Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá đắt của cơn say chiến thắng và lợi ích nhóm - Phần 1

Khủng hoảng tài chính Mỹ hiện thời là cái giá phải trả khi nước Mỹ ngủ say trên chiến thắng và để các nhóm lợi ích lũng đoạn chính sách. Sẽ mất ít nhất 4 năm để Mỹ phục hồi và cục diện quốc tế đang ở giao điểm nhạy cảm. Với VN, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng sẽ giống như chấn động của sóng thần lan vào kênh rạch. Vấn đề cốt lõi với VN vẫn là nâng tính cạnh tranh và hiệu suất của hệ thống – Chuyên gia kinh tế, ngân hàng Trần Sĩ Chương.

700 tỷ USD chỉ là tấm gạc cầm máu

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:Thưa quý độc giả, hôm nay ở trường quay chúng tôi có một vị khách đặc biệt: Ông nguyên là trợ lý lập pháp ngoại giao, ngoại thương của Quốc hội Mỹ, chuyên gia kinh tế ngân hàng của Quốc hội Mỹ những năm 80. Hiện ông đang đầu tư và tư vấn chiến lược phát triển cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Sĩ Chương sẽ trao đổi với độc giả VietNamNet về một vấn đề rất nóng, rất đang được quan tâm: Khủng hoảng kinh tế Mỹ.

Cám ơn ông Trần Sĩ Chương đã có bài viết trên VietNamNet cách đây một tuần về đề tài này. Bài viết đã tạo được sự quan tâm và đồng cảm của rất nhiều bạn đọc. Thời điểm này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi về, trong đó cùng chia sẻ mối quan tâm về khủng hoảng tài chính Mỹ, và hệ lụy tới VN.

Câu hỏi đầu tiên của rất nhiều độc giả: Hạ viện Mỹ đã không thông qua gói giải pháp đó mà Tổng thống Bush đề xuất để giải cứu các định chế tài chính Mỹ, ý kiến của ông thế nào?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương:
Thực sự 700 tỷ USD không giải quyết được vấn đề gì. Nó cũng chỉ như miếng băng đắp lên vết thương đang chảy máu, mang giá trị tâm lý thể hiện chính phủ có thái độ tích cực để ngăn chặn nền kinh tế không tụt dốc nhanh.

Muốn giải quyết tận gốc khủng hoảng, số tiền cần thiết phải lớn gấp 10 -20 lần như thế với thời gian 3 - 5 năm. Cũng giống như cuộc khủng hoảng dưới thời tổng thống Reagan những năm 1980, phải mất 1 năm kể từ khi quốc hội ra tay TTCK mới ổn định, và sau đó cần thêm 2 - 3 năm nữa để ổn định thị trường BĐS. Tổng cộng cần tới 4-5 năm,kinh tế của Mỹ mới bắt đầu ổn định lại (từ 1986-1992), tới khi Bill Clinton đắc cử vào Nhà Trắng. Cũng vì lí do kinh tế suy thoái mà Bush cha thất cử.

-Nếu 700 tỉ USD không giải quyết được vấn đề gì thì có giải pháp nào khác để giải cứu hệ thống tài chính Mỹ?

- 700 tỉ USD là mua lại số nợ xấu và giải quyết cho 1 số ngân hàng đang có vấn đề lớn. Nó giống như trút một gánh nặng lớn nhất trên vai hệ thống tài chính xuống, để ngân hàng tài chính vực dậy và tự mình vận hành, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của thị trường tài chính thế giới.

Mỹ sẽ không thể giải quyết vấn đề này một mình, mà cần có sự hỗ trợ của cộng đồng tài chính Âu châu và Nhật Bản, cũng như các cường quốc tài chính khác.

- Tại sao một nền kinh tế như kinh tế Mỹ trải qua rất nhiều kinh nghiệm về khủng khoảng tài chính, đặc biệt trước chiến tranh thế giới thứ 2, rồi lại vực dậy. Rồi hệ thống hành pháp, lập pháp của hệ thống Mỹ vốn chặt chẽ, tối ưu như vậy mà không phát hiện, rồi hệ thống think tank, các trường ĐH lớn, thường xuyên đi tư vấn cho các quốc gia khác lại không đánh giá và tư vấn cho chính nước Mỹ?

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương: Hệ thống Ngân hàng tài chính Mỹ trong suốt 50 năm, từ khoảng đầu thập niên 30 cho tới thập niên 80 là hệ thống chuẩn mực cho thế giới. Ai đi học MBA về ngân hàng cũng phải qua Mỹ học, ai thành lập ngân hàng muốn được tư vấn cũng phải học từ Mỹ.

Nhưng đến thời Reagan đắc cử tổng thống hồi năm 1980, ông Tổng thống Cộng hòa này chủ trương mạnh mẽ tự do hoá thị trường, để thị trường vận hành đã nới lỏng quy định về ngân hàng.

Mới chỉ nới lỏng một chút, thì ngay 3-4 năm sau có vấn đề ngay: khủng hoảng các ngân hàng tiết kiệm. Vì Luật Reagan cho phép dùng tiền tiết kiệm cho phép đầu tư những lĩch vực khá rủi ro, đặc biệt là vào nhà đất, tạo nên bong bóng. Khi bong bóng vỡ tạo nên 1 cuộc khủng hoảng hồi ấy.

Lúc đầu, chính quyền tưởng cần 5 - 8 chục tỉ để giải cứu cuối cùng cần trên 300 tỉ mới giải quyết được vấn đề. Và cũng kéo dài từ năm 1986 - 1987 lúc đến gần thập niên 1990s, qua năm 1991 mới giải quyết được, lành mạnh hóa được thị trường.

Ngủ say trên chiến thắng và bàn tay nhóm lợi ích

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm những ngày ông tham gia giải cứu thị trường tài chính tiền tệ Mỹ bên Quốc hội Mỹ khi đó. So với ngày hôm nay thế nào? Và những giải pháp hồi đó như thế nào? 

- Sự năng động chính trị và cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề trong chính trường Mỹ, theo tôi thời nào cũng tương tự nhau.

Đầu tiên, nhà nước đánh giá kinh tế không đến nỗi tệ lắm, vì nhà nước ở đâu cũng quan tâm tới việc trấn an dư luận. Nếu nói bệnh nặng quá thì sợ nhân dân hoang mang. Cho nên đáng lẽ chuyện này phải được nêu ra ít nhất 6 tháng rồi chứ không phải tới bây giờ.

Khi đưa ra đến Quốc hội thì gặp vấn đề chính trị, đảng đối lập muốn làm khó dễ cho đảng cầm quyền, bên lập pháp lại muốn khẳng định mình đúng... Cuối cùng cũng phải vì quyền lợi của đất nước, vì áp lực của các nhóm đặc quyền thì nhà nước mới tham gia giải quyết vấn đề, cũng như bây giờ thôi.
 

-Nhưng rõ ràng nền kinh tế Mỹ vẫn cho mình là cơ chế minh bạch, tự điều chỉnh tốt. Tại sao lại vẫn để những bàn tay của nhóm lợi ích vào đây? Như anh nói từ năm 80 đã có bàn tay đó rồi mà không rút được kinh nghiệm. Tại sao không học bài học từ trước, để bây giờ hình như những bàn tay này len vào gây ra khủng hoảng lần này?

-Đầu thập niên 1990, Mỹ trở thành siêu cường quốc độc tôn trên thế giới. Khi Tổng thống Bill Clinton nhận chức năm 1992, hai nhiệm kỳ của ông là thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ, thời kỳ có bước phát triển dài nhất, đẹp nhất của nền kinh tế Mỹ. Chỉ trong gần hết nhiệm kỳ đầu, Bill Clinton đã trả được gần hết nợ sinh ra từ thời ông Reagan.

Kinh tế phát triển tốt và vị thế của Mỹ tăng cao trên chính trường thế giới tạo cho người Mỹ tâm lý hơi "ngông", ngủ say trên chiến thắng.

Nếu như năm 1980s, khủng hoảng tài chính bắt đầu với chính quyền cộng hòa, thì tới khoảng năm 1998 - 1999, trước khi Bill Clinton rời nhiệm kỳ tổng thống, thì Clinton - một lần nữa lại bị áp lực của tài phiệt tài chính. Tổng thống này buộc phải nới lỏng hơn những quy luật của nền ngân hàng, tài chính: Cho phép ngân hàng thương mại tham gia vào các hoạt động đầu tư.

Điều này trước kia rất tách bạch: Ngân hàng thương mại chỉ được hoạt động trong lĩnh vực cho vay những hoạt động kinh doanh truyền thống, ít rủi ro nhất và có đầy đủ chế chấp cụ thể một cách tương xứng. Hoạt động của ngân hàng đầu tư là những hoạt động kinh doanh với độ rủi ro cao nên các nhà đầu tư vào các loại quỹ hoặc ngân hàng đầu tư phải được biết như vậy và chấp nhận rủi ro. Như thế để giữ được cái lòng tin vì lòng tin là cốt lõi, nền tảng của hệ thống tài chính ngân hàng.

Với áp lực của các hiệp hội ngân hàng như nội trong năm 1998, các nhóm đặc quyền tài chính dùng đến hơn 200 triệu USD để lobby quốc hội và chính quyền, năm 1999, Bill Cliton ký đạo luật mới (Gramm-Leach-Bliley) khai tử đạo luật cũ ra đời năm 1993 - đạo luật Glass-Steagal, nền tảng chính của sự phát triển mạnh của ngành ngân và tài chính Mỹ trong suốt hơn 60 năm.

Năm 2001, Clinton rời chức tổng thống, cựu Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Clinton là Robert Rubin chuyển sang làm chủ tịch Tập đoàn CitiGroup, là một trong những nhóm chủ chốt lobby cho đạo luật mới. Từ đó CitiGroup và Bank of America là hai tập đoàn thương mại lớn nhất bắt đầu tham gia đầu tư rủi ro. Ngân hàng Mỹ từ đó được tài trợ các loại chứng khoán, kể cả các loại tài sản (phần lớn là bất động sản) đã được chứng khoán hóa qua các thủ thuật “bốc giá” lên tới mức giá trị thật không còn, và bong bóng bị vỡ.

- Nghịch lý là các hệ thống ngân hàng đều có hệ thống kiểm tra, kiểm soát, cảnh báo rủi ro, đánh giá tín hiệu... Từng doanh nghiệp có, cả xã hội cũng có không ít hệ thống rất mạnh. Nhưng tại sao lại không cảnh báo được những dấu hiệu bất ổn sớm để hậu quả như hôm nay?

-Thật ra cũng có những người lão thành trong ngành tài chính ngân hàng như Greenspan đã nhiều lần dùng từ "những hồ hởi không có cơ sở" (irrational exuberance), hay cựu chủ tịch Fed trước Greenspan, ông Paul Volker nhiều lần cảnh báo. Nhưng khi tâm lý ngông cộng với lòng tham, cộng với quá nhiều tiền để chuộc lợi, thì sự toa rập của các nhóm đặc quyền đó với nhau không có hệ thống nào quản lý nổi.


-Điều đó có phải mang ý nghĩa là để các nhóm lợi ích cấu kết với hệ thống quyền lực trong chính quyền, thì hệ thống nào cũng hỏng?

- Sự thực là nhìn lại, không một kẻ thù nào của nước Mỹ có thể làm thiệt hại cho nước Mỹ như người Mỹ tự hại mình trong vòng chỉ vài năm.


Tầng lớp trung lưu là xương sống của nền kinh tế

-Có kẻ mất, thì có người được. Vậy ai được ở đây?

- Quy luật bảo tồn năng lượng trong vật lý cũng như trong tài chính tương đồng với nhau. Đồng tiền không chạy đi đâu cả. Có rất nhiều người được. Những ngân hàng lớn như Lehman Brothers sập thì các vị lãnh đạo vẫn có vài chục triệu, vài trăm triệu đi chỗ khác làm. Rồi những người trước đó rút được số tiền rất lớn ra vẫn giàu.

Trong kinh tế thì tiền vẫn ở đấy, nó chỉ chuyển hóa. Nhưng vì nó chuyển hóa nhanh quá thì nó dễ bị xáo trộn. Hệ thống đang lắc với đà nư lò xo, kéo quá dài thì nó giãn quá nên không thể co lại. Cho nên, vấn đề cần quan tâm là hệ thống lắc nhiều quá thì sẽ gây dao động, rơi ngoài tầm kiểm soát, rất nguy hiểm.

Quan sát giới trung lưu có nhà bên Mỹ, khi đầu cơ BĐS, họ lấy tiền ra thì đã có lợi. Còn những người mua sau, rất dễ, không cần đặt cọc ngân hàng thì bây giờ giá nhà xuống, họ có mất gì đâu? Giá xuống, họ bỏ đi, ngân hàng lãnh khoản nợ đó. Ngân hàng trước kia đã có lợi khổng lồ, thì giờ bị mất. Đây là một sự chuyển dịch lực trong hệ thống, làm hệ thống xáo trộn, có thể dẫn tới đổ bể.

- Chính phủ Mỹ có thể nhờ đó tái cấu trúc lại và huy động lại nguồn vốn cho xã hội được không? Thay vì nằm trong các ngân hàng cũ, tiền đã được chuyển dịch để các ông chủ mới thành lập công ty mới, đầu tư vào các dịch vụ mới hay không?

- Rõ ràng luật chơi trong hệ thống ngân hàng, tài chính Mỹ bị thả lỏng quá lâu, chắc chắn sẽ bị siết chặt lại. Oái oăm thay, một khi lỏng quá thì hỏng việc, còn siết sẽ siết chặt quá. Theo xu hướng đó, siết chặt quá thì hiệu suất của nền kinh tế sẽ giảm: khó tiếp cận tín dụng, vay khó khăn hơn nên kinh tế bị thu lại. Trong một thời gian dài, ngay cả khi kinh tế Mỹ gượng dậy sau cơn đau, cũng sẽ không còn năng động như thời gian qua.

-Vừa rồi, trường ĐH Harvard tổ chức hội thảo do chính bà Hiệu trưởng Drew Faust chủ trì với các giáo sư hàng đầu của Harvard về tài chính, luật, kinh doanh, chính sách công tham gia. Họ có đưa khuyến nghị xây dựng lại tầng lớp trung lưu Mỹ  những người đã bị thiệt thòi nhiều sau cuộc khủng hoảng này. Ông đánh giá thế nào về ý này?

- Tôi đồng ý với ý kiến đó. Trung lưu là xương sống của nền kinh tế Mỹ. Thực ra thành phần này chiếm đa số, là thành phần đóng thuế nhiều nhất, năng động nhất của hệ thống Mỹ. Điều cơ bản, triết lý xã hội của Mỹ dựa trên phát triển thành phần trung lưu trong xã hội.  Nếu thành phần này kiệt quệ, sẽ không làm giàu cho mấy ông giàu để làm đầu tàu và cũng không đủ thuế để nuôi người nghèo.

Chính phủ phải là trọng tài nghiêm túc, trung thực và sáng suốt

-Theo anh đánh giá, trong bối cảnh hiện nay nên chính phủ nên đầu tư vào thị trường 700 tỷ USD hay không?

- Theo trường phái thị trường tự do, không có lí do gì có mấy thằng con phá gia chi tử, lấy tiền của dân chung chi cho mấy anh đó. Nó ngược với tư tưởng nền tảng xã hội, chính trị của xã hội Mỹ. Nhưng vấn đề này đã trở thành chuyện chung, mấy anh này chết sẽ kéo nhiều người chết theo. Vì thế không thể làm ngơ để mấy anh này chết được.
 

Thực tế buộc Chính phủ phải tham gia. Vì vai trò của Chính phủ không phải cực đoan như đảng Cộng hòa thường nói là Chính phủ không làm gì hết. Thật sự ra, chính phủ phải trung dung. Chính phủ phải là trọng tài nghiêm túc, trung thực và sáng suốt. Vì thế, chính phủ hiện nay phải đóng vai trò đó, để cân bằng hai thế lực đặc quyền trong 10 năm qua đã lũng đoạn hệ thống tài chính, kinh tế và ngay cả chính trị Mỹ.

- Người ta lo ngại về câu chuyện vận động hành lang của các nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích bỏ ra 200 triệu USD đã làm khủng hoảng hệ thống tài chính hùng mạnh như Mỹ. Nếu như nước ngoài chi số tiền 500 triệu, 1 tỉ USD để có hệ thống luật pháp, chính trị có lợi cho họ thì sao?

- Cái đó đã và đang xảy ra. Những nhóm như Do Thái, Trung Quốc lobby rất mạnh bên Mỹ. Thực ra tất cả những chính sách đối ngoại của Mỹ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi những thế lực lobby này, mà người dân Mỹ không bao giờ thấy hay biết được.

- Nước Mỹ vốn luôn đề cao sự minh bạch, công khai và sự thực luôn đi đầu trong sự minh bạch công khai. Vậy mà với vấn đề này lại không phát hiện ra bằng sự minh bạch công khai ấy? Ông đánh giá vai trò truyền thông nước Mỹ, của hệ thống giám sát bảo đảm tính minh bạch của Mỹ trong sự kiện này như thế nào? 

- Chủ trương minh bạch đúng đắn, để cho xã hội có những lực kiềm lẫn nhau. Nhưng thập niên vừa rồi, giới tài chính Mỹ sáng tạo ra những công cụ đầu tư quá tinh vi, và bộ máy truyền thông PR đánh bóng sản phẩm này, làm dân Mỹ ngộ nhận giá trị thật của nó. Ở đâu cũng vậy, khi có quá nhiều tiền, người ta sẽ sáng tạo hình thức để thỏa mãn những điều kiện minh bạch còn thực chất không còn minh bạch.

-Như vậy quyền lực của nhóm lợi ích cộng với đồng tiền đã chiến thắng. Liệu có phải chính phủ đã có tham nhũng?

- Chỉ cần nhìn không cần khắt khe lắm cũng thấy rõ ràng chuyện xảy ra này ra hệ quả lớn nhất, hệ quả vô tiền khoáng hậu của thế giới vì tham nhũng.

-Tôi đánh giá đó là sự tham nhũng ở một hình thức tinh vi và được pháp luật bảo vệ ở cả hệ thống. Có lobby từ Quốc hội mới đưa ra Luật mới để Bill kí loại bỏ hệ thống luật cũ chặt chẽ cho ngân hàng. Nhưng nhìn ở góc độ truyền thông, phải chăng những người làm truyền thông Mỹ có tội với đất nước vì đã không thực hiện trách nhiệm xã hội phản biện, cảnh báo kịp thời. Cũng có khi lobby xảy ra ở cả hệ thống truyền thông chứ không chỉ ở quan chức?
 

- Khi vấn đề đã xảy ra, tất cả mọi người đều là nạn nhân và đều tham gia vào nguyên nhân gây ra hệ quả. Người dân ngủ quên trong những giấc mơ, "hồ hởi không có cơ sở", tưởng mình giàu hơn, lấy thêm tiền ra mua sắm. Ở góc độ hành pháp, chính phủ Bush cần tiền cho cuộc chiến Iraq, cho chính sách xã hội trong nước, nên phải làm ngơ để kinh tế phát triển ảo, để vẫn có tăng trưởng, có thuế. Và thảm hoạ vẫn thường đến khi hội tụ từ nhiều yếu tố rủi ro.

- Nghịch lý nhất đó là các trường giỏi nhất về kinh doanh, quản lý nhà nước giỏi nhất là ở nước Mỹ. Hệ thống cảnh báo, quản trị rủi ro của nhà nước cũng rất bảo đảm. Bao nhiêu con người, bao nhiêu tiền của cho hệ thống chuyên gia, giáo sư, học giả nghiên cứu rất nhiều…. rất nổi tiếng.  Ở trường Harvard, bà Mary Graham có nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “Full disclose” nói về việc minh bạch, công khai rất được hoan nghênh... Tại sao họ lại không kịp thời chỉ ra được chuyện này để giúp nước Mỹ? Có nhóm vì lợi ích cá nhân nhưng vẫn còn những người vì lợi ích đất nước chứ?

- Lịch sử thế giới cho thấy: các đế quốc sụp đổ vào lúc họ mạnh nhất, cả văn hoá và đầu óc hiểu biết con người. Mấy nghìn năm trước, Rome sụp đổ khi các triết gia của La Mã là cha đẻ của những thuyết đến giờ vẫn còn được dạy. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào xác suất. Nếu chỉ là một tiếng nói trong trăm nghìn người nói khác anh, anh không có thế trong xã hội. Anh nói ngược chiều số đông khi đa số nhân danh phát triển cho thấy rằng: GDP tăng, tạo ra nhiều việc làm, ai cũng thấy giàu hơn... thì họ có hậu thuẫn của xã hội cho những gì họ làm.

- Như vậy, trong 1 xã hội phát triển như nước Mỹ vẫn còn đầy rẫy khiếm quyết, rất nhiều rủi ro, và cảnh báo rủi ro vô cùng cần thiết. Nếu nước Mỹ không ngủ quên trên chiến thắng, say mê cảm giác của người đứng đầu thì chắc tính cảnh báo, phản biện sẽ mạnh hơn, biết đâu sớm ngăn được cuộc khủng hoảng này. Đây là bài học cho thấy không chỉ nghe theo số đông, mà hãy nói đúng nhận thức suy nghĩ của mình.

- Cái gì cực đoan quá cũng không tốt, vì sẽ chứa đựng mầm mống tự huỷ diệt ở trong nó. Kinh tế thị trường tự do có bàn tay vô hình thị trường điều chỉnh, nhưng thả lỏng quá, chính phủ không còn quản lý điều tiết khi cần, khi có vấn đề gì, sẽ không kịp can thiệp. Vì thế, thuyết trung dung luôn đúng, cái gì cũng nên vừa phải, đừng rơi quá xa tâm điểm của sự thuận lý, để nếu hệ thống bị bung ra có thể kéo nó lại.

Khủng hoảng: kết quả canh bạc lớn của nước Mỹ mà ai cũng nghĩ mình khôn

- Nhưng cũng có 1 số các luận điểm khác cho rằng phát triển quá thì phải dừng, đi xuống, rồi lại tái cấu trúc và sẽ đi lên trở lại?

- Vấn đề phát triển của Mỹ là phát triển ảo, phát triển tạo tài sản ảo nhiều hơn thật.

-Liệu có thể cho rằng đó là thời đại kinh tế thông tin, giá trị ảo quan trọng không kém giá trị thật?

-Ảo tới một mức nào đó thôi, đến một mức nào đó thị trường không chấp nhận giá bị "bốc" lên nữa, sẽ "trả giá" xuống, gây phản ứng ngược lại.

- Nước Mỹ không học được bài học của chính mình từ quá khứ sau những cuộc khủng hoảng năm 1980s, rồi khủng hoảng năm 2000 vỡ bong bóng dot.com. Đó cũng là giá trị ảo được kỳ vọng quá lớn?

- Nhiều người chơi trong cuộc chơi này biết nó ảo, nhưng họ tâm lý là nghĩ mình khôn hơn người kế tiếp, biết nhảy ra trước khi nó đổ vỡ. Ai cũng nghĩ vậy, giống như đánh bạc vậy, thắng rồi thì không có khái niệm thua. Đây là canh bạc lớn cho nước Mỹ, cho cả với dân thường và lãnh đạo.
 

Bạn đọc Phan Công, Gia Lai: Việc Hạ viện Mỹ bác bỏ dự luật 700 tỷ USD làm cho cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ trầm trọng được ví như cuộc đại hồng thủy. Liệu có xảy ra đại suy thoái như trước đây. Mức độ như thế nào, nếu so đại suy thoái là 10? Liệu khủng hoảng có dẫn tới chiến tranh thế giới không?

-Câu hỏi lớn, tôi không dám làm thầy bói nói khoác. Nhưng tôi nghĩ có lẽ không đến nỗi như đại suy thoái, khi nước Mỹ kiệt quệ, dân xếp hàng xin cháo ăn.

Bây giờ, tương lai nước Mỹ gắn với nhiều người trên thế giới, không ai muốn để Mỹ kiệt quệ. Cộng đồng tài chính thế giới sẽ góp tay vào, vì Mỹ sụp thì nhiều nơi cũng sụp theo.

Tài sản của Mỹ được chứng khoán hóa và các nước khác đã mua lại một phần khá lớn. Nước ngoài phải giữ 70-80% tổng tài sản chứng khoán của Mỹ. Để Mỹ vực dậy, các nước sẽ góp tay giúp Mỹ tái tạo được tài sản, nếu không họ sẽ mất trắng. Các nước cũng phải lo lắng.

Trong khủng hoảng này, Nhật Bản có lợi tương đối nhiều nhất, vì Nhật vừa qua khủng hoảng, tái cấu trúc, có khả năng nhất. Vừa rồi nhiều tập đoàn Nhật Bản mua lại một số tài sản của các tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ. 6 tháng trước đây, các DN Nhật không nghĩ mình có cơ hội mua lại tài sản như vậy.

 

Nói chung, về ảnh hưởng tương đối, khủng hoảng sẽ không giống như đại suy thoái, nhưng về tuyệt đối, thiệt hại lớn hơn nhiều.

- Đây là bài học lớn cho nước Mỹ. Có những đế chế sụp đổ như Rome. Liệu đế chế Mỹ có sụp đổ?

-Nếu nói sụp đổ thì hơi quá. Bởi vì ảnh hưởng của Mỹ, giá trị thật của Mỹ vẫn lớn, và giá trị tuyệt đối của Mỹ cũng là lớn nhất thế giới. Nhưng quyền và thế tương đối của Mỹ sẽ giảm, giảm nhất là uy thế, uy tín của Mỹ.

Năm ngoái, ông bộ trưởng tài chính Mỹ đi dự họp hội nghị tài chính thế giới, hay Diễn đàn kinh tế thế giới được coi như vua, chỉ đạo người ta sống như thế nào, cấu trúc kinh tế ra sao, cơ cấu nguồn vốn thế nào. Nhưng có lẽ sang năm, vẫn ông ấy đi những hội nghị thế này thì vị thế đó sẽ không còn như xưa nữa.



(Theo báo VietNamNet)

  • ĐH Kinh doanh Harvard: Những dấu mốc trong lịch sử
  • Tập trung quá nhiều việc có cơ bị... mất tập trung
  • Cái chết tầm thường của các vĩ nhân
  • Trực tuyến: Khủng hoảng tài chính Mỹ, hệ lụy và bài học
  • Giá đắt của cơn say chiến thắng và lợi ích nhóm - Phần 2
  • Giá đắt của cơn say chiến thắng và lợi ích nhóm - Phần 2
  • Trực tuyến: Nước Mỹ sẽ ra sao dưới thời Obama?
  • Nước Mỹ sẽ không còn dọa nạt các nước khác?
  • Nhờ Internet, Obama có vị thế chính trị độc lập hơn - Phần 1
  • Nhờ Internet, Obama có vị thế chính trị độc lập hơn - Phần 2
  • Thời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần 1
  • Trực tuyến: Toàn cầu hoá sản phẩm, địa phương hoá thông tinTrực tuyến: Toàn cầu hoá sản phẩm, địa phương hoá thông tin
  • Thời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần 2
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com