Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỹ năng thương lượng (32): Đào tạo kỹ năng

 Đào tạo kỹ năng là một phương pháp khác để phát triển nhân viên với hai mục đích: Giúp nhân viên có được kỹ năng phù hợp với công nghệ tiên tiến và các hoạt động kinh doanh của công ty.


2. Giúp nhân viên làm chủ được các kỹ năng cần thiết để đóng góp nhiều hơn và thăng tiến trong nội bộ công ty.


Đào tạo kỹ năng đem lại lợi ích cho cả hai bên. Khi được đào tạo kỹ năng một cách hiệu quả, nhân viên sẽ nhận thức tốt hơn về các tiêu chuẩn hiện hành, duy trì được "năng lực nghề nghiệp" và trong một số trường hợp còn tiến lên cấp độ cao hơn.


Đào tạo kỹ năng có thể ở dạng chính thức hoặc không chính thức. Đào tạo không chính thức nhìn chung được thực hiện thông qua hình thức đào tạo tại chỗ (OJT - on-the-job training). Đây là hình thức đào tạo ít tốn kém nhất vì nó không tách nhân viên ra khỏi quy trình sản xuất. Đào tạo tại chỗ cũng là phương pháp thông dụng nhất để phát triển kỹ năng làm việc tại các công ty Mỹ.


Nhìn chung, các hoạt động đào tạo tại chỗ ở Mỹ còn thiếu cơ cấu, không có người đào tạo được chỉ định cũng chẳng có tài liệu đào tạo. Ngược lại, các công ty Nhật lại áp dụng một phương pháp đào tạo tại chỗ quy củ hơn nhiều vì họ xem đây là yếu tố then chốt trong hệ thống đào tạo nhằm phát triển nhân viên cho nghề nghiệp lâu dài. Clair Brown và Michael Reich đã mô tả:


Ở Nhật, việc đào tạo tại chỗ được lập kế hoạch, sắp xếp và ghi chép cẩn thận như việc đào tạo tại lớp học do công ty cung cấp. Đào tạo và phát triển nghề nghiệp là một quyền lợi mà mọi nhân viên đều mong đợi. Mỗi nhân viên, từ người mới tuyển dụng cho đến nhà quản lý cao cấp, đều nghĩ mình là giáo viên của cấp dưới và là học viên của cấp trên. Việc đào tạo cho nhân viên thay thế vị trí của bạn cũng quan trọng như việc đào tạo để leo lên nấc thang nghề nghiệp.


Đào tạo chính thức, theo thông lệ của các công ty Mỹ, có quy củ hơn đào tạo tại chỗ hoặc đào tạo qua mạng. Hình thức đào tạo này có thể được sử dụng để nâng cao kỹ năng dành riêng cho công ty lẫn kỹ năng phổ quát có thể chuyển giao. Tuy nhiên, đào tạo chính thức tốn kém hơn đào tạo tại chỗ vì nhân viên bị tách khỏi công việc của họ, phải mời giảng viên, và phải phát triển cũng như cập nhật tài liệu.


Đào tạo chính thức ở nhiều công ty lớn được thực hiện thông qua các "trường đào tạo doanh nghiệp" hiện đang ngày càng phát triển. Jeanne Meister đã nghiên cứu các trường đào tạo doanh nghiệp này và chỉ ra hai lý do cho sự phổ biến đó:


* Điều chỉnh được việc đào tạo nhân viên theo chiến lược kinh doanh. Bằng cách kiểm soát chương trình giảng dạy, công ty có thể tập trung đào tạo các kỹ năng chuyên biệt hỗ trợ cho chiến lược của họ. Điều này sẽ giảm thiểu được tình trạng thiếu hụt kỹ năng ở các vị trí chính.


* Đảm bảo việc nâng cấp liên tục kiến thức chuyên môn. Theo Meister: "Kiến thức chuyên môn cũng như thùng sữa, tất cả đều có tuổi thọ của nó. Nếu bạn không thay thế những điều bạn biết ít nhất hai năm một lần, nghề nghiệp của bạn sẽ bị chua".


Một số công ty thuê các trường đào tạo bên ngoài huấn luyện cho họ một phần hoặc toàn bộ các kỹ năng, đặc biệt là các trường kỹ thuật dạy nghề. Trong một vài trường hợp đặc biệt, các công ty có thể tác động đến chương trình dạy của các trường này để định hình việc đào tạo cho nhân viên của mình.


Việc đào tạo có phải là sự lãng phí không? Câu trả lời sẽ là "có" và "không". Khi đào tạo tập trung vào các kỹ năng phù hợp để phục vụ mục tiêu doanh nghiệp, việc đào tạo sẽ đem lại nhiều lợi ích. Còn ngược lại, nó có thể là một nỗ lực tốn kém và không phát huy hiệu quả.


Nguồn: Kỹ năng thương lượng  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Bài thuộc chuyên đề: Kỹ năng thương lượng - Bí quyết thành công

  • Đàm phán: Sai lầm thường gặp
  • Các yếu tố giúp đột phá trong thương thuyết
  • Đàm phán và "mẹo" thiết lập ý tưởng khả thi
  • Đàm phán theo phương pháp thám tử
  • Đàm phán 3D: Cuộc chơi đa chiều (Phần I)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com