Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chưa già đã lẫn…

“Nhớ nhắc nhé, kẻo bận quá lại quên”… “Thôi chết, quên mất rồi!”. Những câu nói cửa miệng này gần như trở thành lời chào, lời tạm biệt của dân công sở. Về mặt công việc, rõ ràng là họ đang bận rộn. Nhưng ở góc độ sức khỏe, đó là sự khởi đầu của hội chứng “chưa già đã lẫn”. 

Nếu chỉ quên những điều nên quên thì còn gì bằng! Khốn thay, “sự quên” ở đây nằm ngoài sự điều khiển của chúng ta. Anh kia cuống lên tìm mục kỉnh đang nằm trên sống mũi, chị nọ hoảng hốt tìm di động đang áp vào tai. Một Trưởng phòng nhân sự vốn chỉn chu, cẩn thận luôn khóa cổ, khóa càng xe máy nhưng thỉnh thoảng lại quên... không rút chìa khóa. Một anh vừa đến cơ quan nhớ ra để quên tập tài liệu ở nhà, vội quay về lấy, nhưng về đến nhà anh lại thơ thẩn vẩn vơ không biết mình về nhà để làm gì…

Đâu là nguyên nhân?

Bác sĩ Cao Độc Lập (BS chuyên khoa II, PGĐ BV Hồng Ngọc) cho biết, chứng hay quên thường do hai nguyên nhân gây nên:

- Có tổn thương thực thể trong não như: nhồi máu não, teo não, do các bệnh thần kinh thường kèm các khiếm khuyết thần kinh... Loại này xảy ra ngay sau khi mắc bệnh và tiến triển ngày càng nặng.

- Không có tổn thương thực thể trong não, mà do tác động của ngoại cảnh như: công việc căng thẳng, có nhiều mối lo âu, stress. Những người phải sống trong một môi trường thường xuyên có tiếng ồn cũng rất dễ bị giảm trí nhớ (cá biệt, một số phụ nữ đang mang thai cũng bị đãng trí).

Khởi đầu của sự đãng trí là stress. Khi bị stress, bạn sẽ có biểu hiện như lo lắng, tức ngực, hồi hộp, mất ngủ, dễ gắt gỏng, cáu kỉnh, mất khả năng tập trung, đau mỏi cơ thể, buồn rầu, luôn cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, ăn kém, ngủ kém, cũng có khi nằm xuống là ngủ lịm vì mệt mỏi.

Đi tìm trí nhớ

Để không trở thành nạn nhân của hội chứng dở khóc dở cười này, hãy tạo cho mình những thói quen để tránh quên như, trên bàn làm việc luôn có giấy ghi nhớ lịch làm việc cụ thể  của từng ngày, từng tuần. Trước khi rời nơi làm việc, cần rà soát lại những việc đã làm trong ngày và liệt kê, sắp xếp công việc tiếp theo cho ngày mai. Có việc gì đột xuất, lập tức phải ghi nhớ ngay, có thể ghi nhớ vào điện thoại, giấy note dán lên tường trước mặt, hay nhờ người bên cạnh nhắc nhở giúp. Không nên ôm đồm quá nhiều việc một lúc.

Còn khi cảm thấy mình có những triệu chứng hay quên và những triệu chứng đó có vẻ ngày càng nặng lên, tốt nhất bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tâm thần. Tại đây, bạn sẽ được bác sĩ làm những test chuẩn, kiểm tra trí nhớ để phát hiện bệnh nếu nó thực sự xảy ra và có phương pháp xử lý đúng tình trạng bệnh.

Dùng  thuốc:

Bác sĩ Cao Độc Lập cho biết, các loại thuốc để khắc phục tình trạng này là các thuốc tăng cường lưu huyết não như: hoạt huyết dưỡng não, Tanacan… Ngoài ra còn có các loại thuốc chống thoái hóa não như vitamine E, vitamine C... Đó là những thuốc có tác dụng chống ôxy hóa, giúp bảo vệ tế bào, đặc biệt là giúp các tế bào não tránh khỏi tác hại của các gốc tự do được sản sinh trong quá trình thoái hóa não. Tuy nhiên, khi dùng thuốc phải theo lời khuyên của bác sĩ chứ không nên tự chữa!

Đánh thức trí nhớ:

Hãy sắp xếp đồ vật với những chỗ cố định cho dễ nhớ, nghe nhạc nhẹ nhàng, học thuộc lời bài hát, đọc sách. Nhớ lại các kỷ niệm, những dấu ấn của mình; kể lại hoặc viết ra giấy… Sắp xếp lại lịch làm việc, chế độ nghỉ ngơi điều độ, lập thời gian biểu và danh sách những việc cần làm trong ngày rồi ghi ra giấy và dán ở vị trí dễ nhìn nhất. Cho đầu óc thư giãn và nghỉ ngơi khi ra khỏi văn phòng, tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời như thể thao, thể dục...

Quẳng gánh lo đi mà vui sống:

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng “chưa già đã lẫn” phần lớn là do stress từ cuộc sống, công việc bận rộn, nhiều áp lực.

Một nguyên tắc hết sức đơn giản mà hiệu quả: không nên phức tạp hóa mọi việc. Biết quên đi những muộn phiền, khi thất bại đừng quá dằn vặt bản thân, bởi tình cảnh không thể thay đổi được. Biết tìm niềm vui từ những điều đơn giản nhất và hài lòng với những gì mình đang sở hữu. Luôn nhớ là lòng bao dung sẽ cho chúng ta sự thanh thản và nhẹ nhàng, tránh xa được lo âu và tâm trạng nặng nề. Dù chưa quá mệt mỏi bạn cũng cần nghỉ ngơi để cơ thể khỏe mạnh, trí óc luôn tỉnh táo và minh mẫn…

Lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng: Trí nhớ sẽ hoạt động tốt hơn nếu nó được cung cấp năng lượng đầy đủ và thường xuyên, do đó đừng bỏ qua những thực phẩm có lợi cho trí nhớ sau đây:

Thực phẩm giàu đường: những thực phẩm tốt cho trí nhớ là những thực phẩm giàu đường như chuối, mít, cung cấp glucô cho não, đặc biệt là vùng trí nhớ và các nơron thần kinh.

Thực phẩm giàu hydratcacbon: ngũ cốc, hoa quả và rau xanh như cà chua, bắp cải tím, dưa đỏ chứa các loại vitamin C, B, A, E, nguyên tố Mg giúp não hoạt động tốt.

Thực phẩm chống oxy hóa: hỗ trợ lưu thông khí oxy khắp cơ thể và lần lượt kích thích hoạt động não bộ. Những thực phẩm có chứa chất chống ôxy hóa là bông cải xanh, đậu đỏ, việt quất, dâu tây, cà chua, nho đỏ và tỏi.

Vitamin C: vitamin C và giữ cho hệ thống miễn dịch hoạt động ở mức tối ưu, ngăn chặn chứng trầm cảm, giảm chứng tâm thần và mất trí nhớ. Vitamin C có trong măng tây, cải xoăn, khoai lang, dưa đỏ, củ cải, bắp cải đỏ, dưa hấu, anh đào...

Chất xơ: Những thực phẩm giàu chất xơ giúp chống lại bệnh tiểu đường và chứng mất trí nhớ.

Thực phẩm giàu DHA và axit béo omega-3: Những chất này cải thiện chức năng của dây thần kinh và có nhiều trong các loại cá. Phần lớn não bộ được tạo từ chất béo. Dầu cá sẽ giúp cải thiện tinh thần và bộ nhớ hoạt động ở mức cao nhất. Các loại cá như cá hồi, cá thu và cá mòi cung cấp nhiều chất béo chưa no và omega-3.

Thực phẩm cung cấp vitamin B6: Bộ não của chúng ta cần Vitamin B6 để sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, cho phép máu lưu thông trong một số bộ phận não bộ. Carbohydrates cũng rất quan trọng đối với não bộ bởi vì đây là nguồn nhiên liệu duy nhất mà não bộ sẽ sử dụng. Khoai lang là một nguồn cung cấp dồi dào các vitamin B6 và chứa nhiều carbohydrates, chất chống oxy hóa.

Thức uống: trà, cacao, là những thức uống tốt cho trí nhớ nhưng nên tránh cà phê, vì đồ uống này làm tăng huyết áp, nhịp tim và gây stress.

Còn các nhà dinh dưỡng học cổ truyền phương Đông cho rằng, để bộ nhớ hoạt động tốt, phải đảm bảo chế độ ăn uống mang tính chỉnh thể (đầy đủ), bình hành (cân đối) và tam nhân chế nghi (hợp lý). Đặc biệt lưu ý một số đồ ăn thức uống có công dụng kiện não ích trí nhằm mục đích cải thiện trí nhớ, dự phòng tích cực chứng kiện vong (hay quên), như não lợn, trứng chim bồ câu, trứng chim cút, mật ong, long nhãn, nấm linh chi, nhân sâm, hạt sen…

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • TS. Nguyễn Quang A: Nhìn lại các tập đoàn kinh tế nhà nước
  • "Hiệu ứng Domino" trong cơ cấu kinh tế toàn cầu
  • Hiệu trưởng Faust: Harvard phải đi đầu trong giai đoạn bất ổn
  • Toàn cầu hóa và những hiểu lầm
  • "Quan sát thế giới từ sau cái bàn là việc nguy hiểm"
  • Những giá trị ưu tiên của cuộc sống
  • Quy hoạch để làm gì?
  • Tập đoàn: Mắc mứu giữa sở hữu vốn và sử dụng vốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com