Những ánh mắt của người nghe trong khán phòng bỗng trở nên chăm chú khi đến phiên một diễn giả trẻ lên diễn đàn trình bày về Việt Nam. Giám đốc chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh, sau khi trình bày hàng loạt những vấn đề nổi cộm gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam như sự phình to của khu vực nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp, chi phí phát triển hạ tầng rất cao, thâm hụt ngân sách lớn… đã kết luận: “Đây chính là thời điểm Việt Nam cần khắc phục những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế”. Cử toạ gồm thống đốc và phó thống đốc ngân hàng Nhà nước và hơn 140 quan chức cấp cao như bộ trưởng, thứ trưởng Tài chính, thống đốc, phó thống đốc NHTW từ 16 quốc gia đến Việt Nam đầu tuần để chia sẻ kinh nghiệm sau khủng hoảng đều nhất tề vỗ tay tán thưởng bài trình bày đó.
Thật ra, những ý kiến của giới học giả trong và ngoài nước thúc giục Việt Nam có những biện pháp căn bản nhằm lành mạnh hoá và giải quyết những yếu kém nội tại của nền kinh tế ngày càng nhiều lên trong thời gian gần đây, nhất là khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang dần đi qua. Người ta lo, có thể Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế khi cuộc khủng hoảng qua đi. Tại một diễn đàn trước đó, GS Nhật Kenichi Ohno, người có 16 năm nghiên cứu về Việt Nam cũng đã mạnh mẽ kêu gọi Việt Nam thực hiện những thay đổi trong quá trình hoạch định chính sách nhằm đạt được bước phát triển lành mạnh tiếp theo. Bài nghiên cứu của vị giáo sư này có tên gọi “Tránh bẫy thu nhập trung bình: đổi mới hoạch định chính sách công nghiệp ở Việt Nam” đã được ông cho đăng trên tạp chí ASEAN Economic Bulletin, rồi trình bày rộng rãi tại nhiều cơ quan hoạch định chính sách khác nhau ở Hà Nội với hy vọng sẽ có tác động lên suy nghĩ của những nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Kết thúc bài nghiên cứu công phu, giáo sư nói với cử toạ là các quan chức Việt Nam: “Có thể có nhiều người nói rằng, thưa ông Ohno, ý tưởng của ông thì rất hay, nhưng chưa cụ thể, tôi đã nghe rất nhiều những đánh giá như vậy, và muốn nghe nhiều chi tiết hơn. Nhưng nói như vậy là chưa biết làm chính sách. Vì tôi nghĩ những người làm chính sách chỉ có những điểm chung là chưa đủ, các bạn còn phải có quan điểm riêng… Tuy nhiên, điều tối quan trọng là Chính phủ có nhận thức làm chính sách theo hướng này đã. Nếu Chính phủ không có cam kết và chỉ đạo chung thì không có ai làm cụ thể”. Điều đáng ngạc nhiên, cử toạ là các công chức đến từ các bộ Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Tài chính, ngân hàng Nhà nước,… đều vỗ tay tán thưởng ý kiến đó.
Hai câu chuyện trên, cũng như những câu chuyện trên nhiều diễn đàn khác như hội nghị các nhà tài trợ và Chính phủ, hay diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam kèm theo sự kiện này, hay các kỳ họp quốc hội gần đây… cho thấy, cả các nhà lãnh đạo lẫn giới học giả trong nước và quốc tế đều thừa nhận những bất ổn trong nền kinh tế cũng như những thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô. Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giải thích: “Ông Tự Anh nêu ra một số thách thức của Việt Nam mà chúng ta cho rằng những điều đó là hiển nhiên… Đang có một loạt vấn đề đặt ra với chính phủ và hiện nay Chính phủ nắm rất rõ các thách thức này”.
Câu hỏi đặt ra: làm sao để xây dựng những chính sách dài hạn, tổng thể, hay ít nhất ngắn hạn để khắc phục những nhược điểm mang tính cơ cấu đó, mà thâm hụt ngân sách là một ví dụ. Ông Tự Anh, chỉ tay vào biểu đồ thống kê của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), theo đó thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã đặc biệt trở nên trầm trọng kể từ năm 2006 tới 2010 (từ 4 lên 10,2% GDP – khác xa so với giai đoạn 2001 – 2006 khi con số này chỉ quanh quẩn 4 – 5% GDP, đúng theo chỉ tiêu của Quốc hội), nhận xét rằng kỷ luật ngân sách là lỏng lẻo. Ông nói: “Thâm hụt ngân sách thế thì chả còn mấy không gian nữa để xoay xở”. Vấn đề này, ai cũng thấy nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
Nhưng cũng chưa chắc đã công bằng khi đổ lỗi cho các cơ quan hoạch định chính sách. Một thứ trưởng xin giấu tên kể rằng, ông chỉ được cấp bảy triệu đồng để soạn thảo và lấy ý kiến cho một thông tư, 15 triệu đồng cho một nghị định – một mức rất thấp. Trong khi đó, một số chuyên viên chính có trình độ cao có thể giúp ông soạn thảo những văn bản quan trọng đó lại hưởng lương tháng vỏn vẹn có hai triệu đồng/tháng, khó mà nuôi thân chứ đừng nói đến gia đình. Một số người đã có ý định ra đi. Để giữ lại những nhân viên này, ông thứ trưởng đã phải dựa vào mối quan hệ riêng để xin việc cho vợ của những chuyên viên đó. Ông nói: “Cho nên đừng trách những chính sách của chúng tôi, nếu có gì chưa đúng”.
Không phải bàn cãi, dù nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục trong hai thập kỷ vừa qua, nó vẫn còn những khiếm khuyết. Những lời khen ngợi hay phê phán, dù từ bên trong hay bên ngoài, hiển nhiên sẽ giúp quá trình phát triển tốt hơn. GS David Dapice, người đã góp ý tới bốn bản báo cáo về kinh tế Việt Nam cho Chính phủ, nhận xét: “Một số chuyên gia thì tương đối cẩn trọng, một số khác thì phê phán hơn, nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang làm tương đối tốt. Tuy nhiên, Việt Nam đang có những vấn đề của riêng mình, và không thể một mình giải quyết được những vấn đề đó. Tựu trung lại, tôi cho rằng Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng tương đối tốt trong vài năm tới, nếu quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn”.
(Theo Tư Giang // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com