rào

Sau một thời gian dài chạy đua phát triển năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, đến năm 2004 công suất của ngành thép trong nước bắt kịp mức tiêu thụ và chỉ một năm sau đó, ngành này đã lâm vào khủng hoảng thừa với mức cung vượt cầu đến 50%.

Từ đó đến nay, bất kể sức mua của thị trường nội địa luôn tăng bình quân trên dưới 10%/năm, nhưng tình trạng thừa công suất chẳng những không giảm, mà còn ngày một nặng nề hơn.

Ngay từ năm 2005, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thừa của ngành thép đã được cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia trong ngành mổ xẻ. Lúc đầu, hầu hết các ý kiến đều đổ lỗi cho chất lượng của bản quy hoạch ngành, vì đã đưa ra dự báo quá lạc quan so với thực tế về triển vọng phát triển của thị trường. Thế nhưng, bản quy hoạch sửa đổi, được Chính phủ phê duyệt vào năm 2007, cũng không giúp cải thiện tình trạng thừa công suất của ngành thép.

Từ 2005 đến nay, mức tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam đã tăng thêm hơn 60%, lên khoảng 5 triệu tấn/năm. Nhưng khoảng cách giữa cung và cầu thép thì không thu hẹp, thậm chí còn tăng lên 60%. Nếu tính theo số tuyệt đối, phần công suất dư thừa của ngành này hiện cao gấp đôi so với thời điểm 2005 và lên đến 3 triệu tấn.

“Quy hoạch năm 2007 đã dự báo khá chính xác chiều hướng phát triển của thị trường thép Việt Nam. Đây cũng là bản quy hoạch có chất lượng, nhờ được nhiều chuyên gia quốc tế trợ giúp”, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khẳng định.

Vấn đề đặt ra là vì sao tình trạng thừa công suất của ngành này không giảm, mà còn trầm trọng hơn? Theo ông Cường, lỗi chủ yếu là ở các cơ quan nhà nước và địa phương. Ông nói: “Các bộ, ngành và địa phương đã buông lỏng quản lý, không giám sát, không theo dõi, dẫn đến việc phát triển của ngành trong những năm qua chẳng theo quy hoạch nào”.

Năm ngoái, sau những kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, kiểm tra và phát hiện trong 65 dự án gang thép có công suất từ 100.000 tấn trở lên đang triển khai, chỉ có 17 dự án có trong quy hoạch và 16 dự án khác được bộ đồng ý cho bổ sung. 32 dự án còn lại là do các địa phương xé rào quy hoạch để cấp phép, trong đó có tới 24 dự án các địa phương đã vượt thẩm quyền, vì đó là những dự án lẽ ra địa phương không được quyền cấp giấy phép.

Trong 65 dự án gang thép có công suất từ 100.000 tấn trở lên đang triển khai, chỉ có 17 dự án có trong quy hoạch.

Không chỉ ngành thép, tình trạng thừa công suất cũng đang diễn ra ở nhiều ngành công nghiệp khác, như sứ vệ sinh, gạch ốp lát, xi măng... Điều đáng ngại là dự báo về nhu cầu trong quy hoạch của các ngành này đều khá chính xác, nhưng chính do quản lý lỏng lẻo và không theo quy hoạch, dẫn đến số lượng dự án được cấp phép đã vượt quá xa so với kế hoạch, nên khủng hoảng thừa là hiển nhiên.

Ngay như ngành xi măng, một trong những ngành được đánh giá là bị quản lý khá chặt, vì nó có liên quan đến việc khai thác các mỏ đá vôi, cũng bị vỡ quy hoạch và nay cũng đang bắt đầu thừa công suất. Lãnh đạo một công ty xi măng ở Hải Phòng cho rằng: “Bộ Xây dựng đã quá dễ dãi, hầu như dự án nào ngoài quy hoạch cũng được bộ “chiều” nhà đầu tư và cho bổ sung”.

Ông nói tiếp: “Mức thừa khoảng 5 triệu tấn trong năm nay không đáng ngại với ngành xi măng. Tôi chỉ lo lại có thêm nhiều dự án mới được phép bổ sung”. Hiện nay, dù xi măng đã bắt đầu thừa, nhưng vẫn có thêm tám dự án xi măng đang được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng để xin cho bổ sung vào quy hoạch.

Tác hại

Quy hoạch là một công cụ quản lý của cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm cho một ngành phát triển theo mong muốn, bảo đảm hiệu quả cao nhất cho bản thân của ngành đó cũng như nền kinh tế. Thế nhưng, việc buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng phát triển lộn xộn, không theo kế hoạch đã làm cho các quy hoạch chỉ còn mang tính hình thức và gây ra những tác hại không nhỏ.

Ông Phạm Chí Cường cho biết, quy hoạch của ngành thép đã được tính toán để cân đối với kế hoạch phát triển của các ngành điện, năng lượng, giao thông đường bộ và cảng biển. Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, nhưng nhất định phải bảo đảm các cân đối đó. Việc thiếu điện vừa qua chủ yếu do tiến độ xây các nhà máy điện bị chậm, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân phát triển không theo quy hoạch của các ngành, dẫn đến mất cân đối về cung, cầu điện.

Công bằng mà nói, sự ra đời của nhiều dự án luyện cán thép, cũng như các nhà máy sản xuất gạch ốp lát, xi măng... đã thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm tìm cơ hội sống sót trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nhưng hậu quả của nó đối với từng ngành và cả nền kinh tế thì không nhỏ. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết một dây chuyền sản xuất, nếu chỉ hoạt động khoảng 70% công suất trở lại, thì sẽ không hiệu quả. Rõ ràng, tình trạng thừa công suất đã trực tiếp làm cho hiệu quả đầu tư của nhiều ngành công nghiệp bị suy giảm.

Hậu quả của nó là chi phí sản xuất cao và khả năng cạnh tranh bị giảm sút. Kết quả này còn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nói chung của nền kinh tế. Ngoài ra, việc phát triển quá mức những ngành sử dụng nhiều năng lượng như thép, hoặc phụ thuộc vào nguồn tài nguyên không tái tạo như xi măng... còn gây ra những tác động xấu về môi trường và việc bảo đảm an ninh năng lượng.

Sau đợt kiểm tra vào năm ngoái, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản quy định về thủ tục đầu tư, trong đó xác định quy mô công suất và những điều kiện cần thiết nhằm khắc phục tình trạng xé rào quy hoạch. Bộ cũng yêu cầu các địa phương ngừng cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án thép xây dựng thông thường và rà soát lại các dự án đã được cấp phép.

Nhưng theo ông Phạm Chí Cường, vấn đề quản lý quy hoạch từ sau khi bộ ban hành văn bản đến nay gần như vẫn không thay đổi. “Cuối tháng 7-2010 vừa qua, chúng tôi lại tiếp tục gửi văn bản lên Thủ tướng và Bộ Công Thương kiến nghị chấn chỉnh việc phát triển ngành thép”, ông Cường cho biết.

(Theo Tấn Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Tập đoàn: Mắc mứu giữa sở hữu vốn và sử dụng vốn
  • Tại sao các công ty tồn tại?
  • Vai trò của các chính phủ và sự bình ổn giá
  • Bài học từ Hàn Quốc: Chaebol lũng đoạn chính sách quốc gia như thế nào?
  • Biến đổi tâm lý, lật ngược thế cờ
  • Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Tập đoàn và sự nhầm lẫn về mình
  • Tập đoàn kinh tế: Hành trình cải tổ các Chaebol Hàn Quốc
  • Triết lý làm quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com