Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Góc khuất của những báo cáo phân tích

Nhiều CTCK chỉ gửi BCPT cho khách hàng VIP, bỏ qua khách hàng nhỏ lẻ

Báo cáo phân tích là một công cụ hỗ trợ đầu tư đắc lực. Nhưng phía sau nó còn nhiều góc khuất của những rủi ro tiềm ẩn.

Không tạo doanh thu trực tiếp như môi giới, nhưng nghiệp vụ phân tích luôn được các CTCK lớn coi là “tảng nam châm” thu hút lượng lớn hệ thống khách hàng: các quỹ lớn nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức, khách VIP… Nhân sự của bộ máy phân tích là nền tảng cho chất lượng của các báo cáo phân tích (BCPT) thị trường cũng như công ty: đưa ra các cơ hội đầu tư, định giá cổ phiếu, nhận định rủi ro, đề xuất mua/bán. Tuy nhiên, chất lượng các BCPT có đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai các xung đột lợi ích tiềm ẩn không ?

Sự bi quan

Tiếng tăm của khối phân tích thuộc CTCK H. được khá được nhiều người biết đến. Trưởng bộ phận là một chuyên gia nước ngoài am hiểu về kinh tế vĩ mô Việt Nam, có thâm niên đầu tư trên thị trường mới nổi này, khác hẳn với đánh giá xa vời của các chuyên gia phân tích thuộc các tổ chức nước ngoài M.L, M.S... Quý II/2009, trước biến động mạnh của khủng hoảng, công ty đã đưa những dự báo phân tích sát với xu thế lên của thị trường, được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao. Nhưng ngay sau đó, nhận định khá bi quan của công ty về thị trường đã gây ra hiệu ứng trái chiều vì giới đầu tư cho rằng CTCK đang có ý “đánh xuống” để gom hàng trong khi thị trường Việt Nam diễn biến tích cực với sự phục hồi của kinh tế thế giới. Rõ ràng, uy tín là một chuyện, nhưng việc lạm dụng uy tín để hành động vì mục đích riêng, bỏ qua thực tế khách quan lại là một chuyện không thể chấp nhận được. Ngay sau làn sóng phản đối, CTCK H. đã chính thức xin lỗi vì sự bi quan thái quá về nhận định thị trường trong các báo cáo phân tích của mình.

Sự lạc quan

Ở khía cạnh ngược lại, CTCK S. cũng thuộc hàng top, liên tục đưa ra nhận định thị trường sẽ đạt đỉnh 1.000 điểm trong năm 2010 (tương đương mức tăng trưởng 100%!). Bản phân tích thị trường hàng ngày mà công ty này đưa ra được ủng hộ bằng các giả thuyết về phân tích kỹ thuật, mà bỏ qua yếu tố cơ bản về chính sách tiền tệ, tiềm ẩn lạm phát.

Sự lạc quan trong nhận định của công ty này không phải ngẫu nhiên, vì nhà đầu tư khôn ngoan sớm nhận ra bản chất của vấn đề. Trong năm nay, ít nhất 2 công ty có liên quan của CTCK S. sẽ chào sàn với mức giá cao 4x - 5x, do vậy, rất cần sự thuận lợi của thị trường niêm yết. Viễn cảnh thị trường được đẩy lên quá đà khiến cho nhiều người không tránh khỏi ngạc nhiên và đặt dấu hỏi cho uy tín, chất lượng các BCPT của CTCK này.

Trong hai ví dụ điển hình trên, người ta không tìm thấy tính khách quan, trung thực cần có trong các báo cáo phân tích, mà có thể nhận thấy đều là các lý do có chủ đích. Phải chăng uy tín của bộ phận phân tích thường bị đe dọa và bóp méo bởi những động cơ lợi ích riêng lẻ?

Đặt lợi ích của công ty lên trên lợi ích khách hàng

Không phải ngẫu nhiên mà các CTCK tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu công ty ABC hay một bài báo PR cho cổ phiếu tiềm năng sắp niêm yết nếu như họ không sở hữu cổ phiếu này. Thời điểm trước khi diễn ra hội thảo, thanh khoản của loại cổ phiếu thường được cải thiện đáng kể nhờ vào yếu tố “bàn tay vô hình” can thiệp.

Theo đánh giá phân tích của CTCK, giá trị nội tại của cổ phiếu này thường lớn hơn 20 - 30% giá thị trường của cổ phiếu ABC (đối với khuyến nghị mua). Thông tin mà nhà đầu tư khó có thể tìm thấy trong báo cáo phân tích là tình trạng sở hữu cổ phiếu ABC của CTCK. Khuyến nghị mua và nắm giữ đến mức giá mục tiêu (dành cho khách hàng) hoàn toàn có thể trái ngược với hành động bán của CTCK nếu họ đã gom đủ số lượng cổ phiếu trôi nổi cần thiết. Rủi ro về xung đột lợi ích như vậy xảy ra khá phổ biến và được ghi chú bằng điều khoản miễn trách nhiệm (disclaimer) của CTCK. Hiện nay, chưa có văn bản luật chứng khoán nào quy định về sự công khai xung đột lợi ích này, mà người ta chỉ nhắc đến phạm trù đạo đức nghề nghiệp điểu chỉnh hành vi những người hành nghề chứng khoán mà thôi.

Sự bất đồng

Xung đột lợi ích không chỉ diễn ra giữa CTCK và khách hàng mà diễn ra ngay trong nội bộ các phòng, khối kinh doanh của CTCK. Với CTCK T., doanh thu lớn từ mảng môi giới có được là nhờ vào chiến lược mở rộng nhiều phòng môi giới khác nhau và mỗi phòng có thể đưa ra những báo cáo phân tích, nhận định thị trường/cổ phiếu hoàn toàn trái ngược nhau. Trước giờ giao dịch, khách hàng sẽ rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” khi một phòng môi giới đưa ra nhận định nên bán cổ phiếu XYZ, trong khi phòng môi giới kia đưa ra nhận định mua vào XYZ. Cơ chế quản lý không đồng bộ và nhất là bất đồng trong cách nhận định thị trường làm phát sinh xung đột lợi ích giữa các nhóm khách hàng trong cùng CTCK, làm giảm uy tín và hình ảnh bộ phận phân tích/tư vấn đầu tư đối với nhà đầu tư.

Phát hành báo cáo

Để đảm bảo các báo cáo đến tay các khách hàng cùng lúc, cách làm phổ biến mà các CTCK thường chọn là đăng tải trên website chính thức của công ty hay gửi email tới toàn bộ khách hàng. Không phải tất cả CTCK đều đối xử với các khách hàng bình đẳng như vậy, mà nhiều CTCK chỉ gửi các BCPT đặc biệt cho khách hàng VIP mà bỏ qua các khách hàng nhỏ lẻ thông thường. Sự tiếp cận thông tin, các báo cáo chậm trễ có thể làm mất đi cơ hội đầu tư, và nảy sinh mâu thuẫn quyền lợi giữa hai nhóm khách hàng trên.

Độc lập là điều kiện cần, giám sát là điều kiện đủ

Nhà đầu tư cần có sự đánh giá thận trọng hơn là tin tưởng tuyệt đối vào các báo cáo phân tích.

Một số CTCK đã chia tách bộ máy thành hai mảng chuyên biệt: phân tích đầu tư và phân tích cho khách hàng. Rõ ràng, bản thân hoạt động môi giới và đầu tư của CTCK vốn dĩ đã chứa đựng sự xung đột lợi ích, do vậy, công cụ hỗ trợ đầu tư cho 2 bộ phận này cũng cần hoạt động độc lập. Độc lập là điều kiện cần, tuy nhiên chưa đủ.

Điều kiện đủ là sự giám sát bảo mật thông tin trong nội bộ khối phân tích, đặc biệt các chuyên viên phân tích (CVPT) có tầm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng báo cáo phân tích. Giá chứng khoán phụ thuộc vào biến động của cung - cầu và sự xuất hiện của thông tin ảnh hưởng. Nếu CVPT nắm bắt được thông tin bảo mật của doanh nghiệp và phát tán theo cách không chính thống, hoạt động đầu tư của CTCK hoặc khách hàng của công ty sẽ gặp bất lợi do giá chứng khoán biến động quá nhanh trước khi báo cáo phát hành. Thực tế đã chứng minh, nhiều CVPT đã thâu tóm được cơ hội làm giàu cho bản thân nhờ “đi tắt đón đầu” trước các thông tin đầu tư của các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài. “Hàng rào thông tin” để kiểm soát các thông tin bảo mật vẫn còn chưa được xây dựng và kiểm soát chặt chẽ ngay trong bản thân doanh nghiệp niêm yết lẫn CTCK phân tích doanh nghiệp đó. Đó là nguyên nhân gây ra hiện tượng giao dịch nội gián diễn ra rất phổ biến ở thị trường non trẻ như Việt Nam.

(Theo Anh Quân // Báo Doanh nhân)

  • Các ngân hàng châu Âu rầm rộ M&A
  • Mua bán sáp nhập DN (M&A) 2010: Liệu có thương vụ khủng?
  • M&A - Một cách để phát triển
  • Cẩn trọng với mua bán doanh nghiệp
  • CFO giỏi là phải biết nói?
  • Tài chính vi mô và xã hội Trung Quốc
  • Thảo luận: Quản lý rủi ro trong một thế giới mới
  • Muốn lớn và mạnh, phải chủ động khi mua bán – sáp nhập
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com