Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hiệu trưởng Harvard: “Đại học trong quá trình thay đổi thế giới”

Trong bài phát biểu với sinh viên Học viện Hoàng gia Ailen tại trường Trinity, Dublin ngày 30/6, Hiệu trưởng Đại học Harvard - bà Drew Faust, đã nói về “Vai trò của Đại học trong quá trình thay đổi thế giới.” Vừa bày tỏ sự vui mừng vì sự phát triển của giáo dục trên toàn cầu, hiệu trưởng Faust cũng cảnh báo về những sức ép ngày càng cao đang đe dọa đến sự phát triển ấy. Trong khi ca ngợi vai trò hướng nghiệp của giáo dục đại học, bà cũng bảo vệ vai trò ngày càng quan trọng của yếu tố con người.

Đại học: nền tảng cho thịnh vượng cá nhân

Khi tôi được biết sẽ tham dự cùng các bạn ở đây ngày hôm nay, tôi nghĩ ngay tới một câu chuyện có liên quan đến nhà thơ Robert Frost khi ông ấy được mời đọc thơ tại lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống John F. Kennedy, vốn là một sinh viên Mỹ-Ailen nổi tiếng nhất của trường Harvard. 

Sau buổi lễ, Frost tới gặp tổng thống mới và nói “Anh có một chút chất Ailen, một chút chất của Harvard. Để tôi khuyên anh, hãy “Ailen” nhiều hơn “Harvard” nhé!”

Tôi e rằng với cá nhân tôi, sự cân bằng thay đổi theo một chiều hướng khác và rằng các bạn sẽ cảm nhận được rất nhiều giá trị Harvard từ tôi, ít nhất thì đó cũng là sự phản ánh những kinh nghiệm mà tôi đã thu thập được nơi ấy. Nhưng tôi muốn tận dụng thời điểm này, khi rất nhiều sự chú ý đang tập trung vào các trường đại học ở Ailen và nhiều nơi khác, để xem xét vị thế của giáo dục đại học trong quá trình thay đổi và toàn cầu hóa. Ngài Nicholas Canny trong bản báo cáo của hiệu trưởng hồi tháng 9/2008 đã kêu gọi để Học viện được phép đóng vai trò thảo luận trong các vấn đề đang được dư luận quan tâm tranh luận, theo cách của ông ấy nói, để Học viện được phục vụ như “một trường đại học của các trường đại học.

” Tôi vinh hạnh có được cơ hội này để tham dự một phần trong cuộc thảo luận ấy".


Hiệu trưởng Drew Faust (phải) phát biểu với sinh viên và giảng viên Học viện Hoàng gia Ailen tại Đại học Trinity (Nguồn: Havard Gazette)

Hiệu trưởng Drew Faust (phải) phát biểu với sinh viên và giảng viên 

Học viện Hoàng gia Ailen tại Đại học Trinity (Nguồn: Havard Gazette)

Giống như các cuộc thảo luận bắt đầu từ những năm 1990, cuộc thảo luận này nhấn mạnh vai trò của trường đại học như một thành phần tối quan trọng trong hệ thống mang tính toàn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tri thức, thông tin và ý tưởng. Chúng ta đang  sống trong thời đại mà tri thức có vai trò sống còn đối với các xã hội và các nền kinh tế, trong một thế giới của nguồn vốn tư bản, con người và công nghệ truyền thông mang tính cách mang được quay vòng và phát triển nhanh chóng. Tri thức đang thay thế cho các nguồn lực khác, như kim chỉ nam cho sự phát triển kinh tế; và giáo dục đại học đang chóng trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển chung của xã hội.

Ở Mỹ, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ các cá nhân tin rằng giáo dục đại học là “hoàn toàn cần thiết” để thành công, đã tăng lên 55% trong năm 2009 so với tỉ lệ 31% của năm 2000. Một nghiên cứu của Cục thống kê Hoa Kỳ năm 2002 cũng chứng minh, một người Mỹ được đào tạo qua bậc đại học có thu nhập gấp đôi so với một người chỉ có bằng cấp hai. 

Giáo dục đại học cũng chi phối mạnh hơn tới sự phát triển kinh tế cũng như thành công của mỗi cá nhân. Ví dụ, một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng các trường đại học đóng góp gần 60 tỷ bảng Anh vào nền kinh tế của Vương quốc Anh trong năm 2007-2008. Và dĩ nhiên, sức ảnh hưởng này không chỉ giới hạn trong khuôn khổ một quốc gia, mà là trên toàn cầu. Sự kích thích của các ý tưởng và đổi mới đi kèm với việc trao đổi mạnh giảng viên và sinh viên. Báo cáo của UNESCO cho hay số lượng sinh viên theo học ở nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng 57% chỉ trong một thập kỷ qua.

Tại Harvard, chúng tôi từng chứng kiến số lượng sinh viên đi du học tăng 4 lần trong các năm họ theo học đại học. Và hiện nay, càng ngày càng có thêm nhiều sinh viên quốc tế tìm đến chúng tôi, chiếm tới 20% tổng số sinh viên của Đại học của Harvard. Trong kỷ nguyên số, ý tưởng và đam mê không còn bó hẹp trong một biên giới nào nữa. Kinh tế tri thức mới là cần thiết cho cả nhân loại và các trường đại học phải đạt được tới nền tảng kinh tế tri thức ấy.

Đại học ngày càng phát triển và mang tính kết nối

Hãy xem xét một vài ví dụ về sự phát triển, giao lưu và cộng tác gần đây:

•    Một chương trình du học mở rộng gần đây của Liên minh châu Âu, chương trình Erasmus - mỗi năm đã gửi hàng trăm ngàn sinh viên và giảng viên tới 4.000 trường đại học, trung tâm nghiên cứu trên khắp 33 quốc gia.
•    Các quốc gia vùng Vịnh đã thu hút nhiều chi nhánh đại học quốc tế với vốn đầu tư lên với hàng trăm triệu đô la Mỹ. Thành phố giáo dục ở Doha có 6 trường đại học của Mỹ chỉ trên diện tích 14km2; Chi nhánh tại Abu Dhabi của Đại học New York sẽ được khánh thành mùa thu năm nay, chỉ chấp nhận 2% số đơn xin học và thu hút sinh viên từ 39 quốc gia. Chúng ta có thể tính ra có ít nhất 162 chi nhánh các trường đại học phương Tây ở Châu Á và Trung Đông, tăng 43% trong vòng 3 năm trở lại đây.
•    Singapore có 90.000 sinh viên quốc tế và một khu học xá của Trường kinh doanh quốc tế INSEAD và rất nhiều chương trình đào tạo của ít nhất 4 trường đại học Mỹ.
•    Trung Quốc đang có sự bùng nổ về giáo dục đại học mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhân loại. Giữa năm 1999 và năm 2005, số lượng những người có bằng đại học đã tăng bốn lần, lên con số hơn 3 triệu. Người ta kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có nhiều tiến sỹ khoa học và kỹ sư nhất trên thế giới.
•    Tại Ấn Độ, số lượng người theo học đại học tăng gấp đôi trong những năm 90 và nhu cầu này còn tiếp tục tăng mạnh. Bộ phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ đã chỉ ra rằng đến năm 2020, Ấn Độ cần thêm 800 trung tâm đào tạo đại học mới để tăng tỷ lệ người theo học đại học từ 12,4% lên 30%.
•    Ở ngay tại Ailen, tỉ lệ người theo học đại học đã tăng từ 11% trong năm 1965 lên 57% trong năm 2003. Giáo dục đại học Ailen cũng phát triển đáng kể trên phạm vi toàn cầu. Cổng giáo dục trực tuyến dành cho hoạt động nghiên cứu mở rộng, RIAN – cũng sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng này, thu hút sự tham gia cộng tác mạnh mẽ hơn của các tổ chức giáo dục quốc tế;  Thỏa thuận đổi mới của Đại học Trinity và Đại học Dublin (University College Dublin) và quỹ đổi mới của Học viện cũng có ảnh hưởng tới những kết nối mang tính quốc gia và quốc tế, dựa trên năng lực được hình thành chắn chắn cho quá trình đổi mới về công nghệ và hợp tác giữa các trường đại học ở Ailen.
 

Sáng kiến hợp tác giáo dục luôn mang lại nhiều lợi ích

Tôi có cơ hội chứng kiến một ví dụ tiêu biểu, là kết quả của một sáng kiến, lần đầu tiên khi tôi tới Botswana mùa thu năm ngoái. Một hợp tác giữa trường Harvard và chính phủ Bostwana đã tạo được tiến triển đang kể trong việc ngăn chặn và chữa trị bệnh AIDS trong suốt 1 thế kỷ rưỡi vừa qua.

Một trong những thành công lớn nhất của quá trình hợp tác là ngăn chặn quá trình lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con. Đó là một bài học không thể nào quên đối với người hiệu trưởng của trường Đại học này, bài học về sự khác biệt mà các trường đại học của chúng ta có thể mang lại, bài học chứng minh tính thực tế của các hợp tác: đó là khi tôi có dịp tiếp xúc với một nhóm các bà mẹ nhiễm HIV/AIDS và những đứa trẻ khỏe mạnh, lanh lợi của họ. Khi tôi hỏi một người phụ nữ về những hy vọng của cô ấy cho đứa con gái 3 tuổi của mình, cô ấy mỉm cười và đáp “Tôi muốn con tôi được tới học tại Harvard.”

Thường thì các sáng kiến mang tính quốc tế của các trường đại học hình thành vì sự cần thiết mang tính cạnh tranh, để giành vị thế cho mỗi trường, vì sự thành công trên toàn cầu của các quốc gia và vì các nền kinh tế. Nhưng nếu các sáng kiến được đem ra so sánh với nhau, nhìn chung chúng đều mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhờ những hợp tác mà chúng mang lại, những cơ hội mà chúng mở ra, những lĩnh vực và ý tưởng mà chúng khơi gợi.

Thực tế, trong khi các tổ chức khác vấp ngã bởi đánh mất nhiệt huyết thành công, các trường đại học lại nuôi dưỡng hi vọng của cả thế giới trong việc giải quyết các thách thức xuyên biên giới, mở khóa và vận hành hệ thống tri thức mới, xây dựng những hiểu biết về chính trị và văn hóa, và hình thành những môi trường thúc đẩy đối thoại và tranh luận.

Miêu tả này là một phần cần thiết giúp hiểu rõ, các trường đại học là gì, vì sao chúng ta cần có các trường đại học, vì sao chúng ta nhìn vào đó như vùng đất của sự mở mang, từ khi Tổng học viện đầu tiên ở Paris và Bologna thu hút sinh viên khắp Châu Âu tham gia theo học luật, thần học, triết học, và dược, thậm chí sau này, xu thế ấy còn phát triển hơn hơn, vượt qua mọi biên giới.

Năm 2010, mặc dù chúng ta rất ngạc nhiên với sự mở rộng của hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu, mặc dù cả thế giới chúng ta đều có chung nhận thức về tầm quan trọng then chốt và ngày càng gia tăng của nó, và mặc dù chúng ta nhận ra tính cần thiết của giáo dục đại học trên toàn cầu, chúng tôi vẫn nhìn ra một tương lai đầy thách thức của giáo dục đại học. Chúng ta thấy rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm chậm lại quá trình phát triển xuyên biên giới của chúng ta. Thế giới dường như ít phẳng hơn, và một vài nhà phân tích nhận định rằng suy thoái kinh tế đang đẩy quá trình toàn cầu hóa tới nhiều khó khăn.

Khi thế giới đảo chiều từ mở cửa sang ốc đảo, nhiều người lo lắng rằng chúng ta đang trở nên vị kỷ nhất là khi nước Mỹ bắt đầu khôi phục các biên giới cũ; và các mối quan tâm mang tính quốc gia đánh bại các mối quan tâm mang tính quốc tế. Chúng tôi chứng kiến một số tín hiệu đầu tiên của sự gia tăng tính chất ốc đảo trong vòng nhiều tháng từ sau sự kiện 11/9, khi an ninh được thắt chặt đã tạo ra nhiều khó khăn mới cho sinh viên quốc tế.

Ở Harvard lúc ấy, chúng tôi vẫn hỗ trợ sinh viên giải quyết những khó khăn nảy sinh trong việc xin visa, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy số lượng sinh viên giảm đi rõ rệt trong thời kỳ đó và giảng viên quốc tế theo đó cũng đối mặt với nhiều trở ngại. Số lượng sinh viên quốc tế ở Harvard và trên toàn nước Mỹ hiện nay đã quay về số lượng như trước kia, nhưng những lo ngại về an ninh vẫn tiếp tục cản trở nhiều người có mong muốn được học ở nước ngoài hoặc tiến hành cộng tác trong nghiên cứu.

Phá vỡ mọi rào cản trong việc tiếp cận giáo dục đại học

Những lo ngại về cạnh tranh kinh tế từ sau suy thoái toàn cầu cũng ảnh hưởng tới việc di cư. Nhân tài đến từ nhiều quốc gia khác nhau và ở các trường đại học, chúng ta làm việc để thu hút và nuôi dưỡng những trí tuệ sáng tạo và đầy hứa hẹn nhất, chúng ta cũng nhận thức rõ mục đích của mình cũng gặp đầy thách thức bởi các điều luật giới hạn và cản trở các cá nhân tiếp với nền giáo dục của chúng ta, để có thể đóng góp chung cho xã hội. Nhà tư bản John Doerr lo lắng với thực tế có nhiều sinh viên quốc tế bị buộc phải rời Mỹ ngay sau khi kết thúc chương trình học của họ, và lưu ý rằng chúng ta nên cấp thêm “thẻ xanh” gia hạn thời gian sống và làm việc ở Mỹ kèm với bằng tốt nghiệp của mỗi sinh viên nước ngoài học tập tại các trường Mỹ khi họ ra trường.

Tại Harvard, chúng tôi rất hiểu các vấn đề di trú như thế, tháng này một trong số các sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi bị cơ quan quản lý di trú giữ lại khi đang lên máy bay. Cậu ấy hiện giờ đã quay lại để làm việc tại một phòng thí nghiệm của Harvard suốt mùa hè, xa gia đình đang sống ở Texas, nơi cậu đã lớn lên từ khi mẹ cậu mang cậu di trú bất hợp pháp lúc cậu mới 4 tuổi. 

Câu chuyện về cậu nhận được nhiều sự ủng hộ, không chỉ từ chúng tôi, tại trường Harvard, mà còn từ nhiều tiếng nói có sức mạnh ở Washington, Thương nghị sĩ Richard Durbin, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John Kerry và đại biểu quốc hội Michael Capuano. Cơ quan quản lí di trú giờ đã quyết định sẽ không có bất kỳ hành động nào chống lại cậu trong thời gian tới. Giống như một số các hiệu trưởng đại học khác, tôi ủng hộ DREAM Act, quỹ do Thượng nghị sĩ Richard Durbin gây dựng, cho phép công dân di trú tới Mỹ từ nhỏ được chấp nhận như một công dân Mỹ trong vòng sáu năm, để đủ các điều kiện theo học đại học hoặc vào quân ngũ, nhưng điều khỏan này vẫn chưa được thông qua.

Khi những quan ngại về an ninh và kinh tế vẫn còn ảnh hưởng tới toàn cầu hóa, chúng ta vẫn phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng với việc di trú, khi giáo dục đại học đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong việc tự do thu thập nhân tài và ý tưởng.

Suy thoái toàn cầu dĩ nhiên đã đe dọa trực tiếp tới sự phát triển và chất lượng của giáo dục đại học, chủ yếu là do các vấn đề tài chính. Trong khi nền kinh tế tri thức ngày một phát triển và đòi hỏi sự phát triển chưa từng có đối với giáo dục đại học, ở nhiều nơi, ngân sách cho đại học thậm chí còn bị cắt giảm, và các khóa học, giảng viên và cơ hội học tập cũng bị cắt giảm, mặc dù tuyển sinh và yêu cầu chất lượng vẫn tăng.

Tại Mỹ, có lẽ ví dụ sâu sắc nhất là hệ thống trường Đại học California, vốn là chuẩn mực vàng trong giáo dục đại học công lập. Ngân sách nhà nước chi cho các trường thuộc Đại học California đã giảm 20% trong năm tài khóa 2009. Giảng viên và nhân viên cũng đối mặt với việc chịu cắt giảm biên chế, nghỉ việc, giảm lương; sinh viên chịu mức học phí tăng cao đáng kể và số lượng tuyển sinh cũng giảm. 

Các bạn cũng phải trải qua những áp lực ngân sách tương tự như thế ở Ailen và tôi chắc rằng các bạn cũng biết rất rõ rằng giáo dục đại học ở Anh cũng đang chịu những thách thức tương tự. Khoản ngân sách khẩn cấp đã bị giảm 25% từ tuần trước. 

Khảo sát tương tự mà tôi thực hiện trước đây, nhằm đánh giá nhận thức ngày càng cao của ý niệm cho rằng giáo dục đại học là “tối cần thiết” đã chứng minh, số phần trăm người được hỏi cho rằng không thể trang trải cho việc học đại học – đang ngày càng tăng. Khi khao khát đi học đại học càng cao, họ càng nhận thức khả năng đạt được là rất thấp.

Ở Harvard chúng tôi có truyền thống lâu đời trong việc hỗ trợ người học dựa trên nhu cầu, giới thiệu các chương trình hỗ trợ tài chính mở rộng cho sinh viên đang theo học, giảm thiểu sức ép cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình và để các sinh viên tài năng đều hoàn toàn có thể trang trải và theo học tại Harvard bất kể tình trạng kinh tế của họ thế nào. Nhưng một thách thức nghiêm trọng về chi phí của giáo dục đại học vẫn tồn tại ở Mỹ là nước Mỹ vẫn đang tranh luận gay gắt về học phí của Đại học Mỹ tại Anh và Ailen. Các tranh cãi liên quan đến học phí và cắt giảm ngân sách có thể sẽ cảnh báo chúng ta về những mối đe dọa khác.

Đại học không đơn thuần để phục vụ kinh tế

Khi chúng ta định nghĩa vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của xã hội, chúng ta cũng đứng trước nguy cư mất đi cái nhìn tới những vấn đề lớn hơn, tới những yêu cầu bắt buộc cần phải có tư duy phê phán, tới quá trình gây dựng nhận thức nhân văn, thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi không ngừng nghỉ, và sự tò mò sinh ra từ những hiểu biết sâu sắc nhất của chúng ta. 

Tôi quan tâm tới sự thừa nhận giá trị cốt lõi của khái niệm kinh tế tri thức toàn cầu. Chú trọng vào giáo dục đại học như một động lực tối quan trọng của phát triển kinh tế sẽ bóp méo hiểu biết của chúng ta về việc các trường đại học nên và phải như thế nào. Sự thừa nhận đó có thể phá hỏng các nghiên cứu khoa học cơ bản, những nghiên cứu không thể có được lợi ích ngay tức thì hoặc không giải quyết được các vấn đề mang tính thực tiễn. Tại thời điểm này, có một mối lo ngại ngày càng lan rộng trên nước Mỹ về cơ chế trợ cấp nghiên cứu từ chính phủ: đó là sự ưu ái cho những đề án khoa học mang tính truyền thống, ít rủi ro, mà theo Thomas Kuhn gọi là “khoa học chuẩn định” hơn là những đề án khó tiên lượng, nhiều tham vọng cũng như cần nhiều nỗ lực chuyển đổi mẫu hình nghiên cứu ra thực tế. Nền kinh tế toàn cầu mang tính cạnh tranh cao đã buộc các chính phủ, các đối tác quan trọng khắp nơi tìm tới giáo dục đại học, tới nhu cầu thu lại kết quả ngay tức thì và rõ ràng với các khoản đầu tư mà họ bỏ ra.

Quá thường xuyên chú trọng vào các khoản đầu tư ngắn hạn có nghĩa là phải loại bỏ những chuẩn mực mà giá trị của nó mặc dù rất khó để tính toán được hết nhưng lại không kém thực tế hơn những khoản đầu tư khác. Trong một loạt nhưng trao đổi gần đây trên báo chí, các học giả Anh và Mỹ đã chỉ trích rất nặng nề các biện pháp tiết kiệm chi phí đã hủy bỏ hàm giáo sư cổ tự học duy nhất của nước Anh, chấm dứt tuyển sinh vào ngành triết học ở Đại học Middlesex và cắt giảm đáng kể việc giảng dạy lịch sử từ trước năm1990 tại Đại học Sussex. 

Nhà sử học nổi tiếng của trường Oxford, Keith Thomas đã kết luận trên Sunday Times rằng “vị thế của các môn “phi STEM” (nghĩa là các môn học ngoài Khoa học – Science, Công nghệ - Technology, Cơ khí – Engineering, và Toán học – Math) đang bị đe dọa nghiêm trọng”. Như ngài Salter Sterling (từng là người chịu trách nhiệm quản lý chất lượng học thuật của Đại học Trinity), gần đây đã nhắc nhở chúng ta trên Irish Times rằng “Một chính phủ điều hành hiệu quả là một chính phủ biết quan tâm đến vấn đề về con người như quan tâm đến vấn đề công nghệ”.

Với vai trò là những người chịu trách nhiệm với nền giáo dục đại học có truyền thống hàng trăm năm tuổi, chúng ta phải đảm bảo rằng những nỗ lực tự nhiên nhằm thúc đẩy những gì có giá trị tức thời không hề làm lu mờ sự ủng hộ của chúng ta đối với những điều vô giá khác. Khi chúng ta định nghĩa vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của xã hội, chúng ta cũng đứng trước nguy cư mất đi cái nhìn tới những vấn đề lớn hơn, tới những yêu cầu bắt buộc cần phải có động thái phê bình, tới quá trình gây dựng nhận thức nhân văn, thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi không ngừng nghỉ, và sự tò mò sinh ra từ những hiểu biết sâu sắc nhất của chúng ta. 

Quá giới hạn tầm nhìn dài hạn, chỉ tập trung vào hiện tại có thể khiến nền giáo dục phải trả giá cho quá khứ và tương lai - luôn là mối lo ngại đặc biệt của giáo dục đại học. Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra những cái đầu sáng tạo nếu chúng ta không kích thích cho trí tưởng tượng về một thế giới khác hoàn toàn thế giới mà hiện giờ chúng ta đang sống? Lịch sử dạy ta biết khả năng của mình, cho ta biết rằng thế giới đã từng thay đổi, có thể thay đổi và sẽ lại khác đi rất nhiều. Ngành khảo cổ học có thể chỉ ra rằng các xã hội hoạt động như thế nào, đã thay đổi như thế nào qua thời gian và không gian. Văn học cũng có thể dạy ta nhiều điều nhưng không chỉ là sự chia sẻ cảm xúc – mà là làm thế nào để ghi dấu ấn của chúng ta trong tâm trí, cuộc sống và kỷ niệm của người khác, làm thế nào để nhìn thế giới qua một lăng kính khác, những điều mà các ngành nghệ thuật cũng dạy ta. Sự phát triển kinh tế và các tiến bộ khoa học kỹ thuật là cần thiết nhưng không phải là mục tiêu trọn vẹn của một trường đại học. Và trong các lĩnh vực khoa học, các trường đại học có một đặc quyền nữa là nuôi dưỡng và lấp đầy những đam mê sâu thẳm nhất của con người, để hiểu bản thân chúng ta và thế giới mà chúng ta đang sống và được thừa hưởng, từ nguyên tử cơ bản nhỏ bé nhất, tới vũ trụ bao la. Chúng ta cần nhớ rằng những phát kiến khoa học hữu dụng hay nhiều biến động nhất, thường đi từ nguyên bản, giải quyết sự tò mò tuyệt đối về việc chúng ta là ai, làm thế nào chúng ta có thể tìm ra những bí ẩn thú vị nhất của thế giới tự nhiên. 

Tình huống hiện của chúng ta khiến tôi nghĩ tới một học giả danh dự đáng kính của ngành lịch sử và văn học Ailen: John Kelleher - nhân vật có trí tuệ tinh thông mà có thể một số các quí vị ở đây đã biết. Giáo sư Kelleher trong một lần xem xét một tập hồ sơ cho ủy ban tuyển sinh đã nhận xét “Sinh viên này như một vòng tròn đặc biệt hoàn hảo nhưng bán kính hẹp.” Tôi không chắc chắn sinh viên này còn thiếu gì nhưng những gì anh ta có và thiếu rõ ràng cho thấy một nguyên tắc cần cho nhận thức của chúng ta trong việc hiểu rõ vai trò của giáo dục. 

Quan điểm về giáo dục tổng quát dựa trên các môn khoa học nhân văn, khoa học nghệ thuật, cũng như các ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên là cốt lõi trong tư tưởng giáo dục đại học của trường Harvard. Quan điểm này được thể hiển trong những yêu cầu của các môn học cơ bản (General Education), chiếm từ 1/4 tới 1/3 học trình của sinh viên Harvard. Nhưng tư tưởng giáo dục tổng quát này đang đối mặt với nhiều thách thức ngay trên đất Mỹ, cũng như nhiều thách thức bất cứ nơi nào khác trên thế giới trong một thế giới quá chú trọng vào kết quả và các chuẩn mực lợi ích. 

Trớ trêu thay, các vấn đề dường như đang đi theo một hướng khác ở Trung Quốc. Khi chúng ta có nguy cơ mất đi sự ủng hộ đối với các ngành khoa học nhân văn, các tổ chức quan trọng tại Trung Quốc xem ra lại quay sang ủng hộ. Trong một bữa trưa cùng hơn chục nhà lãnh đạo đại học Trung Quốc tại Thượng Hải hồi tháng 3 vừa qua, tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng những điều đầu tiên và ưu tiên trong các thảo luận của họ là các ngành nhân văn học. Họ có nhu cầu mở rộng và đẩy mạnh các ngành này, họ muốn đặt ra các câu hỏi về ý nghĩa và giá trị mà những tổ chức ưu tiên tập trung vào khoa học khác đang theo đuổi. 

Cải cách giáo trình vừa được thực hiện ở một số trường đại học của Trung Quốc đang yêu cầu bổ sung thêm một loạt các khóa học và các nhà lãnh đạo đại học ở đây cam kết sẽ đẩy mạnh việc dạy lịch sử, triết học và văn học. Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) vừa giới thiệu mô hình ký túc xá đại học giống Harvard, Cambridge, Oxford; Đại học Tôn Trung Sơn (Quảng Châu) cũng xây dựng một trường Cao đẳng nghệ thuật thí điểm trên một nhóm nhỏ sinh viên. 2/3 sinh viên đại học ở Trung Quốc theo học trong các ngành khoa học, trong khi đó tại Mỹ chỉ có ít hơn 1/3 trong tổng số sinh viên cùng theo học những ngành tương tự. Có lẽ mỗi chúng ta đều lo ngại về những gì mà sinh viên của mình còn thiếu sót. Nhưng chúng ta cũng ngạc nhiên với sự phát triển của giáo dục đại học và sức mạnh vượt trội của các ngành khoa học ở Trung Quốc. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng sự ham thích và quan tâm của người Trung Quốc tới các môn khoa học nhân văn vẫn ngày càng tăng.

Điểm mấu chốt của các ngành nghệ thuật học, cần thiết cho các ngành khoa học nhân văn, và thực sự là trọng tâm trong nhận thức khoa học - là khả năng đánh giá, đánh giá để hiểu được thế giới xung quanh. Tất cả chúng ta đều bị bủa vây bởi thông tin. Đó là một đặc điểm của nền kinh tế tri thức toàn cầu mới và cũng là đặc điểm của nền móng kỹ thuật số mà nền kinh tế phát triển trên đó. Những sinh viên Mỹ sử dụng hầu mọi lúc trong ngày làm việc với các thiết bị thông tin liên lạc như điện thoại di động – một chiếc iPhone, BlackBerry hay một cái iPad. Họ cùng “tweet” , cùng tìm kiếm thông tin, gửi tin nhắn hoặc email. Họ làm gì với tất cả những thông tin này? Làm thế nào họ có thể “tiêu hóa” và đánh giá hết được chừng đó thông tin? Nếu chúng ta phụ thuộc vào nền kinh tế tri thức, làm sao chúng ta hiểu được thực sự tri thức là gì? Coi giáo dục chỉ như một công cụ giúp tăng trưởng kinh tế sẽ bỏ qua vai trò quan trọng trong phát triển năng lực của giáo dục. Coi giáo dục chỉ như một công cụ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phủ nhận sự thật là chúng ta cần phải là những người biết nhìn nhận đánh giá và cũng sẽ bỏ qua thực tế một số thứ không đơn thuần chỉ là sự việc, mà nó là hiểu biết, là bản chất. Để tôi đưa ra thêm một vài ví dụ đối lập:

Ví dụ đầu tiên là trong ngành luật – nơi đòi hỏi những đánh giá xác minh ngay lập tức về một sự việc khi tầm quan trọng của luật pháp đang thay đổi cùng với sự thay đổi của thế giới. Đó là những gì Nguyên ủy viên Hội đồng tư pháp tối cao David Souter đã đề cập tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Harvard một vài tuần trước, ông cũng lưu ý sẽ là sai lầm khi các thẩm phán ra quyết định đơn giản chỉ dựa trên việc xem xét các sự việc một cách khách quan và công minh.

Ông tiếp tục “Các thẩm phán phải chọn lựa giữa những điều đúng đắn mà hiến pháp đã chấp thuận và những giá trị khi đặt trong so sánh với nhau”, như sự tự do, công bằng và tôi cũng muốn bổ sung ở đây, rằng “Họ phải chọn lựa, không dựa trên cơ sở các các phép đo, mà dựa trên bản chất của từng sự việc.”

Ví dụ thứ hai nằm trong lĩnh vực kinh tế. Trong tất cả các lĩnh vực, chúng ta có xu hướng áp dụng quá đà một mô hình nào đó khi lòng đam mê vượt quá hiểu biết của mình. Có ai trong chúng ta là không có những lúc bốc đồng như thế? Và như Paul Vocker, chủ tịch Ban cố vấn phục hồi sau khủng hỏang kinh tế của Mỹ gần đây cho biết, sai lầm cơ bản trong khủng hoảng kinh tế những năm gần đây nằm ngay ở lý do kể trên và tôi muốn nói “những tư duy trong toán học và vật lý có thể trực tiếp được áp dụng cho các thị trường tài chính”, như Paul nói, “những tư duy đó không thể không chỉ được định hướng bởi tác động tự nhiên mà còn do con người, là hệ quả của hành động mang tính bầy đàn, sự thay đổi trong cảm xúc và những lập trường chính trị không chắc chắn.” Nói cách khác, thị trường có sự tham gia của con người nên cũng cần có những cách thức lý giải ở cấp độ khác. Các nhà kinh tế cũng đi đến kết luận rằng con người không nhất thiết phải hành động một cách có lí trí trước những lợi ích rõ ràng, và vì thế, chúng ta đã được chứng kiến sự nổi lên của nền kinh tế hành vi.  

Ví dụ thứ ba thuộc lĩnh vực lịch sử: để có thể làm một nhà lịch sử, bạn cần phải có những khám phá mới, tìm ra những thông tin chưa hề được biết tới nằm trong những hiện vật bị bỏ bê, những số liệu hay chi tiết mà trước đó không ai nhận thấy, những sự kiện lịch sử chưa từng được lưu tâm hay phân tích. Nhưng lịch sử dĩ nhiên không chỉ bao gồm “một đống các thông tin”, mà là sự dẫn giải chắc chắn. Dữ liệu không đứng một mình, lịch sự cũng không kể với chúng ta hết mọi thứ. Nhà lịch sử học mới là người kể cho ta về lịch sử. Ví dụ, trong một nghiên cứu gần đây về Nội chiến Mỹ, tôi đã tìm ra con số 620.000 người chết trong chiến tranh, xấp xỉ 2% dân số Mỹ tại thời điểm đó, và tương đương con số 6 triệu dân số của nước Mỹ ngày nay.

Quan niệm này nằm ở bản chất của trường đại học. Đó là quan niệm về thế giới và bản thân chúng ta không chỉ qua sáng tạo và khám phá mà còn qua việc tái sáng tạo, tái kiểm nghiệm và xem xét. Bản chất ở đây là việc ghi nhớ những gì chúng ta đã quên trong một hoàn cảnh mới, là lắng nghe và nhìn nhận những gì đứng trước mắt mà chúng ta không thể cảm nhận đước trước khi nhìn thấy và nghe thấy; là sự hiểu biết  được khuyấy động, đánh thức qua thời gian… 

Một hình mẫu đại học mang tính công cụ thái quá thường đánh mất những đặc tính nổi trội thuộc về năng lực vốn có. Nó hủy hoại sự kiên trì mà trường đại học đã tạo ra trong một thế giới vốn bị kich thích quá nhiều. Nó làm mất vai trò của người đưa ra những câu hỏi quan trọng trong một thế giới luôn phải gấp gáp sửa chữa các vấn đề cấp bách. Chúng ta cần cả hai.

Không có hình mẫu nào cho sự thành công của một trường đại học, không có hình mẫu cho một “trường đại học nghiên cứu tòan cầu” để chúng ta khát khao. Sự đa dạng sẽ tạo nên sức mạnh. Từ khi bắt đầu, các trường đại học đã phải tạo ra sức mạnh từ sức ép sáng tạo, giữa những nghiên cứu về tri thức ứng dụng và sức mạnh từ sự cống hiến cho những thứ tri thức vì một mục đích nhất định, đơn giản chỉ là để thỏa mãn, và thỏa trí tò mò. 

Ngay từ đầu năm 1862, chính phủ Mỹ đã đặt ra sức ép này như trọng tâm của giáo dục đại học với đạo luật Morrill Act (đạo luật được tổng thống Abraham Lincohn ký năm 1862, quy định việc cấp đất cho các trường đại học). Đạo luật đã thành lập được các trường đại học quy mô lớn, mở ra nhiều trường đại học công lập lớn… Đạo luật này tìm kiếm sự cân bằng giữa những “giáo dục tổng quát và giáo dục thực hành” (liberal and practical education ), khuyến khích “các ngành khoa học nông nghiệp và cơ khí” trong khi bảo vệ “các nghiên cứu khoa học và nghiên cứu truyền thống”. 

Con người có khao khát vô tận với tri thức. Đó chính là điều khiến chúng ta “người” hơn. Một minh chứng cho niềm khao khát ấy là sự hưởng ứng đáng ngạc nhiên của mọi người đối với khoá học về luân lý tại Harvard có tên “Công lý”. Khóa học này, dạy theo phương pháp Socrat  và khóa học đã trở nên phổ biến nhất trong các chương trình dành cho sinh viên đại học. 

Gần đây khóa học kiểu này đã được ghi hình và chia sẻ trực tuyến, mọi người khắp nơi trên thế giới giờ đây đều có thể trải nghiệm những khóa học như thế. Rất bất ngờ là khóa học kiểu này đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới: Loạt film về khóa học có hơn một triệu người xem. Nó trở nên phổ biết ở Nhật và tờ Wall Street Journal đã viết về khóa học này tuần trước.

Năm 1986, Seamus Heaney, một nhà thơ người Ailen từng dạy tại Đại học Harvard năm 1982, đã soạn một bài thơ theo thể “villanelle” (thể thơ có sự lặp lại ở những phần nhất định, nếu thay đổi một chữ, sẽ thay đổi tất cả bài thơ) - nhân dịp sinh nhật lần thứ 350 của trường Harvard và đọc nó trong buổi lễ. Bài thơ bắt đầu bằng tinh thần John Harvard. Khổ 1 – 3 và 5 của bài thơ đều kết thúc bằng 1 câu “Những cuốn sách đã mở ra, những cánh cổng không cài then” (The books stood open and the gates unbarred), nhưng ở dòng cuối cùng của bài thơ, ở khổ 6, Heaney đã phá vỡ qui luật ấy bằng cách thay đổi động từ: từ quá khứ sang hiện tại “Những cuốn sách mở ra, những cánh cổng không cài then” (The books stand open and the gates unbarred). Sự thay đổi ấy đã liên kết quá khứ và hiện tại của giáo dục đại học và của trường đại học đầu tiên của nước Mỹ. 

Sự thay đổi cấu tứ bài thơ của Heaney đã gợi ý cho tôi việc ông ấy có thể đã cố ý nhấn mạnh những gì tôi cần thấy: quyền sở hữu vĩnh viễn những nền tảng cơ bản, một tinh thần bất diệt của sự sự cởi mở, những yêu cầu và những tiếp cận mà chúng ta phải định hình và tiếp tục định hình cho các trường đại học. Ở thế kỷ 17, rất lâu trước khi khoa học tìm ra các nguyên tử, trước khi nước Mỹ mở rộng diện tích sang bờ biển phía Tây, một trường đại học nhỏ ra đời, sơ khai, hoang dại, là sản phẩm của thời đại mở rộng toàn cầu bấy giờ. Ngôi trường nhỏ đã mang tới quyền tự do học tập, mở ra cánh cổng tới với tri thức. Và hôm nay, khi chỉ còn một năm nữa là tới lễ kỷ niệm lần thứ 375 ngày thành lập Đại học Harvard, nhiều nền tảng tri thức mới của thế kỷ vẫn đang được mở ra để tranh luận. 

Cánh cửa ấy rộng mở cho tất cả mọi người trên thế giới. Nhìn lại quá khứ để sáng tạo ra tương lai. Nhìn vào khoa học và thơ ca. Kết hợp đổi mới và dẫn giải. Chúng ta cần những gì tốt đẹp nhất từ sự kết hợp ấy. Và chính các trường đại học là nơi tuyệt vời nhất để làm được những điều đó.

Khánh Linh dịch // VNR500 - VietnamNet


  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Bạn có bao nhiêu người bạn?
  • Chưa già đã lẫn…
  • TS. Nguyễn Quang A: Nhìn lại các tập đoàn kinh tế nhà nước
  • "Hiệu ứng Domino" trong cơ cấu kinh tế toàn cầu
  • Hiệu trưởng Faust: Harvard phải đi đầu trong giai đoạn bất ổn
  • Toàn cầu hóa và những hiểu lầm
  • "Quan sát thế giới từ sau cái bàn là việc nguy hiểm"
  • Những giá trị ưu tiên của cuộc sống
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com