Tác giả: Nguyễn Hữu Cúc
Trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam ngày càng phát triển và hoàn thiện, cùng với việc nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thực tế hoạt động kinh doanh đã phát sinh nghiệp vụ giao dịch hợp đồng tương lai (mua, bán hàng hóa trực tiếp trên sàn giao dịch quốc tế). Cụ thể là một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh cà phê trên khu vực Tây nguyên đang thực hiện. Sau cà phê sẽ đến một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như đậu tương, cao su, gạo...
Hợp đồng tương lai là hợp đồng được tiêu chuẩn hóa, chỉ có giá là được thỏa thuận, mỗi hợp đồng đều được qui định một số lượng hàng hóa nhất định, ngày giao hàng và nơi giao hàng được ấn định cụ thể trên thị trường, không có sự đàm phán giữa hai bên tham gia vào hợp đồng. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tham gia việc mua, bán hàng hóa (hiện nay chủ yếu là cà phê) bằng hợp đồng tương lai, các giao dịch của doanh nghiệp được thực hiện trên mạng, tiền thanh toán chuyển khoản, các đối tác không hề biết nhau, không hề đụng đến hàng hóa mình mua, bán.
Trong phạm vi bài viết này không đề cập đến kỹ thuật giao dịch hợp đồng tương lai mà chỉ đề cập đến phương pháp kế toán khi phát sinh nghiệp vụ kinh tế giao dịch hợp đồng tương lai, để đảm bảo đúng chế độ kế toán “phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp”. Hiện nay, giao dịch hợp đồng tương lai tuy đã phát sinh, nhưng trong chế độ kế toán tài chính chưa đề cập đến phương pháp kế toán. Do vậy, qua tìm hiểu thực tế và nghiên cứu chế độ kế toán đã ban hành, người viết muốn trao đổi với bạn đọc về phương pháp kế toán nghiệp vụ kinh tế giao dịch hợp đồng tương lai như sau:
- Về nguyên tắc kế toán:
+ Mở tài khoản ký quỹ tại ngân hàng (nơi môi giới giao dịch giữa doanh nghiệp với thị trường nước ngoài)
+ Nộp tiền bằng ngoại tệ vào tài khoản ký quỹ theo mức quy định của ngân hàng (số tiền này không được hưởng lãi)
+ Mở sổ theo dõi số tiền trong tài khoản ký quỹ và phản ánh theo từng lần giao dịch.
+ Thường xuyên đối chiếu số tiền trong tài khoản ký quỹ
- Về tài khoản sử dụng, chủ yếu sử dụng các tài khoản:
+ TK 144 “Thế chấp, ký quỹ, ký cược ngắn hạn”
+ TK 515 “Doanh thu tài chính”
+ TK 635 “Chi phí tài chính”
(Nội dung, kết cấu tài khoản theo chế độ kế toán quy định)
- Về chứng từ kế toán:
Chủ yếu là hóa đơn thu phí giao dịch và giấy báo của ngân hàng
- Về phương pháp kế toán:
+ Nộp tiền vào tài khoản ký quỹ bằng tiền VND hoặc vay:
Nợ TK 144 - Tỷ giá giao dịch
Có TK 1111, 1121
Có TK 311
Đồng thời ghi Nợ TK 007: số nguyên tệ ký quỹ
+ Nộp tiền vào tài khoản ký quỹ bằng tiền ngoại tệ
Nợ TK 144 - Tỷ giá chi ngoại tệ
Có TK 1112, 1122 - Tỷ giá chi ngoại tệ
+ Kết thúc phiên giao dịch xác định lãi, lỗ. (Lãi, lỗ là khoản chênh lệch giữa giá bán với giá mua.)
- Trường hợp lãi: Giá bán > giá mua
Nợ TK 144 - Tỷ giá giao dịch
Có TK 515 - Tỷ giá giao dịch
Đồng thời ghi Nợ TK 007: số nguyên tệ lãi
- Trường hợp lỗ: Giá bán < giá mua
Nợ TK 635 - Tỷ giá giao dịch
Có TK 144 - Tỷ giá chi ngoại tệ
Có TK 515 - Chênh lệch tỷ giá giao dịch > Tỷ giá chi quỹ ngoại tệ
Trường hợp tỷ giá chi quỹ ngoại tệ lớn hơn tỷ giá giao dịch thì Nợ TK 635 ghi theo tỷ giá chi ngoại tệ.
Nợ TK 635 - Tỷ giá chi ngoại tệ
Có TK 144
Đồng thời ghi Có TK 007: số nguyên tệ lỗ
+ Trả phí giao dịch cho ngân hàng
(Giao dịch mua bán hợp đồng tương lai là giao dịch không thực hiện tại Việt Nam nên không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Do vậy không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của phí giao dịch)
Nợ TK 635 - Tỷ giá giao dịch (phí bao gồm cả thuế GTGT)
Có TK 144 - Tỷ giá chi ngoại tệ
Có TK 515 - Phần chênh lệch tỷ giá giao dịch > tỷ giá chi ngoại tệ
Đồng thời ghi Có TK 007: số nguyên tệ
Trường hợp tỷ giá chi ngoại tệ > tỷ giá giao dịch thì ghi Nợ TK 635 theo tỷ giá chi ngoại tệ
+ Rút tiền từ tài khoản ký quỹ bằng tiền VND
Nợ TK 1111, 1121 - Tỷ giá giao dịch
Có TK 144 - Tỷ giá chi ngoại tệ
Phần chênh lệch tỷ giá giao dịch với tỷ giá chi ngoại tệ phản ánh vào TK 635 hoặc TK 515.
Đồng thời ghi Có TK 007: số nguyên tệ
+ Rút tiền từ tài khoản ký quỹ bằng ngoại tệ
Nợ TK 1112, 1122 - Tỷ giá chi ngoại tệ
Có TK 144
+ Cuối kỳ kết chuyển doanh thu tài chính (TK 515), chi phí tài chính (TK 635) sang tài khoản 911 để xác định kết quả kinh doanh, thực hiện theo chế độ kế toán hiện hành.
+ Cuối năm, nếu tồn tại tài khoản ký quỹ thì phải đánh giá lại khoản mục tiền có gốc ngoại tệ theo chuẩn mực kế toán số 10 “Xử lý tỷ giá”.
(Tác giả: Nguyễn Hữu Cúc // Internet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com