Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tập đoàn: Mắc mứu giữa sở hữu vốn và sử dụng vốn

Theo Luật gia Nguyễn Ngọc Bích, nhìn lại một cách công bằng, Vinashin đã nảy sinh và tồn tại trong khung cảnh của một sự hiểu biết sai lầm, thiếu thốn về kiến thức lẫn phương pháp của chính nó và - quan trọng hơn - của môi trường quanh nó.

Từ các điều trình bày ở trên liên hệ với thực tế của các tập đoàn ở mình ta thấy gì? Tôi thấy có bốn điểm.

Một, sự hình thành các tập đoàn nhà nước ở ta trái quy luật tự nhiên.

Hai, quản lý xí nghiệp ở ta chăm chú vào sự kiểm soát từ bên ngoài mà không coi trọng việc kiểm soát tự bên trong công ty. Người ta sẵn sàng tuân giữ quy định do chính họ đặt ra; nhưng sẽ né tránh quy định từ bên ngoài áp vào họ. Bộ Tài chính nói rằng từ nay sẽ kiểm soát tập đoàn chặt chẽ hơn thì không biết chặt chẽ về lãnh vực nào và bằng cái gì khi không có các thứ đã nêu.

Ba, các tập đoàn hiện đang hoạt động cần phải xem lại là mình và các công ty con của mình đã quản trị theo khoa học chưa. Nếu chưa thì phải chuyển đổi càng sớm càng tốt vì đó là điều kiện bắt buộc nếu muốn... an  toàn. Quản trị khoa học dễ thực hiện trong các công ty dịch vụ, vì chỉ có một thành phần là nhân sự; nhưng sẽ khó trong các công ty sản xuất, vì nó có nhiều thành phần, người, máy móc, nhà xưởng...

Muốn xem lại mình thì chỉ tìm xem trong nội bộ công ty có cách kiểm soát với các công cụ hỗ trợ chưa. Sự chuyển đổi quản trị từ thuận tiện sang khoa học của doanh nghiệp nhà nước dễ hơn tư nhân; vì tiền không phải là của một người nhất định nên không có những tình cảm riêng tư.

Tập đoàn Vinashin được quản trị theo sự thuận tiện. Ảnh minh họa: Timnhanh.com

Tập đoàn Vinashin đã được quản trị theo sự thuận tiện. Do đó, ông chủ tịch kiêm tổng giám đốc đã mua sắm tài sản nhiều tiền mà hội đồng quản trị không biết; báo cáo tài chính sai mà bây giờ mới thấy; đưa con cái anh em nắm giữ các công ty... thì đó là các bằng chứng. Trong vòng có ba năm mà lập ra hơn 200 công ty thì chính là nhờ tiền được cấp phát và đi vay, nên không đếm xỉa gì đến hiệu quả đầu tư. Điều này không thể xảy trong một công ty được quản trị theo khoa học.

Bốn, mắc mứu giữa sở hữu vốn và sử dụng vốn. Sở hữu vốn không còn là vấn đề nếu các công ty nhận tiền được quản trị theo khoa học. Ta xem gốc gác của vấn đề một tí. Doanh nghiệp của tư nhân khi kinh doanh họ phải xót đồng tiền của mình; nên họ tự đặt ra cách thức kiểm soát hữu hiệu. Quản trị theo khoa học là một cách thức. Sau này, chủ nhân nghỉ, giao tiền bạc cho người làm thuê; nhưng họ bắt người sau phải làm theo cách quản trị kia. Vậy người làm thuê cũng làm ăn lời lãi như người chủ nhờ cách thức quản trị.

Thật vậy, đối với doanh nghiệp, người giao vốn hỏi: "Nó có khả năng trả nợ đáo hạn không?" Tìm câu trả lời, xin xem bản cân đối. Đối với người làm thuê, thì chủ hỏi: "anh có làm đúng quy định tôi đưa không?", "anh có sử dụng tiền đúng như tôi đã bảo không?", và "anh làm việc có đạt mục tiêu tôi giao không?". Kết cục là: "anh làm được tôi giữ anh, làm sai mời anh từ chức".

Trong cách quản lý xí nghiệp ở ta, mọi thứ đều từ bên ngoài đưa vào doanh nghiệp. Người giao vốn, chưa hề làm chủ trong cơ sở như chủ tư nhân; nên họ không quy định điều gì từ bên trong. Khi giao vốn cho một giám đốc xí nghiệp - cũng là người làm thuê được đưa vào - thì giám đốc tha hồ vùng vẫy và biến tấu con số!

Cách quản lý mà chúng ta đã từng áp dụng đặt ra được các câu hỏi gì cho các giám đốc nhà nước? Nhìn sang chỗ khác, ta có nghe thấy Unilever bao giờ nêu vấn đề sở hữu vốn của họ ở Việt Nam không? Vì không kiểm soát được hiệu quả của đồng tiền sử dụng, nên mới mắc mứu về sở hữu vốn, rồi về nhiệm kỳ của người phụ trách sở hữu vốn! Càng ngày càng đi xa một vấn đề cốt lõi.

Khắc phục

Nhìn lại một cách công bằng, ta thấy Vinashin đã nảy sinh và tồn tại trong khung cảnh của một sự hiểu biết sai lầm, thiếu thốn về kiến thức lẫn phương pháp của chính nó và - quan trọng hơn - của môi trường quanh nó.

Về điểm sau, tôi xin thêm là cách quản trị khoa học phổ biến ở các nước phát triển và nó đã hoàn thiện từ cuối những năm 1960 (với kế toán quản trị và giám đốc tài chính). Các chuyên gia ở ta am tường về quản trị; nhưng là cách quản trị tiên tiến và hiện đại! Lý do là họ chỉ đi sang các nước Tây phương nhiều từ sau 1995. Khi ấy, các cơ sở huấn luyện bên kia không còn dạy cách quản trị theo khoa học nữa; vì họ phải sửa soạn cho sinh viên của mình đương đầu với những vấn đề của tương lai; chứ ai lại đi thảo luận về những đề tài của năm 1960. Tôi xin đưa ra một sự kiện. Tôi không thấy có nơi nào ở ta có giáo trình dạy cách làm bản ngân sách điều hành trong quản trị kinh doanh. Về ngân sách đầu tư thì có và nó lẫn trong các giáo trình về quản trị tài chính hay về quản trị dự án. Khó tìm thấy sách dạy về cách lập ngân sách điều hành kể cả ở Mỹ. Nếu có thì rất sơ lược. Lỗ hổng về quản trị kinh doanh của ta là ở đó.

Trở lại vấn đề. Các công ty đa quốc hiện vẫn đang tồn tại và phát triển. Chúng làm cho giá thành sản phẩm rẻ hơn và ưng ý với người sử dụng hơn. Họ chính là các tập đoàn. Tập đoàn là kết quả và là nguyên nhân của nguyên lý "sản xuất nhiều giá thành rẻ". Bởi thế, định hướng thành lập tập đoàn ở ta là đúng và cần thiết.

Nhưng muốn cho Vinashin thêm tiền; muốn thúc đẩy tập đoàn thì phải làm hai việc. Đó là, mỗi công ty phải được quản trị theo khoa học. Và, phải để một công ty hoạt động hữu hiệu và hiệu quả tạo lập ra các cái khác; chứ không làm ngược lại. Việc thành lập và điều hành tập đoàn như cách chúng ta đã làm là một sai lầm.

Giao cho SCIC nắm vốn thì cũng chẳng giải quyết được; vì kiểm soát cái gì và đủ người làm không? Vinashin là một bài học rất đắt! Rất đắt vì vài năm trước đây, nhiều chuyên gia đã bàn về nó. Riêng về đề tài quản trị này, thì cách đây khoảng 5 năm tôi đã trình bày tại Sầm Sơn cho một số vị trong Ban Đổi mới Doanh nghiệp Trung ương. Và tất cả đã bay theo gió! Chỉ có Vinashin ở lại!


Tác giả: NGUYỄN NGỌC BÍCH // Theo TuanVietNam

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Tại sao các công ty tồn tại?
  • Vai trò của các chính phủ và sự bình ổn giá
  • Bài học từ Hàn Quốc: Chaebol lũng đoạn chính sách quốc gia như thế nào?
  • Biến đổi tâm lý, lật ngược thế cờ
  • Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Tập đoàn và sự nhầm lẫn về mình
  • Tập đoàn kinh tế: Hành trình cải tổ các Chaebol Hàn Quốc
  • Triết lý làm quan
  • Tập quyền hay phân quyền?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com