Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá đắt của cơn say chiến thắng và lợi ích nhóm - Phần 2

Cục diện quốc tế: Giao điểm nhạy cảm

-Tôi cảm nhận rằng điều này có lẽ lại tốt cho nước Mỹ, để nước Mỹ tỉnh lại, nhận thức lại mình. Nhìn ra, nhiều nước trên thế giới vừa ganh vừa ghét, vì nước Mỹ thường xuyên áp đặt cho mình những cái gì là đúng đắn, là hay. Qua đó, nước Mỹ thấy mỗi quốc gia dân tộc có đặc thù, bước đi và cách nhìn riêng và có lẽ không nên áp đặt những chuẩn mực, mô hình, lối suy nghĩ Mỹ lên thế giới.

Và có lẽ có cuộc khủng hoảng này thì nước Mỹ mới không thỏa mãn. Họ nhận ra mình có những đối thủ cạnh tranh, có mối đe dọa vị thế của nước Mỹ. Người dân Mỹ, lãnh đạo Mỹ tỉnh ra, để thấy rằng lúc đó, với lòng tự trọng và ái quốc, họ sẽ tụ hội những gì tốt nhất để làm nước Mỹ phục hồi trở lại.
 

Cá nhân tôi cũng đồng tình rằng giá trị thật của nước Mỹ còn nhiều, nhờ cơ chế để mỗi người có điều kiện và được phát huy cao nhất khả năng của mình. Theo tôi, đó là giá trị lớn nhất nước Mỹ đang có. Ai cũng thấy mình có cơ hội lớn nhất khi ở Mỹ. Và hạ tần mềm, hạ tầng cứng đều ổn.
 

-Cái đó tốt cho thế giới nữa. Rõ ràng trong 20 chục năm qua, từ sau chiến tranh Lạnh, Mỹ là siêu cường độc tôn. Một cục diện thế giới như vậy thực ra cũng có nhiều điều bất ổn, không tồn tại lâu dài được. 

Trong lịch sử thế giới, khi siêu cường số 1 đi xuống, hay những người khác có cảm nhận người ta đang đi xuống, những cường quốc số 2, số 3 sẽ vượt lên, cạnh tranh. Siêu cường đi xuống cũng sẽ không chịu xuôi tay, tiếp tục vùng vẫy. Giao điểm này cực kỳ nguy hiểm, khi cường quốc số 2, số 3 đang muốn lợi dụng sự suy yếu của siêu cường số 1 còn siêu cường số 1 muốn tái khẳng định vị trí của mình, dễ dẫn đến xung đột.

- Thậm chí là chiến tranh thế giới như đã từng xảy ra?

-Người đi xuống sẽ không dễ chấp nhận, cản người đi lên, xác suất có lúc đụng khá cao.

- Theo anh, từ chuyện này nhìn ra xu hướng trật tự thế giới, an ninh thế giới có bất ổn không hay các nước lớn sẽ hòa hoãn được với nhau?

- Xu hướng hoà hoãn nhiều hơn. Các quốc gia đều nghĩ lợi ích riêng, nhưng phải sống chung với nhau nhiều hơn trước. Anh không thể đơn phương đưa ra một quyết định gì mà chỉ có lợi cho anh và không có lợi cho người khác. Người ta sẽ "nghỉ chơi" với anh ngay và thị trường phản ứng ngay. Hội nhập làm thế giới phải nương nhau mà sống, dẫn đến thế giới ổn định hơn những giai đoạn trước, trong đường dài. Trong thời gian trước mắt sẽ có cạnh tranh ngôi vị, dễ dẫn tới xung đột.

-Thế nhưng lại xuất hiện những bất ổn khác, những nước lớn lại muốn tranh giành ảnh hưởng với những nước nhỏ xung quanh, lan toả ảnh hưởng khu vực cho nên không có những xung đột giữa các nước lớn với nhau mà ảnh hưởng những thân phận nước nhỏ?

- Đó là lối hành xử cổ điển của các nước trong quan hệ quốc tế. Các "ông lớn" không dám đụng nhau trực tiếp, vì thiệt hại lớn, xúi các "ông nhỏ" đụng nhau, thế giới sẽ thấy nhiều xung đột nhỏ.

- Hoặc thậm chí các ông lớn lấn lướt các ông nhỏ bên cạnh để thể hiện tầm ảnh hưởng của mình thì sao? Có xảy ra không?

- Có, nhưng sẽ chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, kinh tế, tài chính, còn lĩnh vực quân sự sẽ giới hạn và khó. Thực ra, dùng biện pháp quân sự, không lời nhiều, vì nó quá lộ liễu, tốn kém, dễ gây ác cảm với thế giới. trong khi các biện pháp tài chính - kinh tế nhẹ nhàng hơn, ảnh hưởng lớn, tạo thế hiệu quả lợi hơn liệu pháp mạnh.


Khủng hoảng là cơ hội lãnh đạo thể hiện vai trò, bản lĩnh

- Anh có dự đoán là nước Mỹ sẽ phải trở lại hệ thống quản trị ngân hàng, quy pháp chặt chẽ?

- Ai làm Tổng thống nhiệm kì tới, đó sẽ là câu chuyện đau đầu.

- Nhưng đó cũng là cơ hội để Tổng thống mới thể hiện bản lĩnh, vai trò của mình?

- Sứ mệnh đó không chỉ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và chính trị Mỹ, mà còn đặt ra với Âu châu, Nhật Bản... Thủ tướng Anh G.Brown đang đề nghị cấu trúc lại hệ thống tài chính thế giới do Mỹ đặt ra từ sau chiến tranh thế giới II, hệ thống Bretton-Woods... Hệ thống tài chính thế giới hiện đang do Mỹ thiết kế và có ảnh hưởng điều hành.

Các nước khác dựa cơ hội này để góp bàn tay tham gia tái cấu trúc kinh tế thế giới. Người nào lãnh đạo nước Mỹ cũng phải đóng vai trò lãnh đạo trong công tác đó, để duy trì ảnh hưởng, quyền và thế của nước Mỹ trong cộng đồng tài chính thế giới. Nó không chỉ ảnh hưởng tới nước Mỹ mà ảnh hưởng nhiều thế hệ, bởi hệ thống trước đã kéo dài tới 60 năm.

- Điều này sẽ ảnh hưởng tới bầu cử nước Mỹ. Theo ông, ai sẽ được hưởng lợi, khôn ngoan để vượt lên giành thắng lợi?

- Những thăm dò mới đây cho thấy Obama sẽ là người hưởng lợi. Người ta đánh giá ông có khả năng quản lý kinh tế tốt hơn McCain. Thực ra, TNS Obama chưa bao giờ thể hiện khả năng quản lý kinh tế của ông ấy như thế nào, bởi chỉ mới vào Thượng viện vài năm, lo bầu cử. Nhưng nhìn ông McCain, suốt cuộc đời chính trị, ông ấy thường quan tâm đến đối ngoại, an ninh quốc gia... và chưa bao giờ tham gia việc gì nổi tiếng ở nước Mỹ để người Mỹ thấy ông có quan tâm về kinh tế, dù trước ông có tham gia UB Thương mại Thượng viện, lo về viễn thông.

Hơn nữa, xã hội Mỹ đã chán chường với đảng Cộng hoà, sau những năm của ông Bush. Đây là điểm bất lợi cho McCain. Tại thời điểm này, khủng hoảng kinh tế có lợi cho Obama hơn McCain.
 

- Thực tế, cuộc tranh luận đầu tiên, người ta cảm nhận McCain lấn lướt hơn, lấy điểm hơn?

- Nhiều cuộc khảo sát nói ngược lại. Thật ra, cá nhân tôi, qua cuộc tranh luận đó, không ai thắng một cách quyết đoán, không ai ghi bàn rõ nét cả. Có lẽ, hai ông vẫn đang thực hiện chiến thuật: không thua thì hy vọng thắng, không tạo lỗi với hy vọng tạo cú hích phía sau. Tình hình chộn rộn quá và không ai muốn có lập trường, chủ trương quá mạnh mẽ có thể gây sốc với cử tri.

- Theo anh, Tổng thống mới của Mỹ có thể giải quyết được những ngổn ngang này trong xã hội Mỹ hay không? 

- Tổng thống Mỹ có quyền tương đối trong xã hội Mỹ. Quanh ông ấy, có những trung tâm nghiên cứu đặc quyền về đối ngoại: quân sự, ngoại giao, kinh tế. Với nước Mỹ, ai làm Tổng thống cũng không khác nhau lắm về mặt đối ngoại, chỉ khác về mặt đối nội.

Khi bầu cử, hai Đảng đối lập nhau, nhưng khi nắm quyền khi được báo cáo đầy đủ, dù cấp tiến thì họ vẫn trở lại là con người bảo thủ, đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết. Nhìn cựu Tổng thống Jimmy Carter khi nhậm chức năm 1976, rất cấp tiến, nói chuyện hoà bình, nhưng đến 1979, khi cầm quyền, ông là người tăng ngân sách quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Rất khó đoán biết kết quả.

- Chúng ta cũng mong rằng kinh tế, tài chính Mỹ sẽ sớm khôi phục. Theo ông, đến bao giờ? Liệu hết nhiệm kỳ của Tổng thống mới, nước Mỹ có khôi phục lại?

- Với quy mô, cường độ của cuộc khủng hoảng này, theo tôi, thời gian phục hồi không nhanh hơn được 4 năm. Ít nhất 1 năm để sắp xếp. Anh đang mới biết bệnh thôi, chưa đụng đáy. Đụng đáy rồi mới hồi phục. Hồi phục rồi mới tập luyện và trở lại đấu trường, làm ăn. Tức là 1 năm để tỉnh táo lại và 2-3 năm để thị trường nhà đất phục hồi. Hiện cung đang vượt cầu rất lớn. Nhà bỏ trống phải thanh lý, giá giảm đến mức để có người mua nhà đó, để cung gặp cầu trên thị trường địa ốc. Sau đó thì TTCK mới hoạt động tốt.

- Anh tin rằng Tổng thống mới sẽ lãnh nhiệm vụ này, đi vào lịch sử của nước Mỹ như trước đây?

- Thời thế tạo anh hùng, dù Tổng thống là ai. Sẽ có nhân tài xuất hiện khi thời biến, đóng góp cho nước Mỹ. Với nguồn lực nước Mỹ, nước Mỹ sẽ vượt qua.


Chấn động khủng hoảng Mỹ vào VN: sóng thần từ biển vào kênh rạch


- Từ góc độ nước Mỹ, bài học để chúng ta nhìn ra, soi chiếu. Trong bối cảnh như vậy, anh đánh giá VN như thế nào?


- Ảnh hưởng tới VN về trực tiếp không lớn. Ví von 1 chút, cơn địa chấn - tsunami này, anh ở biển sẽ chấn động mạnh nhất. Đi qua một con sông, qua rạch tới VN, đương nhiên sẽ tác động ít hơn. Tuy nhiên, nếu ai cũng chấn động, sau này mình có chèo ghe, mang nải chuối đi bán, thì cũng ít có người mua, và có mua cũng trả giá rẻ, vì chợ không đông. Xuất khẩu của VN sẽ ảnh hưởng rõ nét nhất.
 

- Theo anh, kiều hối về VN có giảm hay không khi mọi người thắt chặt chi tiêu? FDI có vào nhiều như trước nữa hay không?

- Kiều hối sẽ không thay đổi nhiều, vì nhìn lịch sử kiều hối mấy chục năm qua, thì thấy kiều hối tăng đều dù đã qua nhiều bấp bênh của Mỹ cũng như của VN. Theo một báo cáo mới đây, kiều hối sẽ vượt ngưỡng 10 tỷ USD/năm, cả gửi tặng, đầu tư và tiền bà con đi làm ăn mang về. Nguồn tiền này, theo tôi, có lẽ sẽ ổn định.

Nguồn FDI sẽ thay đổi lớn vì, trong 2 năm qua, nguồn FDI của VN tăng bất thường, tăng không có cơ sở chính đáng. VN không thể tiệu thụ quá 5 tỷ USD một năm với hạ tầng, môi trường kinh doanh như hiện nay.

Những năm qua, khối tiền tệ đầu tư rất lớn. Từ những thủ thuật bốc giá, bơm giá, móc tiền trong dân ra, những quỹ này quá nhiều tiền, không biết đầu tư đi đâu. Đầu tư có phần trăm, nên người quản lý quỹ đầu tư phải tìm chỗ để đầu tư, càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Từ năm 2007 đến nay, VN cho nhà quản lý này một bài rất đẹp: thị trường đang lên, hội nhập WTO, hứa hẹn cải cách... Người quản lý qũy có cớ để lấy tiền đổ vào VN.

Hai năm qua, có những đầu tư không lí giải được. Nếu tiền này của anh thì anh sẽ không đầu tư như thế. Anh không thể đầu tư vào dự án resort 300-500 triệu USD ở một tỉnh thành đã có 15-20 dự án như vậy. Có thể là dự án không thật. Tại sao xảy ra?

Phải hiểu rằng nhiều khoản đầu tư đã được tính từ những năm trước, những năm 2005-2006. VN sau gia nhập WTO, tạo tiền đề mở cổng cho tiền ập vào.

Chỉ trong quý này thôi sẽ thấy có sự điều chỉnh trong FDI vào VN, và có thể sẽ nhỏ giọt xuống dưới 10 tỷ/năm.


Không thể xem FDI là cứu cánh thoát nghèo

- Tôi nghĩ quan trọng là cái vốn được bỏ vào được hấp thụ như thế nào và bỏ vào theo hướng nào để tạo ra sức bật cho nền kinh tế, chứ đầu tư theo kiểu tàn phá môi trường, không tạo ra nhiều giá trị gia tăng, không tạo ra giá trị mới thì sẽ không bền vững?

- Bởi vậy trách nhiệm quản lý vĩ mô, chiến lược đầu tư vĩ mô của chính VN mới quan trọng.
 

- Chứ không sợ FDI vào nhiều hay ít? 

-Trong nhiều năm, VN xem FDI là cứu cánh thoát nghèo, nên ai đưa gì mình cũng nhận. Bây giờ mình cần biết mình cần gì, ưu tiên gì, ở đâu, sử dụng như thế nào. Cái đó VN phải chủ động rất cao, không thể để nhà đầu tư chủ động.

-Chúng ta có hoạch định chiến lược hát triển của chúng ta, để kêu gọi vào chứ không ngồi chờ, có lĩnh vực cần ra ngoài, kêu gọi họ vào, và có những cái ngay cả khi họ mang tiền vào, VN cũng phải lắc đầu từ chối. Tư duy của chúng ta phải chủ động hơn?

- VN cũng cần xét lại tư duy, đầu tư dàn trải để ở đâu cũng có một ít. Không nên như vậy.

Mỗi địa phương có một lợi thế. Ví dụ, anh xây một khu du lịch 5-7 sao ở miền trung, khu vực mà một năm hết 6-7 tháng bão. Lợi nhuận sẽ rất tương đối. Thay vì dàn trải, anh nên tập trung du lịch ở chỗ nào có lợi thế du lịch, làm giàu cho đất nước trên lợi thế đó, dùng khoản lời đó để đầu tư cho những nơi khác, làm chuyện khác mà địa phương có lợi thế hơn. Bài toán đó mình tính rồi, nói nhiều rồi nhưng làm chưa tốt lắm.

Điểm chốt cạnh tranh và hiệu suất của hệ thống

- Theo anh nhìn nhận, nền kinh tế - xã hội VN trong năm nay thế nào?
 

- Tôi đánh giá là nhà nước ta trong mấy tháng vừa qua đã có những kết quả tích cực.

Trước hết, về mặt tâm lý thị trường đã ngăn chặn được lạm phát, cho người dân có cảm giác là chính phủ có thái độ quyết liệt. Tuy nhiên, vấn đề là tính hiệu suất của môi trường kinh doanh. Tính cạnh tranh trong thời gian 5 năm trở lại đây không được cải thiện cụ thể.

Hình dung nó giống như hộp đen trong vật lý, chúng ta tăng đầu vào nhiều mà đầu ra không tăng thì máy sẽ nóng lên, chính là lạm phát. Tăng vốn, tăng đầu vào nhiều mà hệ thống không kịp xử lý và không có khả năng xử lý, thì hệ thống sẽ nóng.

Kinh tế VN cũng có thể ví như con người, không có gì nhiều để làm có hiệu quả thiết thực, mà được cho ăn nhiều, không tiêu hóa được thì béo phì, tăng huyết áp, chính là lạm phát. Đó là chưa kể các điều kiện khác nội tại khác, sẽ khiến VN phải xử lý cả các bệnh về gan thận, tiểu đường...

Vấn đề trọng tâm là tăng tính cạnh tranh, hiệu suất của hệ thống. Điều tiên quyết để tăng tính cạnh tranh là phải cải thiện môi trường kinh doanh, tạo nội lực bền vững.


Làm nhẹ gánh cho DN dân doanh ra đấu trường quốc tế

- Anh có thể chỉ ra cụ thể hơn nội lực bền vững là gì để đảm bảo sự phát triển?

- Lí do môi trường kinh doanh có tính quyết định bởi đó là phần quan trọng nhất trong gói phát triển của nền kinh tế.

Trước đây, tôi còn làm công tác nghiên cứu phát triển kinh tế, có dịp quan sát từ Pakistan, tới Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, tôi và các đồng nghiệp của WB, IFC và cơ quan nghiên cứu quốc tế khác đều đánh giá con người VN năng động. Từ Đổi mới tới nay, DN VN đặc biệt các DN vừa và nhỏ cực kỳ năng động. Phát triển trong hoàn cảnh khó khăn, các DN này vẫn sống, phát triển và làm tương đối tốt.

Bây giờ hội nhập, anh đang chơi trên đấu trường quốc tế rồi, môi trường kinh doanh tốt sẽ làm anh nhẹ gánh, không phải cõng thêm gánh nặng khi ra đấu trường đấu với người khác.

Môi trường kinh doanh bắt đầu từ những cái cụ thể nhất. Nhìn đời sống của doanh nhân hằng ngày, họ làm gì, vướng gì hàng ngày, rồi nỗ lực giải quyết cho họ. Ví dụ, họ ra nhận lô hàng ở cảng, mất bao nhiêu thời gian, chi bao nhiêu tiền, có gặp khó dễ gì không. Nếu là người quản lý kinh tế, mình phải làm sao để hoạt động của DN thuận tiện nhất, tăng hiệu suất, sản xuất tốt nhất, nhanh nhất và tập trung nguồn lực để phát triển.

- Hôm 30/9,Thủ tướng đã chỉ đạo phải chú trọng và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ, DN dân doanh. Anh đánh giá thế nào?

- Tôi nghĩ đó là chủ trương quá đúng đắn, không thể tốt hơn được nữa. Thật ra, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mấy năm sau Đổi mới chúng ta đã chú ý tới phát triển thành phần kinh tế tư nhân.

Tôi có may mắn tham gia nhóm nghiên cứu về phát triển thành phần kinh tế tư nhân của Ngân hàng thế giới từ những năm đầu tiên của những năm 90s có báo cáo chính phủ. Nhìn lịch sử phát triển của các nước đang phát triển như VN, đầu tàu chính là kinh tế tư nhân. Họ có tính năng động, uyển chuyển và chịu trách nhiệm. Không phải là chịu trách nhiệm trước nhà nước mà chịu trách nhiệm với chính họ. Họ làm trật thì ngay lập tức ngày hôm sau họ đã phải trả giá. Đó là điều mà khu vực kinh tế nhà nước không có. DN dân doanh buộc phải duy trì tính năng động, tính điều chỉnh cần thiết trong hoạt độngkinh doanh.

Trong 10, 15 năm qua thành phần kinh tế tư nhân, DN vừa và nhỏ, đã có những bước phát triển nhất định. Nhưng tôi nghĩ vẫn có thể làm tốt hơn. Tôi rất mừng vì Chính phủ có những biện pháp tốt vậy, và chắc chắn sẽ được DN và cộng đồng thế giới ủng hộ. Cộng đồng thế giới cũng muốn VN làm tốt, phát triển tốt để họ có những bạn hàng, những cơ hội mới.

-Cảm ơn bạn đọc VietNamNet đã theo dõi buổi trực tuyến. Trong quá trình trao đổi chúng tôi đã sử dụng rất nhiều ý của các bạn gửi về. Những câu hỏi khác, chúng tôi sẽ chuyển tới tay ông Trần Sĩ Chương.

(Theo báo VietNamNet)

  • ĐH Kinh doanh Harvard: Những dấu mốc trong lịch sử
  • Tập trung quá nhiều việc có cơ bị... mất tập trung
  • Cái chết tầm thường của các vĩ nhân
  • Trực tuyến: Khủng hoảng tài chính Mỹ, hệ lụy và bài học
  • Giá đắt của cơn say chiến thắng và lợi ích nhóm - Phần 1
  • Giá đắt của cơn say chiến thắng và lợi ích nhóm - Phần 1
  • Trực tuyến: Nước Mỹ sẽ ra sao dưới thời Obama?
  • Nước Mỹ sẽ không còn dọa nạt các nước khác?
  • Nhờ Internet, Obama có vị thế chính trị độc lập hơn - Phần 1
  • Nhờ Internet, Obama có vị thế chính trị độc lập hơn - Phần 2
  • Thời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần 1
  • Trực tuyến: Toàn cầu hoá sản phẩm, địa phương hoá thông tinTrực tuyến: Toàn cầu hoá sản phẩm, địa phương hoá thông tin
  • Thời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần 2
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com