Chừng nào còn chưa xóa bỏ được tình trạng độc quyền trong các ngành quan trọng như điện, xăng dầu... thì rất khó ổn định được giá cả hàng hóa trên thị trường. Ảnh: Lê Toàn. |
Tiếp theo loạt bài về vấn đề kiểm soát giá đăng trên TBKTSG tuần trước, TBKTSG đã phỏng vấn một số chuyên gia kinh tế về vấn đề này. Tất cả đều cho rằng để giá cả hàng hóa phù hợp với sức mua của người dân, quản lý nhà nước cần được vận hành theo quy luật của thị trường thay vì áp dụng những biện pháp mang nặng tính hành chính hoặc thị trường “nửa vời”.
Áp đặt: sẽ khó hiệu quả! Theo TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, với nền kinh tế thị trường, định giá là quyền của doanh nghiệp và giá được hình thành trên cơ sở các yếu tố thị trường. Do đó, không thể có việc Nhà nước đi định giá thay cho doanh nghiệp như thời bao cấp được. Không nên nhập nhằng, lẫn lộn giữa một bên là biện pháp chống lạm phát của Chính phủ và một bên là định giá vốn thuộc quyền của doanh nghiệp cho dù lạm phát và giá cả là hai phạm trù có liên quan mật thiết với nhau. Nhưng ngay cả để kiểm soát lạm phát thì những biện pháp này cũng phải tôn trọng các quy luật của thị trường chứ không thể bằng biện pháp mang nặng tính hành chính. Nếu không phù hợp thị trường, biện pháp hành chính sẽ không có tác dụng hoặc có tác dụng thì cũng chỉ phát huy được trong thời gian ngắn và sẽ làm méo mó thị trường”-ông Ánh khẳng định. Đồng quan điểm như trên, PGS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng một người dù giỏi đến đâu cũng không thể định giá đúng bằng thị trường, không thể định giá thay người bán và người mua. Biện pháp áp đặt hành chính, theo ông, không chỉ khó đem lại hiệu quả mà còn có thể dẫn đến tiêu cực “vì khi có người có quyền duyệt giá, định giá tất sẽ nảy sinh tình trạng xin - cho”. Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ: mặc dù mục đích là nhằm tạo sự ổn định về giá cả cho nền kinh tế và người dân nhưng những quyết định mang nặng tính hành chính như vậy lại thường bị ảnh hưởng bởi những nhóm lợi ích hơn là đông đảo người dân hoặc là lợi ích chung của nền kinh tế. Trong khi đó, người tiêu dùng lại không có những tiếng nói đủ mạnh để đại diện cho lợi ích chung của nền kinh tế. Hơn nữa, theo bà Lan, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như điện hay xăng dầu vẫn chưa thực sự nỗ lực hoặc bị một sức ép cần thiết từ phía Nhà nước để giảm giá thành, chẳng hạn như chống thất thoát điện, chống lãng phí hoặc đầu tư hợp lý để tiết kiệm, giảm giá thành. Việc đầu tư dàn trải và dự án nào cũng kéo dài hàng năm trời làm tăng chi phí, tăng giá thành là một nghịch lý. “Cho nên, không quan tâm giải quyết thực tế và những nghịch lý đó mà cứ đẩy giá cả lên thì tức là đẩy thiệt thòi về cho người tiêu dùng” - bà Lan phân tích. Phải thị trường hơn nữa Các chuyên gia cho rằng con đường tốt nhất để giá cả hàng hóa ổn định, phù hợp với sức mua của người dân chỉ có thể là tạo lập một thị trường cạnh tranh đầy đủ, lành mạnh và công bằng. “Làm sao xăng dầu có thể có mức giá cạnh tranh theo thị trường khi lĩnh vực ấy về bản chất vẫn trong tình trạng độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước, trong đó doanh nghiệp lớn nhất chiếm tới 60% thị phần? Các doanh nghiệp này chia nhau thị phần theo địa bàn, đối tượng khách hàng, ví dụ, doanh nghiệp ở TPHCM chỉ được bán trên địa bàn TPHCM, doanh nghiệp của hàng không chỉ bán cho ngành hàng không, quân đội thì bán cho quân đội… Như thế thì làm sao có cạnh tranh ở đây được!”, PGS. Nguyễn Văn Nam đặt vấn đề. Theo ông, với những doanh nghiệp nhà nước có thị phần quá lớn thì nên chăng chia nhỏ ra thành các công ty độc lập, những công ty này sẽ cạnh tranh với nhau tốt hơn. “Dù là một nước xuất khẩu dầu thô nhưng quả thực người dân lại rất ít được hưởng lợi ích từ xuất khẩu dầu thô. Chúng ta tách riêng xuất khẩu và tiêu dùng dầu ra thành hai lĩnh vực riêng, cho nên người dân không cảm nhận được lợi ích từ xuất khẩu dầu thô. Xuất khẩu dầu thô tất nhiên mang lại nguồn thu cho ngân sách và tôi cũng hiểu những khoản thu ngân sách đó dùng để chi cho các công trình phúc lợi nhưng mà chí ít khi giá dầu thế giới tăng thì lẽ ra cũng có thể trích một phần chênh lệch của xuất khẩu dầu thô để bù đắp cho người tiêu dùng. Được như thế thì sẽ kiềm chế bớt sự tăng giá và đỡ thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế”. Bà Phạm Chi Lan cũng đồng ý với ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân của việc tăng giá tùy tiện chính là chưa có lực lượng cạnh tranh đầy đủ. Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan không đồng ý với biện pháp chia nhỏ đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn. “Chia nhỏ tập đoàn EVN ra thành 5 tổng công ty như phương án của ngành điện hiện nay thì vẫn cùng một mẹ, vẫn là người nhà, anh em ruột thịt với nhau, tránh sao khỏi thông đồng, chia sẻ với nhau, làm ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội”. Theo bà Lan, Nhà nước nên mở cửa thị trường hơn nữa để cho các doanh nghiệp đủ mạnh tham gia. Tương tự như cách đối với ngành viễn thông trước đây. Khi có một doanh nghiệp đủ mạnh như Viettel tham gia vào thị trường, VNPT lập tức phải thay đổi và giá viễn thông đã không ngừng được cải thiện. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, song song với việc tự do hóa thị trường để ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến giá, làm cản trở cạnh tranh hiệu quả thì không thể bỏ qua một công cụ quan trọng là Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh hiện hành còn quá nhiều khiếm khuyết và khó lòng đáp ứng nhu cầu thực tế. Hàng loạt hành vi như sự thao túng của các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm; quảng cáo so sánh, quảng cáo gây ngộ nhận trong lĩnh vực sữa… làm rối loạn giá cả các mặt hàng này đã không thể xử lý, ngăn ngừa. Mặt khác, có vẻ như cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn chưa thật sự thể hiện được vai trò của mình thể hiện qua số lượng vụ việc ít ỏi được điều tra bởi cơ quan này. TS. Nguyễn Vân Nam cũng đề nghị nên có một đạo luật riêng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các công ty độc quyền. Theo ông, nhiệm vụ cơ bản của các công ty độc quyền do Nhà nước lập nên là đảm bảo sự ổn định về giá cả, phù hợp với sức mua của người dân và sự hoạt động bình thường của toàn xã hội. Ví dụ, ở Đức, vận tải hành khách công cộng do nhà nước độc quyền nắm giữ và giá vé đi xe buýt hàng chục năm nay hầu như không thay đổi cho dù có lúc sốt giá xăng dầu trên thế giới và mỗi năm nhà nước phải bù lỗ khoảng 2 tỉ euro cho hoạt động giao thông công cộng ở thủ đô Berlin. Do đó, khác với các doanh nghiệp bình thường khác, các công ty độc quyền nhà nước không thể được phép hoạt động chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, vì quyền lợi của chính mình. “Nói rằng vì là doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường nên các công ty độc quyền này cũng phải có lãi là hoàn toàn không đúng và không đúng cả về mặt thị trường. Có ở đâu trên thế giới này, một công ty vừa được nhà nước đảm bảo độc quyền kinh doanh, vừa buộc người dân phải trả thêm tiền khi giá thế giới tăng chỉ để không bị thua lỗ? Đó là sự can thiệp hoàn toàn phi thị trường!”, ông Nam nói.Chênh lệch dầu thô: nên bù đắp cho dân?
(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com