Nhận thêm các doanh nghiệp của Vinashin, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thêm gánh nặng (trong ảnh: Vinalines bốc hàng xuất khẩu lên tàu). |
Cuộc họp báo thường kỳ nhưng với nội dung đặc biệt của Chính phủ chiều 4-8 và quyết định chiều cùng ngày khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình, một lần nữa, khiến dư luận chú ý đến vấn đề các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Quá mức và điều chỉnh
Các chuyên gia đã cảnh báo từ hơn bốn năm nay về các tập đoàn kinh tế nhà nước. Chúng đã được thành lập mà không có cơ sở pháp lý tương ứng. Ngoài ra, các tập đoàn hoạt động không hiệu quả và nhiều cảnh báo về những rắc rối pháp lý, kinh tế và khả năng đổ vỡ đã được đưa ra. Song đáng tiếc, nhiều người đã quá “say sưa với mô hình vĩ đại” với “các quả đấm thép”. Sự đổ vỡ của Vinashin phải là một lời cảnh báo nghiêm túc để kịp thời ngăn chặn những ý tưởng tương tự.
Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ lệ cao (trên dưới một nửa) trong tổng đầu tư xã hội nhưng tỷ lệ đóng góp vào thu nhập quốc dân (GDP) không cân xứng, chỉ ở mức 37-39% và tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% tổng số lao động.
Suốt hàng chục năm, khu vực kinh tế nội địa, mà có lẽ chủ yếu là khu vực kinh tế nhà nước, luôn nhập siêu ở mức cao, khu vực đầu tư nước ngoài lại xuất siêu. Nói cách khác, các doanh nghiệp nhà nước đã tiêu dùng và đầu tư hơn mức nó tạo ra rất nhiều trong thời gian dài. Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát.
Ý tưởng về có các doanh nghiệp quốc doanh, các tập đoàn mà nhà nước đầu tư và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo để làm công cụ cho Nhà nước điều khiển không phải là lựa chọn khôn ngoan vì Nhà nước không phải lúc nào cũng điều khiển được chúng (vấn đề về người ủy thác, người chủ (nhà nước) và những người được ủy thác).
Nên tận dụng tình trạng khó khăn hiện nay của Vinashin để xem xét lại tận gốc rễ căn nguyên của vấn đề và đẩy nhanh việc cải tổ không chỉ Vinashin mà cả các tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung.
Không còn là mặc nhiên
Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước đã có những thay đổi trong quan niệm của Đảng và được ông Trần Đức Nguyên, nguyên trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng tóm tắt lại như sau:
Đối với kinh tế quốc doanh, nhận thức về vị trí của khu vực kinh tế này được điều chỉnh từng bước trong tiến trình đổi mới. Đại hội VI (12-1986) gắn vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh với việc “chiếm tỷ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông”; Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) vẫn đặt quốc doanh vào vị trí chủ đạo, nhưng “không nhất thiết chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành, nghề”.
Vào đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước), kinh tế quốc doanh đang nắm vai trò chi phối nền kinh tế với 12 nghìn xí nghiệp (toàn bộ vốn đều thuộc Nhà nước), chiếm tỷ trọng lớn và giữ những vị trí then chốt trong các ngành phi nông nghiệp. Cương lĩnh 1991 chỉ nêu gọn “Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”.
Chiến lược 1991 nói rõ hơn: “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động mà các thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh... Những cơ sở không cần giữ hình thức quốc doanh thì Nhà nước chuyển hình thức kinh doanh, hình thức sở hữu hoặc giải thể, đồng thời có chính sách giải quyết việc làm và đời sống cho người lao động”.
Quan điểm này một mặt tạo tiền đề cho sự phát triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là kinh tế tư nhân; mặt khác, không coi vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh là điều mặc nhiên mà phải gắn với việc “sắp xếp lại, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý, kinh doanh có hiệu quả, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác, thực hiện vai trò chủ đạo và chức năng của một công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Các xí nghiệp quốc doanh hoạt động theo nguyên tắc tự chủ kinh doanh, tự trang trải và tích luỹ trong môi trường hợp tác, cạnh tranh; Nhà nước chỉ tài trợ có thời hạn cho một số cơ sở thật sự cần thiết”.
Chủ trương đó đã thúc đẩy việc đổi mới khu vực kinh tế quốc doanh, giảm mạnh số xí nghiệp, tiến hành cổ phần hóa và đổi mới cơ chế, nâng cao tính tự chủ của xí nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, khu vực quốc doanh chưa thật sự đảm nhiệm được vai trò chủ đạo vì nhìn chung kém hiệu quả hơn các khu vực khác, vẫn còn dựa dẫm, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước dưới nhiều hình thức và còn bị ràng buộc bởi cơ chế chủ quản của cơ quan hành chính.
Từ thực tế đó, để định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ, kiểm soát được các hoạt động trong nền kinh tế, Nhà nước phải sử dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế của mình, không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước, mà còn có các nguồn lực quan trọng khác, như ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác (ngoài doanh nghiệp nhà nước), dự trữ nhà nước, tài nguyên quốc gia, đặc biệt là đất đai.
Với nhận thức đó, Đại hội VIII (6-1996) xác định vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế không chỉ đặt vào các doanh nghiệp nhà nước mà dựa vào toàn bộ kinh tế nhà nước bao gồm đầy đủ các nguồn lực nêu trên. Quan điểm này điều chỉnh sự đánh giá quá mức về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách các doanh nghiệp này.
Mỏ than Quảng Ninh . Ảnh: ST |
Xem xét việc sử dụng nguồn lực và thành tích của khu vực kinh tế nhà nước, chúng ta sẽ rút ra kết luận gì?
Thành tích là thành tích nào
Về công nghiệp, tỷ trọng của kinh tế nhà nước trong công nghiệp giảm là dấu hiệu lành mạnh, nhưng các con số giá trị sản xuất công nghiệp do kinh tế nhà nước tạo ra so với mức nguồn lực mà nó sử dụng là rất không tương xứng.
Về nông lâm ngư nghiệp, chúng tôi không kiếm được số liệu thống kê phân theo thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Song có thể khẳng định rằng trong khu vực này vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và FDI là không đáng kể.
Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế năm 2007 ước đạt 726,1 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2006, trong đó kinh tế cá thể chiếm 56,2% và tăng 25,9%; kinh tế tư nhân chiếm 28,8% và tăng 30,3%; khu vực kinh tế nhà nước chiếm 10,9%, giảm 1,3% so với năm 2006.
Có thể nói, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước trong thương mại nội địa không lớn và theo xu hướng tái cơ cấu rất đáng khích lệ này, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước trong thương mại nội địa sẽ trở nên không đáng kể trong tương lai.
Về xuất nhập khẩu, không có số liệu thống kê chi tiết về xuất nhập khẩu phân theo khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực tư nhân ngoài nước (FDI), chúng tôi chỉ có thể lấy những số liệu của Tổng cục Thống kê về xuất nhập khẩu, phân ra khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế FDI.
Một điều hết sức đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước liên tục nhập siêu với mức độ ngày càng tăng suốt 13 năm, từ 1995 đến nửa đầu 2008, trong khi khu vực kinh tế FDI liên tục xuất siêu cũng với nhịp độ ngày càng tăng. Đây là một hiện tượng không phải “bình thường” như các nhà chức trách đã lý giải suốt cả chục năm nay rằng “chúng ta nhập siêu máy móc, nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm xuất khẩu trong tương lai” và họ mới chỉ chấp nhận coi sự mất cân đối này là nguy hiểm vài ba tháng nay.
Cái nằm đằng sau sự bất cân đối cán cân thương mại nghiêm trọng này là chính sách “thay thế hàng nhập khẩu” vẫn được duy trì từ lâu và khu vực kinh tế nhà nước là khu vực đi đầu trong việc gây ra mất cân đối nghiêm trọng này.
Rất tiếc chúng tôi không có số liệu để tách các số liệu xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước thành của khu vực kinh tế nhà nước và của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng chúng tôi phỏng đoán rằng khu vực tư nhân trong nước không phải là thủ phạm chính trong gây ra sự mất cân đối này. Để tạo cơ sở chứng cứ cho phỏng đoán này, cần nghiên cứu chi tiết hơn. Nhưng có thể cảm nhận thấy cơ sở của phỏng đoán này khi xem xét cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.
Và thấy rằng hàng công nghiệp nhẹ chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân và FDI xuất khẩu, hàng tiểu thủ công nghiệp do khu vực tư nhân trong nước làm ra. Các mặt hàng nông sản, thủy sản và lâm sản chủ yếu do khu vực tư nhân trong nước xuất khẩu. Các khoản này chiếm khoảng 2/3 xuất khẩu. Nói cách khác phần xuất khẩu của khu vực tư nhân trong nước là đáng kể.
Về nhập khẩu, chủ yếu là nhập tư liệu sản xuất (luôn hơn 92%) trong đó nhiên liệu chỉ do các doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu, nguyên vật liệu và máy móc cả ba khu vực đều nhập (song FDI luôn xuất siêu, nên không ảnh hưởng gì) và rất có thể khu vực tư nhân trong nước nếu không xuất siêu thì tỷ lệ nhập siêu cũng không thể lớn.
Nói cách khác phỏng đoán của chúng tôi rằng khu vực kinh tế nhà nước là tác nhân gây nhập siêu chính có vẻ có cơ sở (dầu, than, một phần hàng công nghiệp nhẹ là do các doanh nghiệp nhà nước xuất; trừ các thứ này hầu như mọi thứ nhập khẩu của các tập đoàn đều phục vụ cho sản xuất các hàng hóa thay thế nhập khẩu; tỷ lệ nhập hàng tiêu dùng chỉ ở mức 6-8%).
Sẽ là một nghiên cứu lý thú để có số liệu chứng minh hay bác bỏ phỏng đoán này.
Xem xét việc sử dụng nguồn lực và thành tích của khu vực kinh tế nhà nước, chúng ta không thể không rút ra kết luận: nguồn lực sử dụng và thành tích là hết sức không cân xứng. Nó sử dụng quá nhiều nguồn lực, song thành tích lại kém, hoạt động không hiệu quả và là căn nguyên gây ra những bất ổn và mất cân đối kinh tế vĩ mô.
Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Ý tưởng có các doanh nghiệp quốc doanh, các tập đoàn mà nhà nước đầu tư và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo để làm công cụ cho nhà nước điều khiển, để biến chúng thành “lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế” là một cám dỗ quyền lực hấp dẫn. Phải xem xét lại tận gốc rễ vai trò của kinh tế nhà nước và đẩy nhanh việc cải tổ chúng. |
Nhiều ưu ái, lợi bất cập hại
Chính vì muốn khu vực kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo nên khu vực này đã được hưởng nhiều ưu ái. Chúng được độc quyền kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, được sử dụng những nguồn lực to lớn của đất nước như tài nguyên, đất đai và vốn đầu tư, được ưu đãi tín dụng, v.v.
Các ngân hàng thương mại quốc doanh được ngân sách nhà nước và bảo hiểm xã hội gửi gần 100 ngàn tỷ đồng trong thời gian dài với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
Các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ vay hộ tiền để kinh doanh và đầu tư hay được nhà nước bảo lãnh cho các khoản vay của mình (thí dụ 750 triệu USD chính phủ đi vay và cho Vinashin vay lại, hay tạo mọi điều kiện để Vinashin vay vốn và chỉ khi sự sụp đổ đã xảy ra mới thấy tổng nợ nần khoảng 80.000 tỷ đồng (cỡ 4 tỷ USD bằng khoảng 4% GDP năm 2009!).
Khi các doanh nghiệp nhà nước, gặp khó khăn thì nhà nước cứu trợ, khoanh nợ, bơm thêm vốn, v.v. Cách ứng xử như thế đã kéo dài hàng thập kỷ.
Chúng như những đứa con cưng luôn được nhà nước nuông chiều. Nói cách khác, nhà nước làm mềm ràng buộc ngân sách của chúng. Ràng buộc ngân sách càng mềm doanh nghiệp hoạt động càng không hiệu quả.
Tuy đã có những chủ trương cải cách khu vực kinh tế nhà nước nhưng việc cải cách diễn ra hết sức chậm chạp. Các chủ trương đang được vận hành có cải thiện so với trước, nhưng vẫn mang nặng tư duy bắt khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, còn nhiều mâu thuẫn và mang tính khẩu hiệu, khó khả thi.
(Theo Nguyễn Quang A // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com